Nhằm tuân thủ các Hiệp định CPTPP, EVFTA và RCEP, Luật sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi lần thứ 3 và có hiệu lực từ 1/1/2023 (“Luật SHTT 2022”). Luật SHTT 2022 có nhiệm vụ bảo hộ quyền độc quyền khai thác đối với sáng tạo kỹ thuật (như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng) và độc quyền sử dụng đối với chỉ dẫn nguồn gốc sản phẩm (như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý).
Dưới đây là những thay đổi quan trọng nhất trong Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam năm 2022 dưới góc nhìn của hãng luật Bross & Partner – hãng luật thuộc những công ty luật sở hữu trí tuệ cấp 1 trong danh sách 6 công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu Việt Nam do Legal 500 bình chọn.
Bằng độc quyền sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích
Việt Nam không chấp nhận bảo hộ sáng chế dạng sử dụng (use claim, Swiss-type claim, second or further medical use claim) mà chỉ cấp bằng độc quyền cho sáng tạo kỹ thuật thuộc một trong ba dạng: chất, sản phẩm hoặc quy trình.
Bằng độc quyền sáng chế có thời hạn bảo hộ 20 năm được cấp nếu sáng tạo kỹ thuật đó thỏa mãn cả 3 điều kiện: có tính mới, trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp. Trường hợp giải pháp kỹ thuật không có trình độ sáng tạo (nhưng không phải là hiểu biết thông thường) thì có thể được bảo hộ dưới dạng bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực 10 năm.
Luật SHTT 2022 lần đầu quy định ngoại lệ mất tính mới đối với sáng chế (không áp dụng đối với kiểu dáng công nghiệp) bị bộc lộ công khai bởi người nộp đơn hoặc bên thứ ba nếu đơn đăng ký sáng chế được nộp trong vòng 12 tháng tính từ ngày bị bộc lộ công khai.
Người nộp đơn có thể nộp đơn quốc gia (nộp đơn trực tiếp với Cục SHTT) không muộn hơn 12 tháng tính từ ngày đơn tương ứng nộp ở nước ngoài, hoặc nộp đơn quốc tế (vào pha quốc gia dựa trên đơn PCT trong vòng 31 tháng (không thể gia hạn) kể từ ngày ưu tiên.
Đơn đăng ký sáng chế, dù là đơn quốc tế PCT hay đơn quốc gia (đơn công ước Paris) đều được thẩm định hình thức trong vòng 01 tháng trước khi được công bố trong tháng thứ 19 (trừ khi có yêu cầu công bố sớm). Đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích chỉ được thẩm định nội dung trong vòng 18 tháng sau khi người nộp đơn đã nộp yêu cầu thẩm định nội dung trong thời hạn 42 tháng và 36 tháng tương ứng tính từ ngày ưu tiên.
Người nộp đơn nên chủ động cung cấp tình trạng pa-tăng đồng dạng ở nước ngoài để có thể rút ngắn thời gian thẩm định nội dung vì Cục SHTT thường chấp thuận cấp pa-tăng cho đơn Việt Nam dựa trên sáng chế đồng dạng được các cơ quan pa-tăng nước ngoài (USPTO, EPO, JPO, CNIPA, KIPO) cấp bằng độc quyền sáng chế.
Người nộp đơn phải nộp phí duy trì hiệu lực năm thứ 1 cùng với lệ phí cấp pa-tăng theo thông báo cấp văn bằng bảo hộ của Cục SHTT. Kể từ năm thứ 2 trở đi, phí duy trì hiệu lực bằng độc quyền phải nộp hàng năm tính theo ngày ra quyết định cấp ghi trên bằng độc quyền.
Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp
Hình dáng bên ngoài của sản phẩm có thể được bảo hộ dưới dạng bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực 5 năm và được gia hạn 2 lần, mỗi lần 5 năm với điều kiện kiểu dáng công nghiệp xin đăng ký cùng lúc đáp ứng cả 3 điều kiện: có tính mới, trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp.
Việt Nam chưa chấp nhận bảo hộ kiểu dáng theo phần (partial designs)[1] ngay cả khi các dấu hiệu pháp lý mới: bộ phận của sản phẩm, sản phẩm phức hợp[2] và tính chất nhìn thấy được trong quá trình khai thác, được đưa vào định nghĩa mới về kiểu dáng công nghiệp. Điều 4.14 Luật SHTT 2022 định nghĩa kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp.
