Phải chăng du lịch Việt Nam đã qua đỉnh điểm của chu kỳ mới?

Nguyễn Văn Mỹ* - 10:37, 04/01/2019

TheLEADERGiữa những tồn tại bất cập dai dẳng và chưa có lối thoát, du lịch Việt Nam vẫn tăng trưởng bất ngờ.

Phải chăng du lịch Việt Nam đã qua đỉnh điểm của chu kỳ mới?
Đón vị khách du lịch quốc tế thứ 15.000.000 tại Quảng Ninh

Ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng khá ấn tượng trong năm 2018, thu hút 15,5 triệu lượt khách nước ngoài và tăng 20,1% so với năm trước. Tuy nhiên, so với mức tăng trưởng 29,1% của năm 2017 thì phải chăng du lịch Việt Nam đã qua đỉnh điểm của chu kỳ mới?

Nhìn lại quá khứ có thể thấy sau đỉnh cao tăng trưởng 2010 ở mức 34,8%, du lịch Việt Nam giảm dần mức tăng trưởng đến tận đáy vào năm 2015 với 0,9%. Thực tế mức tăng trưởng năm 2018 thấp hơn 2017 làm dấy lên mối lo lịch sử sẽ lặp lại. Không ai muốn như vậy.

Trong số 15,5 triệu lượt khách nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2018, có hơn 5 triệu khách Trung Quốc, tăng khoảng 25% so với năm 2017. Con số này ở Thái Lan năm 2017 là 10 triệu khách Trung Quốc trong tổng số 35,4 triệu khách nước ngoài. Nếu khách Trung Quốc vào Thái Lan toàn bằng đường hàng không thì gần một nửa họ đến Việt Nam bằng đường bộ. Khách Nhật chỉ tăng 5%, còn châu Âu tăng khoảng 9%.

Tổng cục Thống kê chưa có số liệu doanh thu du lịch cả nước năm 2018, đặc biệt là các số liệu về độ dài lưu trú, mức chi tiêu hàng ngày và cả tour, số khách quay trở lại…Cần phải có những đánh giá chính xác nguyên nhân tăng, giảm từng thị trường cũng như lý do khách không quay lại, chi tiêu ít và có tìm ra nguyên nhân mới biết cách khắc phục, giữ mức tăng trưởng ổn định chứ không phập phù may rủi như lâu nay.

Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu du lịch Việt Nam năm 2017 là hơn 510.000 tỉ đồng, tương đương với 23 tỷ USD. Tuy nhiên, khi cộng doanh thu từ báo cáo du lịch của 63 tỉnh thành cả nước, con số chỉ hơn 350.000 tỷ đồng.

Theo Sở Du lịch TP. HCM, năm 2017, doanh thu du lịch của thành phố hơn 115.000 tỷ đồng. Khách quốc tế lưu trú bình quân 5,21 đêm và chi tiêu mỗi đêm là 145 USD, nếu nhân với 6,4 triệu khách, tổng doanh thu sẽ hơn 4,77 tỷ USD. Nếu quy đổi sang tiền đồng thì doanh thu từ khách quốc tế của TP. HCM sẽ là 110.892 tỷ đồng. Chẳng lẽ 29,4 triệu khách nội địa của TP. HCM chỉ thu được khoảng hơn 4.000 tỉ đồng?

Rõ ràng, nhiều số liệu thông kê của Việt Nam đang có vấn đề.

Học láng giềng

Tổng cục Du lịch Thái Lan vừa đón khách Việt Nam thứ 1.000.000 vào ngày 13/12/2017. Cùng thời điểm, khách Thái Lan vào Việt Nam chỉ 310.000 người. Người Thái cũng đón hơn 1 triệu người Singapore trong năm 2018, tương đương với gần 1/5 dân số đảo quốc Sư tử đi du lịch Thái Lan.

Nói dài dòng các bất cập về số liệu để tìm cách khắc phục những tồn tại nội bộ, tự biết sức mình và học tập láng giềng. Du lịch Lào, không có biển, nhưng năm 2017 họ đón 4,8 triệu khách dù dân số chưa tới 7 triệu. Campuchia, dân số chỉ hơn 15 triệu nhưng đón 5,6 triệu khách quốc tế.

Theo số liệu của “Global Code of Ethics for Tourism” thuộc UNWTO – Tổ chức Du lịch Thế giới, năm 2017, Thái Lan đón 35,4 triệu khách quốc tế, lọt vào Top 10 của thế giới với doanh thu đạt 57,5 tỉ USD và đứng thứ 4 thế giới sau Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp. Trung Quốc đón 60,7 triệu khách quốc tế; sau Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha nhưng doanh thu chỉ 32,6 tỉ USD.

Theo Master Card, năm 2017, Bangkok dẫn đầu lượng khách quốc tế của 162 thành phố nổi tiếng thế giới, qua mặt cả London và Paris với 20,5 triệu. Thái Lan không có Hạ Long (Quảng Ninh), Sơn Đoòng (Quảng Bình), Đà Lạt (Lâm Đồng), Sa Pa (Lào Kai)… Biển Thái Lan có chiều dài gần bằng Việt Nam nhưng đẹp thì thua xa. Họ đã biến không thành có, làm kinh ngạc cả thế giới.

