Quá trình xây ứng dụng dữ liệu dân cư ở địa phương gặp nhiều khó khăn

Nhật Hạ - 15:34, 09/05/2023

TheLEADERPháp lý, hạ tầng công nghệ, dịch vụ công và nguồn lực là 4 nhóm vấn đề gặp nhiều vướng mắc tại các địa phương khi mở rộng Đề án 06 (Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia).

Đề án 06 (Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) là tiền đề hết sức quan trọng để tiến tới vận hành Chính phủ số, đi cùng với xã hội số, kinh tế số, thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.

Mục tiêu tổng quát của đề án này gồm ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử để phục vụ 5 nhóm tiện ích: phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Tại cuộc họp với các bộ, ngành về tình hình thực hiện Đề án 06 chiều ngày 8/5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết sau những "bước đi đầu tiên", việc mở rộng Đề án 06 xuống các địa phương, đến từng người dân đang gặp nhiều khó khăn.

Trong đó, 4 nhóm vấn vấn đề gặp nhiều vướng mắc nhất gồm pháp lý, hạ tầng công nghệ, dịch vụ công, nguồn lực triển khai đề án.

Cụ thể, về pháp lý, nhiều bộ, ngành chưa hoàn thành việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư. Việc rà soát sửa đổi các văn bản dưới nghị định còn chậm, chưa công bố để các địa phương thực hiện. Các địa phương chưa chủ động tái cấu trúc theo thẩm quyền thủ tục hành chính. Việc rà soát đề xuất chủ trương miễn, giảm phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến chưa hiệu quả…

Về hạ tầng công nghệ thông tin, cấp bộ chậm thực hiện theo các hướng dẫn về chuyển đổi số, về an ninh an toàn thông tin. Hệ thống thông tin chưa được liên kết đồng bộ, tổng thể, nhiều đơn vị còn có hệ thống phân tán; mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin không đồng đều. An ninh an toàn thông tin chưa được quan tâm đúng mức, chưa ban hành quy trình, quy chế để quản lý khai thác và bảo mật thông tin…

Cùng với những tồn tại tương tự, các địa phương còn chưa đánh giá tổng thể hạ tầng để có kiến trúc tổng thể chuyển đổi số, triển khai hệ thống của các sở, ngành rời rạc, không tập trung được hạ tầng cũng như dữ liệu, dẫn đến việc thực hiện chuyển đổi số không hiệu quả trong các sở, ngành, lĩnh vực; chưa quyết liệt trong việc rà soát, bổ sung, đầu tư các thiết bị đầu cuối cần thiết…

Về dịch vụ công của địa phương, việc khai thác thông tin tự động điền biểu mẫu điện tử (eForm) chưa tạo được hiệu ứng tích cực để chuyển đổi trạng thái; chưa trang bị đầy đủ công cụ, phương tiện để người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến thuận tiện tại các bộ phận 1 cửa.

Trong khi đó, các địa phương thiếu chủ động tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho lực lượng quản trị, vận hành các hệ thống và phổ cập kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản cho cán bộ để có thể sử dụng thành thạo phần mềm.

Quá trình phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư ở địa phương gặp nhiều khó khăn
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp với các bộ, ngành ngày 8/5. Ảnh: Minh Khôi

Nhấn mạnh yêu cầu đồng bộ, thống nhất của hạ tầng công nghệ (phần cứng và phần mềm), Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Thông tin và truyền thông phải làm rõ cơ chế, phạm vi đầu tư đối với mạng lưới trục đường truyền cấp quốc gia cho đến bộ, ngành, địa phương; định mức, đơn giá thuê dịch vụ công nghệ thông tin, ứng dụng, phần mềm (dùng chung, chuyên dụng) trong quản trị dữ liệu.

Các tiếp cận đề án phải đồng bộ, bài bản trên quan điểm “chính sách pháp luật phải đi trước một bước".

Theo mức độ sẵn sàng về hạ tầng kết nối, quy định pháp lý, nhân lực… đáp ứng chuyển đổi số, các bộ, ngành, địa phương tập trung chuyển đổi quy trình, phương thức thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công từ trực tiếp sang môi trường điện tử với những thủ tục được người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều, vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo Chỉnh phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiến tới cung cấp các ứng dụng (app) thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp tương tác trực tuyến hiệu quả với chính quyền.

Phó thủ tướng yêu cầu trong tháng 6/2023, Bộ Thông tin và truyền thông phải trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, khung kiến trúc Chính phủ điện tử 3.0 làm cơ sở pháp lý để Bộ Công an trình các cơ quan có thẩm quyền Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Bộ Kế hoạch và đầu tư xem xét, nghiên cứu, đề xuất chính sách đầu tư cho chuyển đổi số vào hạ tầng đường truyền, thiết bị, phần mềm, con người; phương án đấu thầu, lựa chọn nhà thầu dịch vụ công nghệ thông tin khác với những gói thầu vật tư, thiết bị khác dựa trên đặc thù là tài sản, tài nguyên tri thức, mang tính sáng tạo. Bộ Tài chính đề xuất cơ chế mới về thuê dịch vụ công nghệ thông tin.