STEAM for Vietnam và sứ mệnh ươm mầm nhân tài công nghệ

Xuân Lộc - 08:16, 11/02/2021

TheLEADERCó một chương trình giáo dục STEAM cho trẻ em hoàn toàn miễn phí được sáng lập bởi Hùng Trần, nhà sáng lập Got It thành công tại Silicon Valley, được tham gia giảng dạy bởi nhiều chuyên gia công nghệ Việt đang làm việc cho các tập đoàn lớn trên thế giới như: Ngô Minh Đức kỹ sư công nghệ tại Google; Đoàn Mạnh Hùng làm việc tại quỹ Chan Zuckerberg Initiative (quỹ từ thiện thành lập bởi vợ chồng nhà sáng lập Facebook); Nguyễn Song Hà kỹ sư công nghệ tại Code.org; Lương Thế Vinh - một chuyên gia về trí tuệ nhân tạo về Internet vạn vật (IoT, AI) tại Arimo, trực thuộc tập đoàn Panasonic Bắc Mỹ…

STEAM for Vietnam và sứ mệnh ươm mầm nhân tài công nghệ

Ươm mầm tài năng công nghệ trẻ Việt Nam

“STEAM for Vietnam ra đời một cách rất ngẫu nhiên, khi tôi bắt gặp nhiều bạn nhỏ lớp 6, lớp 7 thích công nghệ và có khả năng học lập trình rất nhanh”, Hùng Trần chia sẻ. 

“Hè năm 2019, một cậu bé 13 tuổi thực tập tại Got It gây chú ý vì khả năng tiếng Anh tốt và rất chịu khó học hỏi. Càng ngạc nhiên hơn là cậu có thể hoàn thành khóa học về lập trình Python (giáo trình nhập môn khoa học máy tính dùng để dạy cho các sinh viên đại học Mỹ) không mấy khó khăn. Sau khi được đào tạo thêm về trí tuệ nhân tạo, cậu bé đã có thể biến một chiếc xe điện đồ chơi thành một chiếc xe tự lái. Ngoài ra, tôi đã trực tiếp đào tạo một số học sinh cấp II về lập trình và rất ngạc nhiên về sức sáng tạo cũng như khả năng tiếp thu rất nhanh của các em. Trong tôi xuất hiện suy nghĩ: Làm sao có thể đào tạo về công nghệ cho lứa tuổi cấp II càng nhiều càng tốt?”.

Khi trình bày ý tưởng này với các bạn trẻ người Việt đang học và làm ở Mỹ, Hùng Trần đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Bởi vì, hầu hết các kỹ sư, nhà khoa học đang làm việc ở Silicon Valley hay du học sinh đang học tập ở nước ngoài đều hiểu rõ hạn chế của học sinh Việt Nam là không được tiếp cận với công nghệ sớm. 

Thực tế, hiếm có em học sinh nào được đào tạo bài bản về công nghệ từ lứa tuổi 11, 12. Đến khi vào đại học, chương trình đào tạo cho các em lại không tập trung vào đào tạo kỹ sư làm sản phẩm, mà chủ yếu đào tạo kỹ sư gia công phần mềm để học nhanh và dễ kiếm việc làm. 

Mặt khác, các em cũng còn thiếu rất nhiều kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, khả năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, đều là những yếu tố quan trọng giúp một cá nhân có thể thành công trong môi trường làm việc toàn cầu như hiện nay.

“Trong khi đó, năng lực người Việt Nam không thua kém người nước ngoài, bằng chứng là các học sinh Việt Nam đạt thứ hạng cao trong các cuộc thi Olympic Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học quốc tế những năm gần đây. Chỉ số Đánh giá học sinh quốc tế PISA năm 2015 còn cho thấy năng lực của học sinh Việt Nam đứng thứ 8 trên thế giới về khoa học, cao hơn cả Hoa Kỳ và Anh. Nhưng thật đáng buồn là số người Việt Nam thật sự xuất chúng trong lĩnh vực công nghệ lại không nhiều. Tại trụ sở của Google (Mountain View) và Facebook (Menlo Park), có chưa đến một trăm người Việt, trong khi số lượng người Trung Quốc và Ấn Độ lên đến hơn chục nghìn người. Sự hiện diện của các công ty công nghệ của Việt Nam trên thị trường toàn cầu lại càng hiếm hoi hơn”, chị Nguyễn Phương Thủy, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành STEAM for Vietnam, cho biết.

