Sau EVFTA, 2 ngân hàng nào sẽ nới room ngoại lên 49%?

Trần Anh - 15:40, 14/02/2020

TheLEADERTrong vòng 5 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, các tổ chức tín dụng của EU có thể nắm giữ tối đa 49% vốn điều lệ tại 2 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam

Mới đây, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam, còn gọi là hiệp định EVFTA. EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn thâm nhập thị trường quy mô GDP tới 18.000 tỉ USD.

Bên cạnh những tác động trực tiếp như đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, EVFTA còn có những điều khoản đáng chú ý liên quan tới hợp tác đầu tư giữa 2 bên. trong các lĩnh vực như dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối…

Với ngành ngân hàng, trong vòng 5 năm kể từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ xem xét trên tinh thần thiện chí đề xuất của các tổ chức tín dụng của Liên minh Châu Âu về việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ tổng số cổ phần trong hai ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam lên tới 49% vốn điều lệ của các ngân hàng đó.

Thỏa thuận nêu trên sẽ được tiến hành tự nguyện giữa các ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam và các tổ chức tín dụng của châu Âu. Tuy nhiên, thỏa thuận này không áp dụng đối với 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước là Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank.

Việc các tổ chức tín dụng của Liên minh Châu Âu tham gia nắm giữ vốn điều lệ tại 2 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định về thủ tục mua bán và sáp nhập cũng như các yêu cầu an toàn và cạnh tranh khác, bao gồm hạn chế hoặc giới hạn về tỷ lệ cổ phần sở hữu áp dụng cho nhà đầu tư là cá nhân hoặc tổ chức trên cơ sở đối xử quốc gia, theo pháp luật và quy định của Việt Nam.

Theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ, một tổ chức sở hữu không quá 15% vốn điều lệ. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại các ngân hàng là 30%. Trường hợp ngoại lệ theo quy định tại EVFTA có thể cho phép room ngoại của các tổ chức tín dụng châu Âu tại 2 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam được vượt khỏi mức trần quy định hiện hành.

Với việc loại bỏ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, các ngân hàng cổ phần tư nhân sẽ là mục tiêu trong thỏa thuận này. Hiện tại, MB, Techcombank, VPBank, ACB là 4 ngân hàng có lợi nhuận tốt nhất trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, với quy mô tương đối lớn và hiệu quả hoạt động cao. 

Tiếp theo đó là nhóm các ngân hàng quy mô nhỏ hơn, bao gồm SHB, TPBank, HDBank, VIB, LienVietPostBank… Trong nhóm này, cũng có những ngân hàng đang trong tình trạng ‘khát vốn’ và sẵn sàng cho phương án phát hành riêng lẻ cho cổ đông nước ngoài.