Quản trị thương hiệu địa phương nhìn từ Quảng Ninh

Tùng Anh - 08:31, 14/12/2023

TheLEADERTheo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, các thế hệ lãnh đạo của Quảng Ninh liên tục có những tầm nhìn, tư duy mới mẻ và đột phá, nhanh chóng nắm bắt các chương trình, công cụ quản trị hiện đại.

Quản trị thương hiệu địa phương nhìn từ Quảng Ninh
Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký tại lò chợ cơ giới hóa đồng bộ của Công ty CP Than Hà Lầm.

Quảng Ninh đã và đang trở thành một trong những tỉnh công nghiệp, dịch vụ năng động, sáng tạo, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, trở thành trung tâm đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc.

Một trong những thành tựu lớn nhất phải kể đến là bảy năm liên tục (2016 - 2022) đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên hai con số, sáu năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Thương hiệu Quảng Ninh nhiều năm qua nổi lên như một hình mẫu để các địa phương trên cả nước học hỏi. Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, một trong yếu tố góp phần làm nên thành công của Quảng Ninh là điều có thể rút ra từ sự vươn mình của Quảng Ninh là tư duy quản trị thương hiệu của các cấp lãnh đạo tỉnh.

Ông đánh giá như thế nào về tư duy quản trị thương hiệu của Quảng Ninh?

Chuyên gia Võ Văn Quang: Quảng Ninh hội tụ đủ yếu tố thiên thời – địa lợi – nhân hoà để làm nên sức mạnh cho địa phương tận dụng phát triển và nâng tầm thương hiệu. Quảng ninh là mảnh đất đặc biệt, có vị trí đắc địa, có cảnh quan thiên nhiên thuộc hạng di sản nhóm đầu thế giới. 

Tài nguyên mà thiên nhiên ban tặng đã tạo tiền đề để Quảng Ninh phát triển kinh tế từ mấy chục năm trước. Sau khi Việt Nam bước vào quá trình hội nhập, Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới đã kích thích sự thay đổi tư duy để phát triển.

Còn yếu tố cơ bản là con người thì trong nhiều năm qua, lãnh đạo của Quảng Ninh liên tục có những tầm nhìn mới mẻ và nhanh chóng nắm bắt các chương trình, công cụ quản trị hiện đại.

Khi PCI ra đời lần đầu tiên vào năm 2006, Quảng Ninh đã có ý thức nắm bắt hệ thống quản trị PCI, và dần vươn mình lên top đầu kể từ khi Quảng Ninh có những thay đổi về mặt tầm nhìn chiến lược từ năm 2012. Trong đó, tỉnh tập trung việc lập các quy hoạch chiến lược trên quan điểm phải đáp ứng yêu cầu chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, làm thay đổi nhanh diện mạo phát triển của tỉnh. Từ năm 2017, Quảng Ninh luôn giữ vững thương hiệu quán quân trong bảng xếp hạng PCI.

Mấu chốt ở đây là tỉnh đã gắn ghép yếu tố PCI với các yếu tố làm nên thương hiệu địa phương. Một mệnh đề kết luận được đưa ra lúc đó là nếu địa phương nào làm tốt PCI thì chắc chắn thương hiệu địa phương được nâng tầm và dẫn đầu. Thực tế là nhận định này đã diễn ra với Quảng Ninh và một số địa phương dẫn đầu PCI khác.

Đưa PCI vào thực tế, họ cải tiến quản trị hành chính của địa phương, tập trung xây trụ sở chung cho tất cả các sở ban ngành, làm việc một cách minh bạch và có chỉ số đánh giá. Đó là nền tảng đổi mới cho Quảng Ninh.

Không còn dấu ấn của bao cấp, không bị ảnh hưởng bởi nền văn hoá gốc mang tính cục mịch của nghề khai mỏ, Quảng Ninh đang đổi mới và hiện đại hoá mỗi ngày, các nền tảng đó mang lại hiệu quả về kinh tế xã hội và văn hoá.

Với những thành tựu đó, điều Quảng Ninh cần làm bây giờ là gì?