Tổng cục Du lịch Thái Lan tổ chức theo ngành dọc, bổ nhiệm và trả lương cho các giám đốc Sở, có 28 văn phòng đại diện rải đều khắp thế giới. Ngoài sex tour, mua sắm kịch trần, du lịch huấn luyện với outdoor training đẳng cấp, du lịch Thái gắn với nông thôn cực chuẩn. Độc đáo nhất là lấy nước từ hoa dừa để uống và làm đường dừa; biến trái cây điếc thành than hoạt tính, sản phẩm organic để khử mùi và đuổi côn trùng cho các khách sạn, resort cao cấp. Từ hướng dẫn kỹ thuật đến bao tiêu sản phẩm đều một tay Tổng cục Du lịch giúp nông dân.

Bất chấp trở ngại vẫn vững tin

Giữa những tồn tại bất cập dai dẳng và chưa có lối thoát, du lịch Việt Nam vẫn tăng trưởng bất ngờ, làm ngạc nhiên bè bạn. Năm 2018, chứng kiến sự nỗ lực của du lịch Việt Nam, đặc biệt là vai trò của kinh tế tư nhân, từ các tập đoàn lớn cho đến các hộ gia đình.

Tập đoàn Sun Group khai trương cáp treo Hòn Thơm dài nhất thế giới tại Phú Quốc vào tháng 2/2018. Ngày 30/12/2018 Sun Group khánh thành cùng lúc ba công trình lớn tại tỉnh Quảng Ninh. Đó là cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn, cảng Tàu biển Quốc tế Hạ Long và đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn.

Phải chăng du lịch Việt Nam đã qua đỉnh điểm của chu kỳ mới?
Một góc khu du lịch Nam Hội An

Sau hàng loạt Vinpearland ở các nơi và Safari Phú Quốc, Vingroup trình làng siêu dự án du lịch Nam Hội An rộng hơn 200 ha, bờ biển dài 1.300m, ở xã Bình Dương, huyện Thanh Bình, Quảng Nam với khách sạn và resort 5 sao, sân golf, Eco Farm, River Safari, Water World, khu trò chơi cảm giác mạnh. Ấn tượng nhất là phố cổ Hội An, phố châu Âu và đảo Văn hóa Việt. Đây là phức hợp du lịch tầm cỡ nhất của ASEAN hiện nay. Đây là những đột phá thu hút cà khách quốc tế lẫn nội địa, góp phần thay đổi diện mạo du lịch Việt Nam trong năm 2019.

Mảng homestay theo qui chuẩn của Tổng cục Du lịch, được triển khai với nhiều mô hình sáng tạo, gắn với nông thôn, không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu chính đáng.

Homestay Minh Thơ (Mai Hịch, Mai Châu, Hòa Bình), có hồ bơi sinh thái mini, chỗ ngủ tập thể chỉ 80.000 đồng/người mỗi đêm nhưng khách đến được đón tiếp bằng welcome drink. Chủ nhân người Thái, học mới lớp 4 và vợ thì mù chữ Việt. Hoạt động từ năm cuối năm 2012, vốn đầu tư chưa tới 1 tỉ nhưng năm 2018 doanh thu hơn gấp đôi vốn đầu tư.

Homestay A Chu, dân tộc H’Mong ở Hua Tạt (Vân Hồ Sơn La) còn có 2 phòng sixsense. Homestay Hoa Ếch ở Sa Đéc, khai trương đầu năm 2017, vốn đầu tư gần 1 tỉ đồng, có diện tích 450/2.500 m2 đất vườn. Năm 2018, dự kiến đón 2.000 lượt khách lưu trú, chưa kể ăn uống và các dịch vụ khác, nộp thuế hơn 80 triệu đồng. Trước đây trồng hoa và nuôi ếch mỗi năm chỉ đóng trên dưới 2 triệu đồng tiền thuế.

Năm 2017, UNWTO sau khi khảo sát 150 homestay Nam Mỹ và 200 homestay ở châu Á đã khẳng định mô hình homestay theo qui chuẩn của Tổng cục Du lịch Việt Nam tại các tỉnh phía Bắc do CBT tư vấn là mô hình hiệu quả nhất, cần được nhân rộng. Mô hình được đưa vào giảng dạy ở một số trường đại học tại Úc.

Lâu nay, du lịch Việt Nam cứ mãi tự ti về cơ sở vật chất nhưng những gì Vingroup, Sun Group và các tập đoàn tư nhân đang chạy đua đầu tư cho du lịch Việt Nam là mong ước của nhiều nước. Thực tiễn đã chứng minh là nếu thật sự có lòng thì ai cũng làm du lịch được, không sợ nhân lực thiếu và yếu. Yếu thì đào tạo, còn thiếu thì không hề. Cũng không lo thiếu tiền vì tiền trong dân còn rất nhiều, tiền của các tập đoàn cũng không thiếu. Chỉ thiếu các dự án hiệu quả, kể cả cách làm du lịch homestay tự chủ chứ không ỷ lại vào nhà nước và các tổ chức phi chính phủ như lâu nay. Mọi khó khăn khác chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là tư duy bao cấp, sự trì trệ, làm ăn chụp giựt, xử lý chưa nghiêm các vấn nạn chặt chém và vi phạm luật Du lịch.

Nếu phá bỏ được những cản trở kiểu “quân ta hại quân mình” về thủ tục hành chính, mở rộng miễn thị thực, có sự hợp lực và đồng thuận của cộng đồng, có thêm chừng mươi nhà đầu tư cỡ Vingroup, Sun Group thì chẳng mấy chốc, du lịch Việt Nam gia nhập top đầu của ASEAN.

*Chủ tịch Lửa Việt Tours, Giám đốc công ty Tư vấn - Dịch vụ & Phát triển Du lịch CBT