Quảng Ninh – điểm đến mới của làn sóng dịch chuyển đầu tư

Quỳnh Chi - 17:09, 18/12/2020

TheLEADERTrong bối cảnh Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ là điểm đến của dòng dịch chuyển vốn đầu tư từ ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thì Quảng Ninh với những điều kiện hấp dẫn là một trong những lựa chọn ưu tiên của nhiều doanh nghiệp FDI lớn.

Quảng Ninh – điểm đến mới của làn sóng dịch chuyển đầu tư
Quảng Ninh có nhiều lợi thế thu hút dòng vốn đầu tư mới

Xu hướng mở rộng và dịch chuyển dòng vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc được nhiều chuyên gia kinh tế nhận định là đã xảy ra trong nhiều năm trở lại đây và được thúc đẩy mạnh mẽ hơn sau khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra từ năm 2018.

Cụm từ “làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư” là một trong những cụm từ xuất hiện thường xuyên trên các mặt báo trong năm 2020 kể từ khi Covid-19 bùng phát. 

Trong bối cảnh đó, Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh cùng nhiều yếu tố thuận lợi được kỳ vọng sẽ là điểm đến mới trong dòng chảy xuống phía Nam của các nhà đầu tư đang hiện hữu ở Trung Quốc.

Trên thực tế, từ giữa năm ngoái, Quảng Ninh đã được Tập đoàn Foxconn, đối tác lâu năm của Apple, lựa chọn là điểm đến mới trong kế hoạch mở rộng ở Việt Nam. Đến giữa tháng 11 năm nay, lô sản phẩm đầu tiên của Foxconn tại Quảng Ninh đã được xuất xưởng.

Hiện Foxconn cũng đang tiếp tục chuẩn bị mở rộng dự án và thu hút các nhà đầu tư để tạo thành chuỗi liên kết sản xuất tại khu công nghiệp Đông Mai và trở thành doanh nghiệp hàng đầu về giá trị xuất khẩu tại tỉnh Quảng Ninh.

Đáng chú ý, cách đây hơn hai năm khi dự án khu công nghiệp Sông Khoai (Quảng Yên, Quảng Ninh) vẫn còn đang trong kế hoạch, bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Amata Việt Nam từng nhận định trong một buổi phỏng vấn với TheLEADER: “Quảng Ninh có đường biên giới chung với Trung Quốc, rất có thể thời gian tới, các doanh nghiệp đang đầu tư tại Trung Quốc sẽ dịch chuyển đến vùng có chi phí rẻ hơn và Quảng Ninh là một trong những sự lựa chọn hàng đầu của họ”.

Dù sớm nhìn nhận trước được tiềm năng của dòng dịch chuyển vốn đầu tư và lên kế hoạch cho dự án từ năm 2014 nhưng bà Somhatai cũng chỉ ra rằng một trong những yếu tố quan trọng để Amata quyết định đầu tư vào Quảng Ninh là tinh thần của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khi luôn tìm hiểu kỹ về mong muốn của các nhà đầu tư để từ đó tìm cách hỗ trợ, giải quyết vướng mắc.

Cũng nhờ vậy mà trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Quảng Ninh đã ghi đậm dấu ấn khi liên tục vươn mình trong bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và và chỉ số cải cách hàng chính PAR Index.

Năm 2016, tỉnh vươn lên vị trí thứ hai và tiếp tục vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng PCI trong năm 2017. 

Từ đó đến nay, Quảng Ninh luôn là quán quân và vẫn luôn nỗ lực với mục tiêu đặt ra là duy trì vị thế trong bảng xếp hạng, tập trung cải thiện môi trường đầu tư.

Gần đây nhất, kết quả PCI 2019 của Quảng Ninh đạt 73,4 điểm, cao nhất toàn quốc từ trước tới nay, tăng 3,04 điểm so với năm trước đó. Tám chỉ số tăng điểm gồm: tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Tốc độ tăng trưởng của Quảng Ninh trong những năm qua luôn khá cao, trên 10% và cao hơn nhiều so với trung bình cả nước; thu nhập bình quân đầu người trên 6.100 USD/năm 2019. Lượng khách du lịch đến với Quảng Ninh hàng năm khoảng 14 triệu lượt. Nhờ đó, sức mua và thị trường tiêu thụ ở Quảng Ninh tương đối lớn.

Bên cạnh đó, vị thế địa lý cùng với cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ cũng là một trong những yếu tố then chốt để các “đại bàng” chọn Quảng Ninh làm nơi “hạ cánh”.

Trong đó, tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, động lực trên địa bàn tỉnh để có thể khánh thành, đưa vào sử dụng hàng loạt công trình lớn như đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cầu Bắc Luân II, tuyến đường bao biển trung tâm khu du lịch Bãi Cháy, Trụ sở liên cơ quan số 3, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh và khởi công đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả (giai đoạn 1), Trường Đại học FLC Hạ Long, Bệnh viện Lão khoa tỉnh...

Quảng Ninh cũng triển khai ba đề án quan trọng gồm: Đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và cơ chế quản lý vận hành khu công nghiệp Cái Lân; thành lập khu công nghiệp hỗ trợ Thành Công Việt Hưng; bổ sung quy hoạch khu kinh tế Quảng Yên vào quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam và đề nghị Chính phủ xem xét thành lập khu kinh tế ven biển Quảng Yên.

Quảng Ninh cũng có hệ thống cảng hiển nước sâu, có cảng hàng không quốc tế, có cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt,... giúp Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn mới với các nhà đầu tư.