Quản lý đầu tư công hiệu quả để phục hồi và phát triển bền vững

Phạm Sơn - 17:15, 05/07/2021

TheLEADERTheo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), tình trạng phân tán, phân cấp về quản lý đầu tư công kéo dài trong suốt nhiều năm qua gây ra nhiều cản trở cho nền kinh tế.

Quản lý đầu tư công hiệu quả để phục hồi và phát triển bền vững
Đầu tư công là nguồn vốn quan trọng thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững. Ảnh: VGP.

Tiếp đà phát triển suốt hơn 3 thập kỷ vừa qua, Việt Nam vững bước vào thập niên mới với mục tiêu phục hồi nền kinh tế bị tổn thương sau đại dịch Covid-19, đồng thời đưa đất nước bứt phá, trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, kỷ niệm tròn 100 năm thành lập nước.

Để thực hiện được những mục tiêu tham vọng, đầu tư công cho cơ sở hạ tầng đóng vai trò vô cùng quan trọng, góp phần giúp tiết giảm chi phí logistics, hiện đại hóa đô thị, tăng cường kết nối kỹ thuật số và đặc biệt là thích ứng, ngăn ngừa biến đổi khí hậu, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của phát triển bền vững.

Đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư công, nguồn vốn ODA có thể là một sự trợ giúp hữu ích nhưng theo UNDP, là một quốc gia hạn chế về ngoại hối, Việt Nam nên huy động chủ yếu nguồn lực trong nước. Nguồn vốn ODA chỉ nên sử dụng để thực hiện những dự án có khả năng tạo ra nguồn thu nhập hoặc nguồn tiết kiệm ngoại tệ.

“Việt Nam cần thiết lập các thiết chế kinh tế mới để huy động nguồn vốn dài hạn trong nước và phân bổ đầu tư công hiệu quả hơn”, báo cáo của UNDP nhấn mạnh.

Bên cạnh việc huy động nguồn lực, quản lý đầu tư công cũng là yếu tố cần được quan tâm. UNDP nhận xét, tình trạng phân tán trong hệ thống lập kế hoạch đầu tư công đang là nguyên nhân gây ra 2 hệ quả tiêu cực.

Thứ nhất, các dự án cấp ngành, cấp địa phương được phê duyệt và lập kế hoạch một cách riêng rẽ, có khả năng không cân nhắc tới những ưu tiên phát triển của quốc gia. Thứ hai, chia nhỏ chương trình đầu tư công là nguyên nhân cho hiện tượng đội chi phí, chậm tiến độ thực hiện.

Bên cạnh đó, theo quan sát của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam là một trong những quốc gia có sự phân cấp đầu tư công lớn nhất trên thế giới, với hơn 70% vốn đầu tư công được quản lý giải ngân bởi chính quyền địa phương.

Tình trạng này dẫn đến việc nhiều dự án đầu tư công không đạt được lợi thế về quy mô và không tạo ra được lợi ích mang tính lan tỏa. Khả năng huy động vốn của chính quyền địa phương bị hạn chế cũng gây ra tình trạng dự án đầu tư công không đạt được hiệu quả cao.

Tình trạng phân cấp, phân tán trong đầu tư công kéo dài trong suốt nhiều năm qua gây ra sự lãng phí về nguồn lực. UNDP lấy ví dụ, Việt Nam đã xây dựng hàng trăm cảng biển nhỏ kết nối với mỗi các khu công nghiệp, thay vì phát triển hệ thống logistics tập trung vào 2 – 3 cảng lớn. Nhiều dự án ưu tiên cấp quốc gia như đường cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành cũng chậm tiến độ vì sự phân cấp và phân tán.

Bên cạnh đó, quy định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn phải có sự chấp thuận của Quốc hội dẫn đến thủ tục kém linh hoạt, giảm hiệu quả vốn đầu tư công.

UNDP đề xuất, Bộ Kế hoạch và đầu tư cần nâng cao năng lực thẩm định, đánh giá và giám sát các dự án đầu tư. Cần có cơ chế trao quyền cho Bộ Kế hoạch và đầu tư thực hiện đánh giá độc lập các dự án theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, một hệ thống thông tin về xác định, thẩm định dự án, phân bổ nguồn lực và cung cấp thông tin cho các bên liên quan cũng cần được xây dựng để tối ưu hóa hoạt động đầu tư công.