Phó thủ tướng cho ý kiến về cơ chế đặc thù đối với các dự án PPP tại Hà Nội

Tiêu Phong - 17:44, 04/01/2018

TheLEADERPhó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về một số cơ chế đặc thù triển khai các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Phó thủ tướng cho ý kiến về cơ chế đặc thù đối với các dự án PPP tại Hà Nội
Một đoạn trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Theo đó, về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định của Điều 26 Luật Đấu thầu đối với các dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội xây dựng phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định của Điều 26 Luật đấu thầu đối với từng dự án cụ thể (trong đó lưu ý làm rõ yếu tố đặc thù của từng dự án), gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ.

Yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện thẩm định phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ do UBND thành phố Hà Nội cung cấp.

Về chuyển đổi hình thức đầu tư đối với Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Phó thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội thực hiện chuyển đổi hình thức đầu tư dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 25/1/2017, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Về ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn của thành phố ký kết các hợp đồng dự án nhóm A theo hình thức BT, Phó thủ tướng giao UBND chủ động quyết định việc ủy quyền theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. 

Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, UBND thành phố chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng giao UBND thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch tổng thể đầu tư hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội trong thời gian tới. Trong đó nêu rõ khả năng huy động nguồn lực đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2018.

Trước đó, hồi tháng 3/2017, Hà Nội đã mong muốn có cơ chế đặc thù trong việc lựa chọn nhà đầu tư đối với một số dự án để giải quyết những vướng mắc liên quan đến các dự án PPP trên địa bàn. 

Danh mục các dự án dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 1) của Hà Nội có 52 dự án thuộc 3 lĩnh vực, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 338.729 tỷ đồng. Trong đó, có 35 dự án hạ tầng kỹ thuật,12 dự án nước sạch nông thôn, 5 dự án y tế. 

Tại Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển” diễn ra ngày 25/6, Hà Nội cũng đã giới thiệu danh mục 17 dự án PPP mong muốn thu hút đầu tư với tổng số vốn 802.700 tỷ đồng.

Trong 17 dự án theo hình thức PPP có 11 dự án lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị, 1 dự án lĩnh vực môi trường và 5 dự án lĩnh vực hạ tầng giáo dục.

Tháng 9/2017 vừa qua, Hà Nội cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét đầu tư các dự án: Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3; cầu Mễ Sở (vành đai 4); hoàn thiện nút Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3.

Đối với các dự án này, Hà Nội cũng đề nghị: Trong trường hợp Bộ Giao thông vận tải chưa cân đối, bố trí vốn thực hiện, thành phố sẽ kêu gọi theo hình thức PPP.