Quảng Ngãi 'lúng túng' trong quản lý điện mặt trời mái nhà

Nguyễn Cảnh - 08:36, 10/08/2021

TheLEADERDo bất cập về hệ thống văn bản ngành cũng như phát triển tràn lan ngoài quy hoạch, các dự án điện mặt trời mái nhà tại tỉnh Quảng Ngãi đang gây lúng túng cho cơ quan quản lý địa phương.

Quảng Ngãi 'lúng túng' trong quản lý điện mặt trời mái nhà
Sự phát triển tràn lan của ĐMTMN và thiếu đồng bộ trong hệ thống văn bản hướng dẫn của ngành điện đã gây khó cho không ít địa phương trong công tác quản lý

Thống kê của tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tính tới hết tháng 6/2021 toàn tỉnh có 173 hệ thống điện mặt trời mái nhà (trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố) có quy mô công suất từ 100kWp trở lên đã đi vào vận hành, được áp dụng giá bán điện quy định tại Quyết định 13/2020 ngày 6/4/2020 của Thủ tướng.

Trong đó, riêng điện mặt trời mái nhà lắp trên mái công trình nông nghiệp là 108 hệ thống với công suất 108MWp (73%), lắp trên mái công trình công nghiệp là 43 hệ thống (21,7%), còn lại là lắp trên mái công trình dân dụng, hạ tầng kỹ thuật khác.

Theo số liệu rà soát, nhiều địa phương tại tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận các hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp trên mái công trình nông nghiệp chưa phù hợp tiêu chí trang trại quy định.

Điển hình như huyện Bình Sơn (2 hệ thống), huyện Sơn Tịnh (47 hệ thống với công suất khoảng 48,6MWp), huyện Mộ Đức (28 hệ thống)…

Trong tổng thể cơ cấu công suất điện mặt trời mái nhà trên địa bàn, chủ yếu là phát triển trên mái của các công trình nông nghiệp, mái của các trang trại (chiếm khoảng 73%). Kết quả rà soát cho thấy, hầu hết trang trại nông nghiệp phát triển rầm rộ thời gian gần đây đi kèm theo là phát triển điện mặt trời mái nhà.

Do đó, một số trang trại chỉ khai thác một phần vào sản xuất, chăn nuôi, còn lại đang trong quá trình hoàn thiện để sản xuất. Tình trạng này chưa phù hợp với các tiêu chí trang trại quy định tại Thông tư 02/2020 của Bộ Công thương.

Bên cạnh đó, tỉnh xác định, việc phát triển nguồn phát từ điện mặt trời mái nhà không đồng đều ở các địa phương, tập trung quá nhiều ở những vùng phụ tải thấp, không phù hợp nhu cầu sử dụng điện, đã dẫn tới mất cân đối trong quá trình điều độ và vận hành hệ thống điện.

UBND tỉnh cũng cho biết đã có một số vấn đề vướng mắc trong quá trình phát triển, quản lý điện mặt trời mái nhà. Cụ thể, việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà hiện được thực hiện chủ yếu do cá nhân/tổ chức tự đầu tư, thỏa thuận với các đơn vị điện lực thuộc EVN đấu nối lên lưới điện và thực hiện trực tiếp hợp đồng mua bán điện

Trong quá trình từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi phát điện lên lưới không có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước nên gặp nhiều khó khăn trong đảm bảo vai trò quản lý nhà nước trong thực thi đúng quy định pháp luật liên quan.

Đồng thời, các văn bản pháp luật, hướng dẫn của các bộ, ngành còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ, do đó, các cơ quan quản lý nhà nước hiện còn lúng túng trong hướng dẫn các nhà đầu tư xử lý dự án điện mặt trời mái nhà không thực hiện đảm bảo quy định pháp luật; đặc biệt là các dự án điện mặt trời mái nhà trên các công trình nông nghiệp.

Việc phát triển tràn lan hệ thống điện mặt trời mái nhà không nằm trong quy hoạch nguồn điện nên có những thời điểm quá tải nguồn cung, gây khó khăn trong vận hành hệ thống điện. Ngành điện phải thường xuyên thực hiện cắt giảm nguồn điện mặt trơi cũng như nguồn năng lượng tái tạo khác trong hệ thống điện quốc gia, gây lãng phí nguồn lực xã hội, ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của nhiều nhà đầu tư.

Trước thực trạng nêu trên, tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị cấp thiết phải ban hành văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể để vừa khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà nhưng cũng kiểm soát, không để xảy ra phát triển tràn lan nhiều trang trại mặt trời dưới 1MWp, có chế tài xử lý đối với các dự án không đảm bảo quy định pháp luật.

Tỉnh đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo EVN yêu cầu các đơn vị trực thuộc, trước khi thỏa thuận đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện các dự án trên mái công trình nông nghiệp, phải phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện kiểm tra, xác nhận phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, công năng, mục đích sử dụng. 

Đối với các trang trại kết hợp điện mặt trời mái nhà, phải được xác nhận đảm bảo tiêu chí của kinh tế trang trại theo Thông tư 02/2020.