Quyền sở hữu trí tuệ và công trình kiến trúc

Hường Hoàng - 10:01, 03/04/2023

TheLEADERÝ tưởng kiến trúc là tài sản trí tuệ của kiến trúc sư giống như một cuốn tiểu thuyết là tài sản trí tuệ của tác giả sách.

Quyền sở hữu trí tuệ và công trình kiến trúc
Công trình kiến trúc có thể được bảo hộ bản quyền và nhãn hiệu (Ảnh: CIS Law Firm)

Theo điều I, phần 8 của Hiến pháp Hoa Kỳ, một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của Quốc hội là “thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học và những tác phẩm nghệ thuật hữu ích, thông qua việc cấp bằng độc quyền cho các tác giả và các nhà phát minh trong một khoảng thời gian nhất định, đối với những bài viết và khám phá của họ”.

Các kiến ​​trúc sư thiết kế ra các tòa nhà và họ có một số quyền liên quan đến sáng tạo của mình. Tại Hoa Kỳ, để bảo hộ tài sản trí tuệ của mình, kiến trúc sư có thể đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thông qua hai biện pháp: bản quyền và nhãn hiệu.

Bản quyền đối với công trình kiến trúc

Bắt đầu từ tháng 12 năm 1990, luật bản quyền Hoa Kỳ đã bổ sung thêm điều khoản bảo vệ công trình kiến ​​trúc. Những thiết kế được công bố sau ngày 1 tháng 12 năm 1990 sẽ được bảo hộ bản quyền. Các phương án hoặc bản vẽ chưa được công bố và không được xây dựng trước ngày 1/12/1990, nhưng được xây dựng trước ngày 1/1/2003 cũng sẽ được bảo vệ bản quyền.

Quyền tác giả đối với một tác phẩm kiến trúc sẽ bảo vệ bao gồm hình thức tổng thể của tòa nhà - độ cao bên ngoài của tòa nhà khi nhìn từ phía trước, phía sau và các bên - cũng như bất kỳ sự sắp xếp và bố cục nào của các bức tường hoặc các cấu trúc cố định khác phân chia nội thất thành các phần riêng biệt, phòng và không gian.

Bản quyền không bảo vệ những yếu tố chính sau: 

Thứ nhất là các tính năng tiêu chuẩn riêng của công trình kiến trúc, chẳng hạn như cửa sổ, cửa ra vào hoặc các thành phần xây dựng chủ yếu khác.

Thứ hai là cấu hình tiêu chuẩn của không gian, chẳng hạn như phòng tắm vuông hoặc không gian một phòng.

Thứ ba là các đặc tính công năng thuần túy của một công trình kiến trúc, chẳng hạn như những đổi mới về kỹ thuật kiến trúc hoặc kỹ thuật xây dựng.

Thứ tư là thiết kế nội thất, chẳng hạn như lựa chọn và bố trí đồ nội thất, ánh sáng, sơn hoặc các vật dụng tương tự.

Việc bảo vệ bản quyền đối với công trình được làm ra để cho thuê sẽ kéo dài 95 năm kể từ ngày công bố ra công chúng hoặc 120 năm kể từ ngày sáng tạo ra, tùy theo thời gian nào ngắn hơn. Tác phẩm do cá nhân kiến ​​trúc sư thực hiện và không dùng để cho thuê sẽ được bảo vệ cho đến 70 năm sau ngày kiến ​​trúc sư qua đời.

Vi phạm bản quyền

Kiến trúc sư không thể ngăn cản người khác chụp ảnh hoặc vẽ lại ngôi nhà mà họ thiết kế rồi trưng bày hoặc chia sẻ những bức ảnh đó trừ hai trường hợp.

Trường hợp thứ nhất, nhiếp ảnh gia hoặc họa sĩ đó đã chụp ảnh hoặc vẽ công trình đó từ sau năm 1990, và công trình đó không thể nhìn thấy được từ không gian công cộng.

Trường hợp thứ hai, những nhiếp ảnh gia và họa sĩ này tạo hình ảnh của một tòa nhà sau năm 1990 bằng cách vào tài sản riêng mà không được phép.

