Sân bay Long Thành, giấc mơ hai thập kỷ

Hứa Phương - 08:33, 20/02/2021

TheLEADERSau hơn hai thập kỷ kể từ ngày đưa vào quy hoạch, lập dự án, đến đầu năm 2021 sân bay Long Thành chính thức được khởi công giai đoạn 1, dự kiến đưa vào khai thác trong vòng 5 năm tới.

Được kỳ vọng là một trong những cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sân bay Long Thành đã sớm được đưa vào quy hoạch. Tuy nhiên khoảng thời gian từ văn bản pháp lý đầu tiên đến khi khởi công giai đoạn một phải mất hơn hai thập kỷ.

Cụ thể, văn bản pháp lý đầu tiên có sự hiện diện của sân bay Long Thành là quyết định số 911 ngày 24/10/1997 của Thủ tướng Phan Văn Khải phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống sân bay toàn quốc. Trong quyết định này nêu mục tiêu xâu dựng sân bay Long Thành cùng với sân bay Cát Bi, Chu Lai là sân bay nội địa và dự bị sân bay quốc tế.

Sân bay Long Thành, giấc mơ hai thập kỷ
Phối cảnh sân bay Long Thành (nguồn ACV)

Hơn một thập kỷ sau, vào tháng 6/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định phê duyệt quy hoạch dự án sân bay Long Thành với mục tiêu trở thành cảng hàng không trung chuyển của khu vực Đông Nam Á.

Theo quy hoạch này đến năm 2020, sân bay Long Thành có hai đường cất và hạ cánh song song kích thước 4.000x60m, khai thác máy bay A380. Công suất nhà ga hành khách là 25 triệu khách mỗi năm. Đến giai đoạn 2030 sẽ có hai nhà ga với tổng công suất 50 triệu khách/năm, đến giai đoạn sau 2030 có bốn nhà ga đáp ứng công suất 100 triệu khách/năm.

Động thái được coi là bước ngoặt của sân bay Long Thành là vào 6/2015, Quốc hội khóa XIII đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án khoảng 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD). Trong đó, giai đoạn một là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD). Sân bay Long Thành được xây dựng trên diệc tích 5.000 ha, trong đó đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không 2.750 ha, đất cho quốc phòng 1.050 ha và 1.200ha còn lại giành cho các công trình thương mại, phụ trợ và công nghiệp hàng không.

Với mục đích đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháng 6/2017, Quốc hội đã có Nghị quyết 38 tách dự án thu hồi đất, tái định cư của dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành ra thành một dự án độc lập. Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng 5.000 ha và xây dựng các khu tái định cư cùng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc tái định cơ.

Cuối năm 2017, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội thông qua. Tổng mức đầu tư dự án 22.938 tỷ đồng, diện tích đất thu hồi là 5.399ha, trong đó sân bay Long Thành có diệc tích 5.000ha, khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn 282ha, khu tái định cư Bình Sơn là 97 ha, khu nghĩa trang 20ha. Mục tiêu của Quốc hội đề ra là việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021.

Dù đã được Quốc hội thông qua tuy nhiên trong năm 2018, một số đại biểu bày tỏ lo lắng về dấu hiệu chậm tiến độ của sân bay Long Thành. Vào tháng 6/2020, trong báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết tiến độ thẩm định, trình duyệt dự án giai đoạn một của sân bay Long Thành đã chậm 3 tháng so với yêu cầu.

Ngay sau đó trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng nêu rõ tỷ lệ giải ngân vốn giải phóng mặt bằng của tỉnh Đồng Nai để chuẩn bị thi công sân bay Long Thành mới đạt 10% kế hoạch giao.

Trước nguy cơ dự án sân bay Long Thành bị chậm tiến độ, tháng 7/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với tỉnh Đồng Nai để đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng. Thủ tướng chỉ đạo “Ai không làm thì đứng ra một bên để người khác làm” và yêu cầu Đồng Nai bàn giao 1.800 ha mặt bằng giai đoạn một sân bay quốc tế Long Thành vào tháng 10.

Ngày 20/10/2020, UBND Đồng Nai ký bàn giao 1.800ha đất cho Cảng vụ Hàng không miền Nam để thi công sân bay Long Thành giai đoạn một, cùng gần 800ha cho giai đoạn hai dự án.

Song song với việc giải phóng mặt bằng, thực hiện tái định cư của tỉnh Đồng Nai thì Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được giao chuẩn bị đầu tư dự án.

Năm 2017, ACV tổ chức tuyển chọn quốc tế phương án kiến trúc nhà ga hành khách cảng hàng không quốc tế Long Thành. Năm 2019, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 95 về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn một, giao Chính phủ xem xét, quyết định tổng mức đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư và đưa ra phương án huy động vốn.

Tháng 11/2020, Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư giai đoạn một dự án sân bay quốc tế Long Thành, với tổng mức đầu tư khoảng 109.111 tỷ đồng, dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2025.

