Rủi ro nợ công hiện hữu sau đại dịch

Phạm Sơn - 20:00, 27/10/2020

TheLEADERTuy tỷ lệ nợ công trên GDP thấp hơn mức trần do Quốc hội đặt ra, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, rủi ro khủng hoảng nợ công là hoàn toàn hiện hữu, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến thâm hụt ngân sách tăng cao.

Rủi ro nợ công hiện hữu sau đại dịch
Hiện nay, khoảng 25% ngân sách nhà nước đang được sử dụng để chi trả lãi và một phần gốc của khoản vay nợ công.

Vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP của Việt Nam theo cách tính mới sẽ đạt khoảng hơn 340 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 4 tại Đông Nam Á, vượt qua cả Singapore.

Theo đề xuất của IMF cũng như nhiều tổ chức phát triển khác, Chính phủ Việt Nam cam kết đến năm 2021 sẽ sử dụng cách tính mới cho GDP. Cách tính mới này có khả năng làm GDP Việt Nam tăng thêm khoảng 25%.

TS. Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, tính GDP theo cách mới sẽ làm GDP cao nhiều so với trước đây, dẫn đến việc tỷ lệ nợ công trên GDP giảm xuống chỉ còn khoảng 46,1%, thấp hơn nhiều so với mức trần mà Quốc hội đặt ra.

Đây có thể trở thành một điều nguy hiểm nếu Chính phủ và các cơ quan chức năng chủ quan khi nhìn vào con số tỷ lệ nợ công trên GDP giảm xuống nhưng thực chất số nợ vẫn tăng lên.

Ông Thành nhận định, trong suốt thời gian vừa qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát nợ công, thành công đưa mức nợ công trên GDP chỉ còn 55%, thấp hơn 10% so với mức trần mà Quốc hội cho phép.

Tuy nhiên, con số trên không phản ánh được thực chất mà chỉ mang tính ước lệ bởi khả năng trả nợ của Nhà nước phải xem xét tới nguồn thu ngân sách. Với cán cân tài khóa thâm hụt qua các năm và càng có nguy cơ thâm hụt cao hơn trong năm 2020, rủi ro nợ công là hoàn toàn hiện hữu.

GDP tăng hay giảm không quan trọng bằng thực tế năng lực của nền kinh tế, cũng là năng lực trả nợ của nhà nước, thể hiện thông qua thu thuế.
TS. Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).

Hiện nay, khoảng 25% ngân sách nhà nước đang được sử dụng để chi trả lãi và một phần gốc của khoản vay nợ công. Đây là một điều tương đối nguy hiểm, cho thấy nếu như không có biện pháp điều chỉnh kịp thời, rủi ro khủng hoảng nợ công là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Đồng quan điểm với ông Thành, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng đề xuất cần phải đặt ra một con số tuyệt đối cho trần nợ công, áp dụng song song với mức trần 65% GDP như hiện nay.

Theo đó, nếu con số nợ công gần chạm ngưỡng một trong hai mức trần, Chính phủ cần có giải trình trước Quốc hội, đồng thời lập tức đưa ra các biện pháp, kế hoạch điều tiết nợ.

“Cần phải cho con số cụ thể để ta biết ta còn cách mức trần, cách ngưỡng khủng hoảng bao nhiêu, để có kế hoạch ứng phó kịp thời”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Chính sách tài khóa và rủi ro nợ công

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh nhận định, gánh nặng nợ công đang đe dọa không chỉ Việt Nam mà còn nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước lạm dụng chi tiêu cho phòng ngừa dịch bệnh và hỗ trợ an sinh xã hội.

“Cái nợ đấy không mất đi đâu được, bắt buộc quốc gia phải tăng thuế, giảm chi tiêu trong tương lai. Đây là cái giá phải trả của việc lạm dụng chính sách tài khóa”, ông Minh lý giải.

Trước đó, IMF cũng đưa ra dự đoán về việc nợ công toàn cầu sẽ đạt mức kỷ lục mới vào năm 2020 và 2021, với 101,5% GDP và 103,2% GDP, kèm theo cảnh báo các quốc gia về nguy cơ khủng hoảng nợ công nếu tiếp tục lạm dụng chi tiêu mà không có kế hoạch trả nợ.

Trong năm 2020, Chính phủ đã thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công để hạn chế tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế, chuyển nhiều dự án sử dụng hình thức đối tác công tư sử dụng một phần ngân sách nhà nước sang sử dụng toàn phần ngân sách nhà nước.

Theo các chuyên gia VEPR, một điều may mắn là nguồn vốn đầu tư công này được lấy từ các khoản chi tiêu công chưa được giải ngân hết từ những năm trước.

Nhờ vậy, Việt Nam không chỉ giảm bớt được gánh nặng ngân sách mà còn đưa nền kinh tế đi đúng quỹ đạo tài khóa, tức là tăng chi tiêu chính phủ khi tăng trưởng bị suy giảm. Đây là một lý thuyết kinh tế cơ bản nhưng không phải quốc gia nào cũng có thể thực hiện được.

Chính sách tài khóa, cụ thể là đầu tư công đang tạo ra những tác động tích cực và lan tỏa mạnh mẽ hơn so với chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định không nên kỳ vọng quá nhiều, bởi khi khoản vốn tồn đọng được giải ngân hết, với ngân sách bị thâm hụt trong nhiều năm, sẽ rất khó để có thể tiếp túc đẩy mạnh đầu tư công như hiện nay.

Quan trọng hơn cả, các khoản đầu tư công cần phải được xem xét kỹ lưỡng về ý nghĩa thực tế, tránh gây ra lãng phí ngân sách nhà nước mà không tạo được hiệu quả kích thích nền kinh tế như kỳ vọng.