Khác với sáng chế/giải pháp hữu ích được ân hạn mất tính mới lên tới 12 tháng, tiêu chuẩn tính mới đối với kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam là toàn cầu và tuyệt đối.[3]
Người nộp đơn có thể chọn cách nộp đơn quốc gia (nộp đơn trực tiếp với Cục SHTT) hoặc nộp đơn quốc tế (nộp theo Thỏa ước La-hay) khi đăng ký kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam. Hơn nữa, người nộp đơn có thể trì hoãn công bố kiểu dáng công nghiệp lên tới 7 tháng với điều kiện người nộp đơn phải nộp yêu cầu trì hoãn tại thời điểm nộp đơn.
Nếu không có yêu cầu trì hoãn công bố, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp sẽ được công bố trong thời hạn hai tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận hợp lệ. Kiểu dáng công nghiệp xin đăng ký được thẩm định nội dung trong vòng 7 tháng tính từ ngày công bố.
Bằng bảo hộ giống cây trồng
Giống cây trồng được chọn, phát hiện và phát triển có thể được bảo hộ dưới dạng Bằng bảo hộ giống cây trồng nếu đơn đăng ký nó đồng thời thỏa mãn 5 điều kiện bảo hộ: có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp. So với Luật SHTT 2005, Luật SHTT 2022 đã loại bỏ điều kiện bảo hộ thứ 6 là giống cây trồng xin đăng ký phải thuộc Danh mục loài cây trồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực 25 năm đối với giống cây thân gỗ và cây thân leo, 20 năm đối với giống cây trồng khác, tính từ ngày cấp với điều kiện lệ phí duy trì hiệu lực năm đầu tiên được nộp 3 tháng sau ngày cấp và trong tháng đầu tiên của mỗi năm hiệu lực tiếp theo tính từ năm hiệu lực thứ 2 trở đi.
Đơn đăng ký giống cây trồng được Văn phòng bảo hộ giống cây trồng thẩm định hình thức trong vòng 15 ngày và được thẩm định nội dung gồm thẩm định tính mới, tên gọi phù hợp, và thẩm định kết quả khảo nghiệm kỹ thuật (DUS) trong vòng 90 ngày tính từ ngày nhận được DUS.
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Dấu hiệu âm thanh có thể được bảo hộ làm nhãn hiệu ở Việt Nam ngoài các dấu hiệu nhìn thấy được bao gồm cả nhãn hiệu 3 chiều (nhãn hiệu hình dạng) miễn là chúng có chức năng nhãn hiệu và không xung đột với nhãn hiệu, kiểu dáng hoặc quyền tác giả có trước của người khác. Cần lưu ý rằng các dấu hiệu được thể hiện chỉ bằng ký tự Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc không phải ký tự La tinh nhìn chung đều bị từ chối bảo hộ
Trừ trường hợp đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước ngày nộp đơn, dấu hiệu 3 chiều (nhãn hiệu hình dạng) có thể được bảo hộ tại Việt Nam miễn là nó không thuộc một trong ba trường hợp: là hình dạng vốn có của hàng hóa; hoặc do đặc tính kỹ thuật của hàng hóa bắt buộc phải có; hoặc làm gia tăng giá trị đáng kể cho hàng hóa.
Việt Nam chỉ cấp bảo hộ cho nhãn hiệu nào được nộp đơn sớm nhất, và cũng chỉ bảo hộ nhãn hiệu sau khi nó đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, trừ khi nhãn hiệu đó được coi là nhãn hiệu nổi tiếng. Nhìn chung mọi cá nhân, tổ chức đều có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở Việt Nam thông qua Hệ thống Madrid (đăng ký quốc tế) hoặc nộp đơn trực tiếp với Cục SHTT (đăng ký quốc gia).
Một đơn đăng ký nhãn hiệu có thể chỉ định một hoặc nhiều nhóm theo bảng phân loại Nice. Nhãn hiệu đã nộp đơn sẽ được thẩm định về hình thức trong vòng 1 tháng và thẩm định về nội dung trong vòng 9 tháng tính từ thời điểm được công bố (sau chấp nhận hình thức)
Việt Nam lần đầu áp dụng thủ tục tạm đình chỉ xét nghiệm nhãn hiệu (tương tự như ở Hoa Kỳ), cụ thể người nộp đơn có thể chủ động yêu cầu tạm dừng xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối trong trường hợp người này nộp đơn chấm dứt hiệu lực hoặc hủy bỏ hiệu lực của nhãn hiệu đối chứng.
Nhãn hiệu được cấp bảo hộ có hiệu lực 10 năm tính từ ngày nộp đơn và có thể được gia hạn (không yêu cầu nộp bằng chứng sử dụng) cứ 10 năm một lần trong vòng 6 tháng trước ngày hết hạn. Nhãn hiệu được cấp chỉ có thể bị chấm dứt hiệu lực nếu bên thứ ba nộp yêu cầu chứng mình rằng nhãn hiệu đó không được sử dụng trong 5 năm liên tục.
