Còn nhiều thách thức trong phát triển điện gió ở Việt Nam

Quỳnh Chi - 07:00, 12/06/2019

TheLEADERDù được đánh giá là một thị trường tiềm năng để phát triển các dự án điện gió song nhiều thách thức nổi cộm liên quan đến hợp đồng mua bán điện, kinh nghiệm của các nhà đầu tư, vấn đề hạ tầng cũng như việc gắn kết giữa các bên liên quan là những yếu tố cản trở ngành điện gió Việt Nam bứt phá.

Còn nhiều thách thức trong phát triển điện gió ở Việt Nam
Còn nhiều thách thức trong phát triển điện gió

Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, Việt Nam đặt mục tiêu đạt công suất điện gió 800 MW năm 2020 và đạt 6 GW vào năm 2030. Khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng có tiềm năng tốt với tốc độ gió quanh mức 6,5 - 7,5 m/s với chiều cao tuabin khoảng 120m là đã có thể đưa vào hoạt động.

Hiện nay, một số công nghệ điện gió tiên tiến đã được áp dụng, cơ chế giá FIT (giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện) cho điện gió cũng tăng lên 8,5 cent/kWh trên bờ và 9,8 cent/kWh cho dự án ngoài khơi.

Ông Benoit Nguyen, Trưởng bộ phận cố vấn năng lượng tái tạo, Công ty năng lượng DNV GL đánh giá, cùng với các chính sách ưu đãi khác như miễn thuế nhập khẩu thiết bị, thuế thu nhập doanh nghiệp, đây sẽ là lợi thế thu hút đầu tư của Việt Nam.

Cuối 2018, tổng công suất lắp đặt điện gió tại Việt Nam đạt khoảng 228 MW, còn rất nhỏ so với các thị trường phát triển khác trên thế giới. Ông Benoit Nguyen cho rằng, chìa khoá để thu hút đầu tư phát triển các dự án điện gió ở Việt Nam sẽ nằm ở vấn đề tài chính.

Theo ông Ashish Sethia, Giám đốc phân tích và cố vấn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Tài chính năng lượng mới Bloomberg, trong tương lai, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ đủ rẻ để cạnh tranh và không cần đến hỗ trợ của Chính phủ.

Vị chuyên gia này cho biết, hiện đã có các hợp đồng mua bán điện của doanh nghiệp, tuy nhiên, những rủi ro liên quan đến hợp đồng mua bán điện (PPA) vẫn đang là thách thức lớn nhất đối với việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió.

Hợp đồng mua bán điện chuẩn mẫu mà Bộ Công thương đưa ra cho điện mặt trời rất khó cho nhà đầu tư huy động vốn, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài bởi các điều khoản trong đó mang lại rủi ro quá lớn cho nhà đầu tư.

Đặc biệt, rủi ro lớn nhất là trong hợp đồng mua bán điện mẫu tồn tại điều khoản Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có quyền chấm dứt hợp đồng và không có trách nhiệm bồi thường cho nhà sản xuất điện.

Bên cạnh rủi ro về hợp đồng mua bán điện, khả năng về công nghệ còn thấp là một rào cản khác được các chuyên gia chỉ ra tại hội thảo Thúc đẩy huy động tài chính cho dự án điện gió tại Việt Nam.

Bà Hương Trần, Giám đốc thương mại của Mainstream Renewable Power nhận định, ngoài rủi ro về hợp đồng mua bán điện và vấn đề bao tiêu thì cơ sở hạ tầng cũng là một thách thức lớn.

Cụ thể, các dự án năng lượng tái tạo thường nằm ở khu vực có phụ tải thấp, nhu cầu thấp, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Nhận thấy tiềm năng và những giá trị lớn mà điện gió mang lại, nhiều tỉnh, thành đã bắt đầu phê duyệt các dự án nhưng lại chưa có hệ thống lưới điện. Cũng chính vì không có sẵn lưới điện nên việc đấu nối vào các đường dây có điện áp 110 kV và 220 kV rất khó khan, bên bao tiêu mất thời gian xác định các đường dây truyền tải.

Những thách thức trong quy trình bồi thường, giải phóng và bàn giao mặt bằng đối với các dự án điện gió trên bờ cũng được đại diện Mainstream Renewable Power chỉ ra.

Ngoài ra, một dự án điện gió sẽ mất khoảng 18 – 24 tháng mới hoàn thành xây dựng trong khi Nhà nước chỉ cho thời hạn 3 năm xây dựng nhà máy để doanh nghiệp được áp dụng cơ chế FIT nên rất khó để các dự án này được xây dựng và kịp đưa vào vận hành.

Từ quan điểm của ngân hàng trong nước, ông Hoàng Phương đến từ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho rằng nhiều rủi ro xuất phát từ bản thân các công ty phát triển dự án.

Việt Nam với những chính sách mới đã khuyến khích được sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mới đối với các nhà đầu tư tư nhân ở Việt Nam khi từ trước đến nay chỉ mới tập trung vào lĩnh vực bất động sản hoặc một số ngành có lợi nhuận cao. Do đó, vấn đề kinh nghiệm và khả năng vận hành dự án vẫn là một điều đáng lo ngại.

Ông Phương còn nhấn mạnh sự phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan Nhà nước với EVN và các cơ quan khác khi thu hút các nhà đầu tư tư nhân. Đây là các vấn đề mang tính lâu dài.

Việc đơn giản hoá quy trình cấp phép đầu tư, có thêm hoạch định, quy hoạch chung về phát triển ngành điện gió cũng là những yếu tố cần được thúc đẩy thực hiện để các doanh nghiệp yên tâm hơn khi đầu tư vào các dự án điện gió tại Việt Nam.