Siêu dự án điện gió Kê Gà 12 tỷ USD đã được cấp phép khảo sát

Quỳnh Chi - 12:37, 14/06/2019

TheLEADERDự án điện gió ThangLong Wind do Tập đoàn Enterprize Energy nghiên cứu đầu tư trên vùng biển ngoài khơi tỉnh Bình Thuận có diện tích hơn 2.000km2 cách đất liền tối thiểu 20km tính từ mũi Kê Gà, tổng công suất dự kiến 3.400MW.

Siêu dự án điện gió Kê Gà 12 tỷ USD đã được cấp phép khảo sát
Nhiều nhà đầu tư đánh giá cao tiềm năng điện gió ở Việt Nam. Ảnh minh họa

Tập đoàn Enterprize Energy (EE) ngày hôm qua công bố giấy phép khảo sát dự án điện gió Thanglong Wind – khu vực ngoài khơi mũi Kê Gà, Bình Thuận vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đây là dự án được đầu tư bởi tổ hợp gồm tập đoàn Enterprize Energy Group cùng các đối tác nước ngoài là Société Générale (SOC GEN), MHI Vestas Offshore Wind (MVOW), ODE và các đối tác trong nước gồm Vietsovpetro, PVC – MS, EVN PECC3, Haduco và Hemera Media.

Dự án Thanglong Wind ngoài khơi dự kiến sẽ được đầu tư xây dựng tại khu vực cách bờ biển Bình Thuận (mũi Kê Gà) khoảng 20 - 50 km với tốc độ gió bình quân 9,5 m/s. 

Diện tích thực hiện khảo sát 2.800 km2. Trong đó, khu vực dự án là 2.000 km2 và khu vực cáp điện ngầm truyền tải về bờ là 800 km2. Diện tích thực tế để thực hiện dự án chỉ chiếm khoảng từ 25 - 30% diện tích khảo sát.

Sau khi nhận được giấy phép khảo sát chính thức, nhà đầu tư sẽ khảo sát và lập báo cáo bổ sung quy hoạch, lập báo cáo môi trường, báo cáo khả thi của dự án, để giai đoạn 1 của dự án Thanglong Wind sẽ được hòa lưới điện vào cuối năm 2022, đầu năm 2023 với công suất 600 MW, gồm 64 cột gió.

Giai đoạn phát triển tiếp theo, Thanglong Wind 2, Thanglong Wind 3, Thanglong Wind 4, Thanglong Wind 5 sẽ lần lượt được đưa vào khai thác giai đoạn từ năm 2023-2026 với công suất mỗi giai đoạn 600 MW. Giai đoạn phát triển cuối là ThangLong Wind 6 với công suất 400 MW. 

Tổng công suất của dự án đạt khoảng 3.400 MW. Vốn đầu tư được thu xếp cho toàn bộ dự án tương ứng khoảng 11,9 tỷ USD, chưa kể phần đầu tư cho kết nối vào hệ thống điện Quốc gia.

Ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy cho biết, các tuabin sử dụng trong dự án có công suất khác nhau; trong đó, những tuabin gió đầu tiên được xây dựng có công suất 9,5 MW. 

Trong suốt quá trình xây dựng của từng giai đoạn, công suất các tuabin sẽ còn tăng lên với sự phát triển của công nghệ tuabin gió. 

Ông Ian Hatton cho rằng trong tương lai, với dự án này, Việt Nam có thể trở thành quốc gia có công trình điện gió với công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới.