Quảng Ninh tìm cách cải thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Tùng Anh - 14:29, 07/05/2023

TheLEADERChính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Quảng Ninh mặc dù có cải thiện về thứ hạng trong bảng xếp hạng PCI 2022 nhưng lại giảm điểm, đặc biệt là các chỉ tiêu liên quan đến tiếp cận cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.

Quảng Ninh tìm cách cải thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tham dự hội nghị phân tích chuyên sâu chỉ số PCI

Mặc dù năm thứ sáu liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhưng Quảng Ninh vẫn thẳng thắn nhìn nhận về những chỉ số giảm điểm, còn dư địa cải cách để tìm cách cải thiện, trong đó có chỉ số về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mặc dù chỉ số này đạt mục tiêu về thứ hạng.

Cụ thể, so sánh với mục tiêu đã đặt ra năm 2022, tỉnh Quảng Ninh chỉ có 3/10 chỉ số đạt mục tiêu về điểm số là tiếp cận đất đai, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Năm trong số 10 chỉ số đạt mục tiêu về thứ hạng gồm: tiếp cận đất đai, tính minh bạch, tính năng động, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động.

Năm 2022, chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Quảng Ninh đạt 6,24 điểm, giảm 1,15 điểm nhưng tăng sáu bậc, đứng thứ tám trong bảng xếp hạng PCI toàn quốc. Trong số 13 chỉ tiêu thành phần, tỉnh Quảng Ninh có bốn chỉ tiêu tăng điểm và tăng hạng; bốn chỉ tiêu giảm điểm nhưng tăng hạng và năm chỉ tiêu giảm điểm và giảm hạng.

Trong đó, các chỉ tiêu tăng điểm bao gồm: thủ tục để được miễn, giảm chi phí tham gia các khóa đào tạo có sử dụng ngân sách nhà nước về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp dễ thực hiện đạt 83,33% (tăng 2,78% so với năm 2021); chất lượng cung cấp thông tin liên quan đến các FTA của các cơ quan nhà nước địa phương đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp đạt 38,71% (tăng 23,87% so với năm 2021); tỷ lệ nhà cung cấp dịch vụ trên tổng số doanh nghiệp là 1,59% (tăng 0,69% so với năm 2021); tỷ lệ nhà cung cấp tư nhân và nước ngoài trên tổng số nhà cung cấp dịch vụ đạt 98,59% (tăng 4,62% so với năm 2021).

Các chỉ tiêu giảm điểm điển hình gồm: tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá việc thực hiện thủ tục để hưởng hỗ trợ từ chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) là thuận lợi chỉ đạt 4,17% (giảm 95,83% so với năm 2021); tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý rằng thủ tục để được cơ quan nhà nước hỗ trợ tăng cường năng lực doanh nghiệp dễ thực hiện là 53,85% (giảm 29,49% so với năm 2021); tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý rằng thủ tục để được giảm giá thuê mặt bằng tại khu/cụm công nghiệp là dễ thực hiện đạt 75,81% (giảm 17,94% so với năm 2021)...

Nhận diện và đánh giá nguyên nhân, tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan đầu mối là Sở Kế hoạch và đầu tư Quảng Ninh đã phối hợp với các cơ quan chủ trì các chỉ tiêu thành phần triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chỉ số. 

Một là rà soát toàn bộ các loại hình dịch vụ do khu vực nhà nước cung cấp như xúc tiến thương mại, hỗ trợ pháp lý,… và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư nhân khác trên toàn tỉnh để tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để họ cải tiến dịch vụ của mình đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường. Hai là tăng cường công tác tuyên truyền với doanh nghiệp về các dịch vụ khu vực nhà nước cung cấp, cũng như cầu nối giữa doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên, hầu hết chỉ tiêu của chỉ số này đều giảm điểm, đặc biệt là các chỉ tiêu liên quan đến các hiệp định thương mại tự do. Điều này cho thấy mức độ nhận biết của doanh nghiệp cũng như chất lượng cung cấp thông tin về cái hiệp định của các cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Ninh còn hạn chế. 

Ngoài ra do trên địa bàn tỉnh có tới 98,4% là doanh nghiệp nhỏ và vừa và siêu nhỏ, việc tìm kiếm thông tin và thực hiện các thủ tục chủ yếu dựa trên các mối quan hệ cá nhân chưa hình thành thói quen khai thác và tìm hiểu trước khi thực hiện các thủ tục. Đồng thời, họ cũng không có thói quen thuê một đơn vị cung cấp dịch vụ có trình độ và chuyên môn cao để làm.

Nhìn nhận những vấn đề còn vướng mắc, thời gian gần đây, công tác hỗ trợ đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều đổi mới và hiệu quả.

Kể từ 2023, mỗi cơ quan, địa phương tổ chức ít nhất 3 hội nghị gặp mặt doanh nghiệp/năm theo các chuyên đề để tuyên truyền, hướng dẫn chính sách mới, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã. 

Vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2023, công bố DDCI và phân tích chuyên sâu PCI năm 2022 tỉnh Quảng Ninh. Tỉnh tiếp tục hoàn thiện kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh về chuyển đỗi số năm 2023; hỗ trợ các thủ tục xuất khẩu hàng hóa, kết nổi sản phẩm của các doanh nghiệp tỉnh đến các thị trường Trung Quốc và châu Âu...

Quảng Ninh đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức thành công hai sự kiện lớn. Một là hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Hai là hội nghị xúc tiến đầu tư vùng tại Quảng Ninh với sự tham gia của 1.000 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ; 11 địa phương thuộc đồng bằng sông Hồng; các tô chức quốc tế, nhà tài trợ, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước... Quảng Ninh đã tổ chức thành công các hoạt động xúc tiền đầu tư bên lề hội nghị, trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho hai dự án với tổng mức đầu tư 319 triệu USD...

Quảng Ninh đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã phối hợp với Bộ Công thương tổ chức thành công Hội nghị Phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh với sự tham gia của hơn 700 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương; các địa phương lân cận; các chuyên gia; các hiệp hội và doanh nghiệp dịch vụ logistics trong và ngoài nước...

Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh nghiên cứu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh năm 2023, đến năm 2025; kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030; đề án phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh đến năm 2035, tầm nhìn 2045; và đề án phát triển khu vực dịch vụ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, định hướng đền năm 2050.

Trong bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI 2022) vừa được Quảng Ninh công bố cho thấy, chỉ số về hỗ trợ doanh nghiệp là một trong số các chỉ số thành phần có điểm số tích cực của khối địa phương, bên cạnh tiếp cận đất đai và cơ sở hạ tầng; chi phí thời gian; tiếp cận, minh bạch thông tin và chuyển đổi số.