Quyền tác giả
Các tác phẩm văn học nghệ thuật như sách, phim, mỹ thuật ứng dụng, tranh, phần mềm, chương trình máy tính… đều được bảo hộ dưới hình thức quyền tác giả miễn là chúng được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định và có tính nguyên gốc.
Việt Nam không công nhận người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật là tác giả/đồng tác giả mà chỉ công nhận người nào trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm mới là tác giả. Việt Nam không công nhận tác giả là pháp nhân do vây không tồn tại loại hình tác phẩm được thuê làm (work made for hire) như pháp luật bản quyền của Mỹ.
Ba loại quyền nhân thân (quyền tinh thần) được bảo hộ vô thời hạn và không thể chuyển nhượng: quyền đặt tên cho tác phẩm; quyền đứng tên/quyền được nêu tên; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm trong khi bảo hộ có thời hạn (50 năm sau khi tác giả chết đối với hầu hết các tác phẩm) đối với các quyền tài sản gồm quyền sao chép, quyền phân phối, quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng, quyền phát sóng/truyền đạt tác phẩm đến công chúng, và quyền làm tác phẩm phái sinh.
Tác phẩm phái sinh được Luật SHTT 2022 định nghĩa mở (thay vì định nghĩa đóng ở Luật SHTT 2005), theo đó tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo ra trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác.
Luật SHTT 2022 đưa thêm ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả (không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền) đối với tác phẩm đã công bố, chẳng hạn, không bị xem là xâm phạm quyền sao chép và quyền phân phối nếu sao chép tạm thời vì lý do kỹ thuật, sao chép để thực hiện quyền khác theo luật, phân phối lần tiếp theo bản gốc/bản sao tác phẩm được chính chủ sở hữu quyền tác giả phân phối hoặc cho phép phân phối (hết quyền/cạn quyền phân phối)
Luật SHTT 2022 bổ sung và chi tiết hóa ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm đã công bố với điều kiện đảm bảo tuân thủ phép thử ba bước (three-step test)[6] và phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.
Thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Chủ thể quyền có thể bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình bằng biện pháp hành chính, biện pháp dân sự (khởi kiện ra tòa án) hoặc thâm chí kiến nghị khởi tố vụ án hình sự.
Trường hợp biện pháp hành chính được yêu cầu, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể bị áp dụng hình thức xử phạt chính: phạt tiền tối đa 500 triệu đồng; có thể kèm theo hình thức xử phạt bổ sung: tạm đình chỉ sản xuất kinh doanh từ 1-3 tháng.
Bất luận hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã hoặc đang bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chủ thể quyền vẫn có quyền khởi kiện hành vi xâm phạm quyền SHTT kèm yêu cầu bồi thường thiệt hại vật chất và thiệt hại tinh thần dựa trên tổn thất thực tế gây ra bởi hành vi xâm phạm. Tùy mức độ xâm phạm, Tòa án có thể ấn định mức bồi thường thiệt hại vật chất tối đa 500 triệu và/hoặc bồi thường thiệt hại về tinh thần từ 5 triệu đến 50 triệu đồng.
Truy cứu trách nhiệm hình sự có thể được áp dụng đối với hành vi chủ ý giả mạo nhãn hiệu, giả mạo chỉ dẫn địa lý theo Điều 226 Bộ luật hình sự, hoặc đối với hành vi cố ý sao chép tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, hoặc phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình theo Điều 225 Bộ luật hình sự với điều kiện các hành vi này được thực hiện với quy mô thương mại. Độc lập với trách nhiệm hình sự của cá nhân, pháp nhân thương mại cũng có thể bị truy tố hình sự nếu thực hiện một số hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nêu trên với quy mô thương mại.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (“OSP” hoặc “ISP”) không mặc nhiên được miễn trách nhiệm pháp lý đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số. Theo Điều 198b Luật SHTT 2022, OSP chỉ được miễn trừ trách nhiệm pháp lý có điều kiện, cụ thể 3 loại hình cung cấp dịch vụ gồm truyền dẫn thông tin (mere conduit), lưu trữ tự động và tạm thời (caching), và lưu trữ nội dung thông tin số của người sử dụng theo yêu cầu của họ (hosting) chỉ được hưởng cơ chế “Bến An Toàn” (Safe Harbor) nếu OSP thỏa mãn một số điều kiện.
Ví dụ, dịch vụ hosting phải đảm bảo thỏa mãn cả 2 điều kiện: (a) ISP hoặc OSP không biết rằng nội dung thông tin số đó vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan; (b) ISP hoặc OSP có hành động nhanh chóng gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số đó khi biết rằng nội dung thông tin số đó vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan.