SMBC tìm cách 'xóa dớp' tại thị trường tài chính Việt Nam

Trần Anh - 12:11, 28/06/2021

TheLEADERTrong khi những người “đồng hương” đến từ Nhật Bản rất thành công, SMBC lại tỏ ra "lận đận" tại Việt Nam. Sau hơn 1 thập kỷ đầu tư vào thị trường tài chính, SMBC vẫn chưa gặt hái được thành quả nào đáng kể.

Cuối tháng 4/2021, VPBank chính thức bán 49% cổ phần FE Credit cho Công ty tài chính tiêu dùng SMBC, là công ty con của tập đoàn SMBC - một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất Nhật Bản.

Giá trị của FE Credit vào thời điểm bán vốn được định giá 2,8 tỷ USD khiến thương vụ thoái vốn đem lại lợi ích lớn đối với VPBank. Lượng tiền lớn thu được là sự bổ sung mạnh mẽ vào nguồn vốn của ngân hàng, cải thiện CAR trong bối cảnh phân khúc khách hàng chính của VPBank là tầng lớp bình dân, trung lưu chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19. 

Bên cạnh đó, việc hợp tác với SMBC, một tập đoàn tầm cỡ toàn cầu là cơ hội để FE Credit và VPBank có thể học hỏi, cải thiện hệ thống quản trị, nguồn lực và mở rộng mạng lưới.

Sau thương vụ bán vốn FE Credit, VPBank tiếp tục có động thái giảm room khối ngoại tối đa về 15% để dọn đường đón cổ đông chiến lược. Thương vụ dự kiến sẽ hoàn tất ngay trong năm 2021 và đối tác nước ngoài tiềm năng nhất được nhắc đến vẫn là SMBC.

Trên thực tế, SMBC đã đầu tư rất nhiều vào Việt Nam, song riêng với lĩnh vực tài chính Việt Nam tập đoàn hàng đầu Nhật Bản không thu về được thành quả. Năm 2008, SMBC đã rót vốn 225 triệu USD để nắm giữ 15% vốn của Eximbank, trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng này. SMBC kỳ vọng việc hợp tác với Eximbank sẽ giúp phát triển mảng ngân hàng bán lẻ, tài chính tiêu dùng cũng như cung cấp các dịch vụ tài chính gia tăng khác.

Tuy nhiên, sau hơn 1 thập kỷ đầu tư vào Eximbank, ngân hàng này hoạt động ngày càng khó khăn do lục đục nội bộ. Bất đồng giữa các nhóm cổ đông ngân hàng khiến Eximbank từ vị thế một ngân hàng tư nhân hàng đầu tuột dốc không phanh, kinh doanh kém hiệu quả và liên tục thua lỗ.

Trong khi SMBC liên tục thất bại, những người “đồng hương” đến từ Nhật Bản lại đang rất thành công. Các thương vụ hợp tác chiến lược giữa Mizuho Bank với Vietcombank hay MUFG với Vietinbank đều rất khả quan.

Năm 2011, khi Mizuho Bank được cho là đã “mua đắt” khi chi ra 11.800 tỷ đồng (khoảng 567,3 triệu USD) để nắm giữ 15% cổ phần Vietcombank. Tuy nhiên, sau 10 năm, Mizuho Bank cho thấy tầm nhìn xa của một nhà đầu tư chiến lược thứ thiệt khi khoản đầu tư này đã tăng giá trị gần 4 lần, chưa kể những lợi ích hợp tác khác. Tương tự, khoản đầu tư của MUFG cũng tăng giá trị lên nhiều lần kể từ đầu tư vào Vietinbank năm 2013.

SMBC không thể lặp lại thành công của Mizuho Bank và MUFG. Cuối năm 2019, SMBC đã rút đại diện khỏi Hội đồng quản trị Eximbank. Trong Đại hội cổ đông thường niên 2021 bất thành ngày 27/4/2021, SMBC không cử người tham dự. Ông Yasuhiro Saitoh, người trước là đại diện của SMBC và là Chủ tịch Hội đồng quản trị, cho biết ông không còn làm việc tại SMBC và không nắm rõ chiến lược của SMBC là gì. Ông được cho là đại diện cho một nhóm nhà đầu tư trong nước với tư cách cá nhân.

Nhiều nguồn tin đồn đoán ngân hàng Nhật Bản đang tìm đối tác thích hợp để chuyển nhượng 15% cổ phần ở Eximbank càng sớm càng tốt.Trước khi chuyển hướng sang một ngân hàng tư nhân lớn khác nhằm tái khẳng định tham vọng của tập đoàn này tại Việt Nam.