Các kiến ​​trúc sư có quyền cấm người khác sử dụng hình ảnh công trình kiến ​​trúc của mình để xây dựng ở một nơi khác. Kiến trúc sư có thể xin lệnh cấm khởi công xây dựng nếu ai đó nộp giấy phép xây dựng thiết kế mà họ đã được bảo hộ. Họ cũng có thể yêu cầu tòa án cấm người đang xây dựng tòa nhà vi phạm bản quyền tiếp tục hoàn thiện công trình đó.

Hiểu về nhãn hiệu

Có nhiều quan niệm sai lầm về cách hiểu nhãn hiệu dưới góc độ công trình kiến ​​trúc. Nếu công trình kiến trúc là một tòa nhà đặc biệt gắn liền với một thương hiệu thương mại của một doanh nghiệp, chẳng hạn như tòa nhà của cửa hàng đồ ăn nhanh White Castle, kiến ​​trúc sư có thể đưa ra lý lẽ để bảo hộ nhãn hiệu cho công trình đó.

Quyền sở hữu trí tuệ và công trình kiến trúc
Thiết kế kiến trúc đặc trưng của những cửa hàng đồ ăn nhanh White Castle (Ảnh: Shutterstock)

Vi phạm nhãn hiệu trên góc độ kiến trúc có nghĩa là ai đó sẽ sao chép thiết kế hoặc cấu trúc thực tế của công trình kiến trúc và sử dụng nó một cách thương mại.

Để chứng minh rằng tác phẩm kiến trúc của mình đã bị vi phạm nhãn hiệu, kiến trúc sư phải chứng minh được bốn điều sau:

Thứ nhất, tòa nhà đó phải là một tòa nhà đặc biệt. Đây là tòa nhà được nhiều người dễ dàng nhận ra.

Thứ hai, tòa nhà đó đại diện cho một thương hiệu. Tòa nhà sẽ phải gắn liền với một thương hiệu hoặc hoạt động buôn bán một số sản phẩm nhất định.

Thứ ba, tòa nhà đó phải được gắn liền với một thương hiệu hoặc mục đích thương mại. Một nhiếp ảnh gia đăng báo xuất bản hình ảnh tòa nhà đã được bảo hộ sẽ không vi phạm nhãn hiệu, nhưng nếu hình ảnh tòa nhà đó được sử dụng để quảng cáo sản phẩm khác thì có thể sẽ vi phạm nhãn hiệu.

Thứ tư, việc sử dụng hình ảnh công trình kiến trúc đó để xác nhận hàng hóa hoặc dịch vụ tương tự là vi phạm nhãn hiệu. Ví dụ: Burger King không thể sử dụng nhà hàng White Castle trong một quảng cáo cho món bánh Whoppers của hãng.

Apple cũng đang bảo hộ nhãn hiệu cho thiết kế kiến trúc của hãng. Hầu hết các cửa hàng của Apple đều nằm trong trung tâm thương mại, vì vậy chúng không được bảo vệ dưới dạng các tòa nhà riêng lẻ. Tuy nhiên, thiết kế của cửa hàng với bố cục đặc trưng, không gian mở và màn hình được sắp xếp đối xứng, đã được Văn phòng nhãn hiệu & bằng sáng chế Hoa Kỳ (USPTO) cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu vào ngày 24/1/2013.

Apple cũng đã áp dụng luật pháp Trung Quốc trong việc cấm hành vi sao chép “vẻ ngoài và cảm quan” về một công trình kiến trúc của một công ty để đóng cửa những cửa hàng Apple rởm ở Côn Minh và các thành phố khác.

Nhãn hiệu được bảo hộ bao gồm lối vào bằng kính, hệ thống chiếu sáng, vị trí đặt bàn và thiết kế quầy chăm sóc khác hàng Genius Bar (Genius Bar là một phần trong thiết kế cửa hàng của Apple nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ cho khách hàng), nhưng không bao gồm các thiết bị cố định riêng lẻ.