Chuyên gia Võ Văn Quang: Trong 5 năm đầu kể từ 2012, Quảng Ninh đã thay đổi hệ thống triết lý và tầm nhìn, tạo nên cái thế và động lực đi lên. Điều đó rất thuận lợi để Quảng Ninh duy trì phát triển, cứ thế chạy đều và không cần “bơm xăng” quá nhiều.

Quảng Ninh với tư duy quản trị thương hiệu địa phương
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang

Với Quảng Ninh bây giờ, cần vừa tích luỹ kinh nghiệm và năng lực từ các dự án thành công, nguồn lực tài chính, cơ chế quản lý xã hội và đầu tư. Một đẳng cấp mới thực sự mang tầm quốc tế đến từ tư duy cho đến kinh nghiệm quản trị lẫn uy tín với các đối tác bên trong và bên ngoài.

Cần lưu ý, đột phá dựa trên cột mốc và thay đổi theo thời gian, để có thể tiếp tục tạo được sự đột phá qua các năm, các giai đoạn, Quảng Ninh cần giữ được động lực và cả sự cầu thị, khiêm nhường, không kiêu ngạo, không tự mãn; sự tự mãn sẽ khiến bánh xe động lực chậm lại.

Đến thời điểm này, tinh thần khiêm nhường và cầu thị là điều thấy rõ qua các kỳ lãnh đạo của Quảng Ninh. Dù đạt nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên Quảng Ninh vẫn luôn nhìn nhận để gỡ bỏ những điểm nghẽn, khai thác những dư địa cải cách với phương châm xuyên suốt là “Cải cách hành chính chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, chỉ có nhìn về phía trước để tiến lên; lấy sự hài lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư làm thước đo hiệu quả công việc trên tinh thần 5 thật, 6 dám”, như ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh từng nói.

Quản trị địa phương và quản trị doanh nghiệp có điểm gì tương đồng mà Quảng Ninh có thể học hỏi?

Chuyên gia Võ Văn Quang: Quản trị một tập đoàn hay một địa phương có đặc thù riêng nhưng cũng có nhiều điểm chung. Thách thức trong duy trì động lực tăng trưởng là mà một tổ chức, tập đoàn hay địa phương đều có thể luôn luôn phải đối mặt.

Vì vậy mà nhận ra thách thức thì các mô hình đánh giá quản trị luôn cần được áp dụng để cân đo đong đếm và đánh giá bản thân cũng như để bên ngoài nhìn vào, từ đó tìm cách cải thiện, nâng cấp.

Cuối cùng vẫn quay về yếu tố then chốt là yếu tố cá thể, cá nhân nào xuất sắc, làm việc có trách nhiệm chí công vô tư thì tự khắc sẽ có cơ hội để phát huy. Tuy nhiên với điều kiện là các nhân tài chiêu mộ về cần có môi trường làm việc minh bạch và là miền đất lành cho họ sinh sôi nảy nở, cất cánh. Ngược lại, môi trường đó sẽ khiến các nhân tố không đủ tiêu chuẩn hoặc có động cơ không tốt bị lộ ra và bị đào thải.

Liên quan đến câu chuyện định vị thương hiệu, lời khuyên của ông dành cho Quảng Ninh là gì?

Chuyên gia Võ Văn Quang: Nhìn chung, Quảng Ninh đã và đang làm rất tốt câu chuyện xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương và đưa thương hiệu Quảng Ninh đi xa ở tầm quốc tế.

Tuy nhiên, Quảng Ninh cần xác lập bố cục thương hiệu để có được định vị thương hiệu rõ hơn và khai thác giá trị của thương hiệu. Một thương hiệu địa phương tập hợp các thương hiệu cụ thể và được phân vai. Chẳng hạn, thương hiệu Quảng Ninh là chính thống của địa phương, kế tiếp là Hạ Long dù có vai trò nhỏ hơn nhưng độ phủ về thương hiệu lớn hơn.

Với một di sản thiên nhiên thế giới hư Vịnh Hạ Long thay vì chỉ ngồi thu phí khách du lịch thì có thể xây dựng và khai thác toàn bộ yếu tố nhận diện thương hiệu của vịnh Hạ Long khi đưa vào trong các sản phẩm, dịch vụ.

Xin cảm ơn ông!