Quốc hội chưa bàn việc sửa đổi luật để công nhận condotel

Minh Anh - 07:00, 24/05/2018

TheLEADERTại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội chưa thảo luận thông qua việc sửa đổi luật để công nhận pháp lý cho condotel.

Quốc hội chưa bàn việc sửa đổi luật để công nhận condotel
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.

Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Quốc hội, trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV diễn ra từ 22/5– 15/6/2018, Quốc hội sẽ xem xét, dự kiến thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch và Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Bên cạnh đó, một số dự án luật khác cũng được Quốc hội xem xét, thảo luận, biểu quyết thông qua trong kỳ họp này gồm dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, dự án Luật Quốc phòng sửa đổi, dự án Luật Tố cáo sửa đổi, dự án Luật Cạnh tranh sửa đổi, dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, dự án Luật An ninh mạng, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Công an nhân dân sửa đổi.

Như vậy, chương trình làm việc của Quốc hội kỳ này không bàn tới đề xuất của các bộ ngành trong việc sửa bốn luật bao gồm Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng để công nhận và cấp sổ đỏ “chiều” condotel, một loại hình khách sạn căn hộ đang bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc "Về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng" được tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã có đề xuất rất mạnh mẽ trong việc sửa đổi bổ sung Luật Đất đai theo hướng cho phép đất thương mại dịch vụ du lịch được sử dụng ổn định lâu dài, nộp tiền sử dụng đất tương tự như đất ở.

Theo ông Hà, việc sử dụng đất đai, mua bán cấp giấy chứng nhận cho một số loại hình bất động sản mới như căn hộ du lịch condotel, căn hộ văn phòng biệt thự du lịch đang vướng do các quy định về mua bán chuyển nhượng loại hình bất động sản này.

Do vậy, ông Hà đề nghị cần có giải pháp khắc phục trong Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Xây dựng; đồng thời cần rà soát sửa đổi bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản liên quan đến mua bán, chuyển nhượng các loại hình bất động sản mới như condotel, officetel, shophouse, biệt thự du lịch.

Bên cạnh đó, ông Hà cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ ngành đề xuất sửa đổi bổ sung các luật, nghị định liên quan đến lĩnh vực quản lý một cách đồng bộ để đảm báo tính đồng bộ, hiệu lực thống nhất và tính khả thi của hệ thống pháp luật.

"Nếu chỉ sửa đổi rải rác từng luật sẽ không thể tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong thực tiễn", vị lãnh đạo này nhận định.

Trước đó, Bộ Tài nguyên và môi trường, cũng đã đề xuất hai giải pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013, xem xét phương án cấp sổ đỏ cho người mua căn hộ khách sạn và căn hộ văn phòng.

Theo đó, giải pháp thứ nhất là xác định đất xây dựng condotel là đất ở, cấp sổ đỏ ổn định lâu dài và giải pháp thứ hai là vẫn giữ nguyên theo quy định của Luật Đất đai, xác định là loại đất thương mại dịch vụ, cấp sổ đỏ theo thời hạn dự án từ 50 - 70 năm theo quy định.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình với việc cấp sổ đỏ lâu dài như đất ở đối với loại hình bất động sản này, thị trường bất động sản vẫn có không ít quan điểm phản đối vì cho rằng nếu cho phép condotel được sở hữu lâu dài sẽ khiến phá vớ quy hoạch sử dụng đất của địa phương, gây quá tải hạ tầng, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với các nhà đầu tư.

Đặc biệt, theo luật sư Trương Anh Tú, Văn phòng luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư Hà Nội, do những mâu thuẫn trong pháp lý, các cơ quan Nhà nước không có cơ sở để sửa luật nhằm “chiều” một nhóm các nhà đầu tư cấp sổ hồng cho condotel.

Hiện các bộ ngành đã có đề xuất sửa bốn luật: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng để cấp sổ đỏ cho các căn hộ này. Tuy nhiên, dù có sửa luật, pháp lý của condotel vẫn không thể đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành bởi vẫn còn đó Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp.

Dù có sửa bốn luật để condotel được công nhận thì sau đó, rất nhiều vấn đề pháp lý sẽ nảy sinh mà không thể có cách nào giải quyết triệt để, luật sư Tú nhận định.

Trở lại với vấn đề sửa luật để công nhận condotel, không rõ lý do cụ thể khiến việc sửa đổi bốn luật như đề xuất của các bộ ngành nhằm gỡ vướng cho loại hình bất động sản "lai" không được đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội trong kỳ họp lần này. Song nhiều khả năng Quốc cần thời gian nghiên cứu thêm về những vấn đề nóng trong dư luận thời gian qua. 

Bởi rõ ràng các luồng ý kiến tranh cãi trái chiều về vấn đề về pháp lý đối với công trình xây dựng đa năng có kết hợp chức năng để ở như condotel, officetel hay biệt thự nghỉ dưỡng vẫn vẫn đang rất quyết liệt, chưa có điểm dừng.