Phía sau kế hoạch tăng trưởng khiêm tốn của MB

Dũng Phạm - 08:50, 20/04/2024

TheLEADERTrong khi các ngân hàng tương đương tham vọng tăng trưởng 2 chữ số, MB đặt ra mức kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 6-8% năm 2024 trong bối cảnh vĩ mô và nền kinh tế đang trên đà phục hồi tích cực.

Kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận và lo lắng của cổ đông về các khoản nợ tiểm ẩn rủi ro cao là chủ đề nóng tại Đại hội cổ đông thường niên 2024 của MB diễn ra sáng qua. Ban lãnh đạo ngân hàng đã cung cấp nhiều thông tin để trấn an các nhà đầu tư.

Năm 2023, MB là một trong số ít ngân hàng đã tận dụng tối đa room tín dụng được cấp với mức tăng trưởng tín dụng của riêng ngân hàng đạt 28,8%, vượt hơn so với mức 13-15% trung bình ngành. Đồng thời, lợi nhuận trước thuế tăng 21,5% và giúp MB đạt mức ROE top đầu ngành ngân hàng (24,5%).

Tuy nhiên, năm nay MB đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận chỉ 6-8% trong năm 2024. Chủ tịch HĐQT của MB - ông Lưu Trung Thái cho biết đây là này mức tăng trưởng phù hợp, an toàn và bền vững trong giai đoạn sắp tới. Đặc biệt trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng tín dụng khá khó khăn, chỉ đạt 0,26% trong quý I/2024 so với mức trung bình 5-6% các năm trước đó.

Bên cạnh đó, sự đó sụt giảm NIM (biên lãi ròng) đang diễn ra với toàn ngành ngân hàng trong giai đoạn vừa qua và vẫn đang tiếp diễn. 

Vấn đề nợ xấu dẫn tới áp lực trích lập dự phòng cao cùng là một trong những vấn đề MB phải giải quyết, đặc biệt khi mức nợ xấu toàn ngành gần như đã tăng gấp đôi trong thời gian qua, trực tiếp ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng.

Đối mặt với đà sụt giảm NIM, MB phải cố gắng kiểm soát các chi phí hoạt động (đảm bảo mức giảm 1-1,5%/năm) kết hợp với duy trì lợi thế về giá vốn từ CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn) ở mức trên 40% (cao nhất ngành) như hiện tại.

MB định hướng tăng trưởng an toàn, bền vững trong trung dài hạn
Định hướng kế hoạch kinh doanh của MB năm 2024. Nguồn: ĐHCĐ 2024 MB

Về không gian tăng trưởng, vị lãnh đạo MB cho biết trong giai đoạn sắp tới, mặc dù hạn mức tăng trưởng được NHNN giao chỉ khoảng 15% nhưng MB vẫn có thêm lợi thế từ việc nhận chuyển giao ngân hàng 0 đồng, qua đó có thể “chớp” được cơ hội tăng trưởng cao hơn với bối cảnh vĩ mô dần ổn định.

Được biết, tờ trình đề xuất nhận lại ngân hàng 0 đồng đã được MB hoàn thành 100% và hiện chỉ còn chờ phê duyệt của Chính phủ và NHNN. MB kỳ vọng chương trình sẽ sớm có kết quả trong năm 2024, giúp tạo thêm dư địa tăng trưởng cho ngân hàng.

MB hiện đang hỗ trợ OceanBank, một ngân hàng được NHNN tuyên bố mua lại 0 đồng vào năm 2015. Từ năm 2022, hai ngân hàng đã có các hợp tác về hoạt động kinh doanh, hệ thống cộng nghệ và nhân sự.

Về nợ xấu, MB mặc dù luôn đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 2% nhưng các cổ đông vẫn còn nhiều quan ngại về các khoản cho vay mà ngân hàng này dành cho các khoản đầu tư trái phiếu, đặc biệt với nhóm khách hàng Novaland và Trung Nam Group.

Trả lời về vấn đề này, Tổng giám đốc MB - ông Phạm Như Ánh cho biết ngân hàng đã thu hồi thêm được 2.400 tỷ đồng dư nợ từ Novaland trong năm 2023. Bên cạnh đó, MB là đơn vị trực tiếp quản lý tài sản, dòng tiền từng dự án tài trợ, các vấn đề pháp lý dự án – vướng mắc lớn nhất của Novaland đang dần được tháo gỡ sẽ giúp đảm bảo an toàn cho các khoản đầu tư hiện hữu.

Bổ sung thêm thông tin, theo ông Lưu Trung Thái, dư nợ của nhóm Novaland đã giảm một nửa. Đồng thời, ông cũng tin tưởng hai dự án của tập đoàn này đang được Chính phủ chỉ đạo giải quyết pháp lý và sẽ hoàn thành trong năm nay.

Đối với trường hợp của Trungnam Group, hiện MB đang cho vay đầu tư 3 dự án điện mặt trời tại Thuận Bắc, Thuận Nam và Trà Vinh. Các dự án này đều nằm trong FIT1 và FIT2. Theo ông Ánh, vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp này không nằm ở pháp lý mà là bị EVN chậm thanh toán tiền do khó khăn chung.

Trên thực tế, 3 dự án này đều đã phát điện theo đúng kế hoạch nhưng dòng tiền về chậm trong 3 tháng qua. Dù vậy, việc này không ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của cả MB và Trung Nam. 

Do vậy, theo các lãnh đạo của MB cả hai khách hàng lớn này đều chưa có nhiều quan ngại tại thời điểm này.

Năm 2023, tổng tài sản của MB đạt gần 945.000 tỷ đồng, tăng 29,7% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 26.300 tỷ đồng, tăng trưởng 15,7% so với năm 2022, góp mặt trong top 3 lợi nhuận toàn ngành, cho thấy đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động kinh doanh của MB.

Với kết quả này, MB đã đệ trình và được ĐHĐCĐ thông qua mức chia cổ tức cho năm 2023 là 20%, gồm 5% tiền mặt và 15% cổ phiếu.

Về chỉ tiêu tổng tài sản, ngân hàng đặt mục tiêu tăng 14% lền gần 1.068 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024, chỉ đứng sau nhóm Big 4. Bên cạnh đó, MB phấn đấu đạt tối thiểu 30% doanh thu từ kênh số, hướng đến 50% doanh thu trên kênh số vào năm 2026.

Trong năm 2024, ban lãnh đạo MB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm gần 8.580 tỷ đồng thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ cho các đối tác chiến lược.