Theo quy hoạch, giai đoạn một, đường băng sân bay Long Thành sẽ dài 4.000m, rộng 75m cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại máy bay hoạt động, xây dựng nhà ga hành khách công suất 25 triệu khách/năm.

Sau khi công tác chuẩn bị được hoàn tất, ngày 5/1 lễ khởi công xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn một đã chính thức diễn ra.

Đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế

Phát biểu tại lễ khởi công xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: chỉ khi kết cấu cơ sở hạ tầng tốt, hiện đại thì kinh tế mới có thể cất cánh mạnh mẽ, lúc đó mới có thể đón những nhà đầu tư lớn đến làm ăn lâu dài. Vì lẽ đó, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, trong đó có hệ thống đường cao tốc, cảng biển và đặc biệt là hạ tầng vận tải hàng không.

Thủ tướng cho rằng, Việt Nam được cộng đồng quốc tế vinh danh là nền kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh tại châu Á, với GDP tăng trưởng trung bình trong 10 năm qua trên 6,3%/năm. Năm 2020, chúng ta là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất, đã thực hiện thành công mục tiêu kép: đẩy lùi dịch bệnh, kiểm soát dịch bệnh và duy trì được mức tăng trưởng gần 3%, nằm trong nhóm quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.

Sân bay Long Thành, giấc mơ hai thập kỷ 1
Việc đầu tư, hoàn thành dự án sân bay Long Thành mở ra cơ hội cạnh tranh với các cảng hàng không khu vực, đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế.

Nội lực của nền kinh tế được cải thiện đáng kể. Sự phát triển nở rộ của khu vực kinh tế tư nhân sau khi có Nghị quyết Trung ương lần thứ 10 với mức tăng bình quân gần 18%/năm giai đoạn 2016-2019. Các nhà đầu tư nước ngoài coi Việt Nam như một điểm đến đầu tư vững chắc.

Thủ tướng nhấn mạnh triển vọng kinh tế rất tươi sáng đang chờ đợi chúng ta, niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, đặc biệt là niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế về sự phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch, đang gia tăng mạnh mẽ.

Đi liền với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, thị trường hàng không Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Năm 2019, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt trên 116 triệu hàng khách, tăng 12% so với năm 2018.

Theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), từ nay đến năm 2030, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ phát triển hàng không cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến năm 2025, nhu cầu hàng không của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt hơn 65 triệu hành khách, năm 2030 đạt khoảng 85 triệu hành khách.

Có thể nói, nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa qua đường hàng không ngày càng lớn, trong khi hạ tầng vận tải hàng không chậm được cải thiện, đang là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế xã hội. Hầu hết các cảng hàng không, sân bay lớn trên cả nước thường xuyên lâm vào tình trạng quá tải.

Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh hàng không do tăng thời gian, chi phí, giảm chất lượng dịch vụ, nghiêm trọng hơn, tình trạng này còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh Việt Nam so với các quốc gia khác.

Các cảng hàng không lớn của Việt Nam như Tân Sơn Nhất, Nội Bài cơ bản đều khai thác vượt công suất nên luôn trong tình trạng quá tải. Thiếu chỗ đậu và bay đã làm mất đi cơ hội kêu gọi các hãng hàng không quốc tế đến Việt Nam để sớm đưa Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế lớn trong khu vực. 

Nếu khắc phục được các tồn tại này, ngành hàng không Việt Nam sẽ góp phần quan trọng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cho các ngành, các lĩnh vực khác cùng phát triển.

Thủ tướng cho biết, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm trong Top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới. Đây là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, thể hiện khát vọng, ý chí vươn lên mạnh mẽ của nước ta, có ý nghĩa to lớn với sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Đây cũng là dự án hạ tầng với tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay.

Mục tiêu xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F, là mức cao nhất theo tiêu chuẩn của ICAO, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế và khu vực. Tổng mức đầu tư lớn, được chia làm 3 giai đoạn, khi hoàn thành, cảng hàng không quốc tế Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với nhiều hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Việc đầu tư, hoàn thành dự án mở ra cơ hội cạnh tranh với các cảng hàng không khu vực, đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế.

Sân bay Long Thành sau năm 2030 sẽ trở thành sân bay trung chuyển khu vực Đông Nam Á và châu Á vì lý do chính là vị trí địa lý với 3 giờ bay có thể bay đến tất cả các nước Đông Nam Á, châu Á, kết nối Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thu hút đầu tư, du lịch, nâng tầm Việt Nam trong khu vực và thế giới không chỉ kinh tế mà cả an ninh quốc phòng.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương có liên quan chủ động nghiên cứu, đưa vào quy hoạch phát triển khu vực để có sự đồng bộ, phát huy tác dụng lớn lao của sân bay Long Thành, trong đó xây dựng một nền kinh tế xung quanh sân bay, thu hút mạnh mẽ đầu tư trong nước, quốc tế, thay đổi cơ cấu kinh tế, tăng trưởng mạnh dịch vụ, kể cả dịch vụ trong sân bay, góp phần giải quyết nhiều việc làm không chỉ ở Đồng Nai mà cả khu vực Nam bộ và cả nước.