Với STEAM for Vietnam, “thực trạng này sẽ thay đổi nếu thế hệ trẻ Việt Nam được tiếp xúc với công nghệ sớm”.

Theo chị Phương Thủy, những người khổng lồ về công nghệ như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Elon Musk, và nhiều người thành công khác trong lĩnh vực công nghệ đều bắt đầu tiếp xúc với máy tính và học lập trình từ độ tuổi lên 10. Bắt đầu làm quen với máy tính và học lập trình từ sớm giúp cho họ rèn luyện cả lối tư duy lẫn bồi đắp các kiến thức, kinh nghiệm về công nghệ để có thể tạo ra các sản phẩm đột phá thay đổi thế giới và xây dựng nên các công ty công nghệ có tầm ảnh hưởng toàn cầu. 

Do đó, cho trẻ tiếp xúc với máy tính và học lập trình từ sớm chính ra đưa cho các em chìa khoá để kiến tạo nên tương lai. Nếu có cả một thế hệ được định hướng và đào tạo tốt, đó sẽ là một nguồn lực vô cùng có giá trị trong tương lai và hy vọng rằng một phần nhỏ trong số đó có thể làm ra được những thứ đột phá. Vì vậy, STEAM for Vietnam ra đời nhanh chóng, với sứ mệnh đưa giáo dục STEAM đẳng cấp quốc tế tới học sinh Việt Nam hoàn toàn miễn phí.

STEAM for Vietnam và sứ mệnh ươm mầm nhân tài công nghệ
Trại hè lập trình đầu tiên của STEAM for Vietnam tạo nên niềm ham mê học tập cho học sinh.

Những giờ học truyền cảm hứng khơi mở tiềm năng trẻ

Sau gần 6 tháng đi vào hoạt động, STEAM for Vietnam đã tiếp cận đến hơn 7.000 học sinh của Trại hè lập trình Coding Bootcamp đầu tiên, tạo ra hơn 10.000 dự án trên hệ thống lập trình của Scratch. Chương trình học hoàn toàn online, nhưng học sinh vẫn đầu tư một khoảng thời gian đáng kể và tạo ra một số lượng dự án khổng lồ chứng minh sức hút của chương trình đến từ chính nội dung và cách truyền đạt của mỗi bài học. Nhiều học sinh tự giác thức đến khuya để hoàn thành dự án. Thậm chí khi giáo viên dạy hăng say đến quên giờ nghỉ mà các em cũng không hề kêu ca.

“Sau dự án cuối khóa, hàng trăm em học sinh đã gửi video về cho chương trình để thuyết trình sản phẩm game của mình hoặc các bạn trong nhóm mình đã hoàn thành. Nhiều em có khả năng giải thích và trình bày ý tưởng cực kỳ tự tin, đặc biệt còn có những học sinh Việt Nam thuyết trình bằng tiếng Anh vô cùng lưu loát và thuần thục. Điều này đã khiến chúng tôi rất bất ngờ trước tiềm năng của các em học sinh Việt Nam về những gì các em có thể làm sau khi được các thầy cô của STEAM for Vietnam hướng dẫn và truyền cảm hứng”, chị Phương Thủy nói.

Trại hè lập trình đầu tiên của STEAM for Vietnam sử dụng ngôn ngữ lập trình Scratch và tạo nên niềm ham mê học tập cho học sinh khi xây dựng chương trình học với phương châm “học mà chơi, chơi mà học”. Sau mỗi buổi học, các em có thể thiết kế ra một game để chơi và chia sẻ với gia đình, bạn bè ngay lập tức. Nhờ đó, cho dù mỗi buổi học kéo dài gần hai tiếng đồng hồ và khối lượng bài tập về nhà và kiến thức cần tiếp thu là không nhỏ, các học sinh vẫn hăng hái chờ đến giờ để tham gia lớp học.

Theo các giảng viên từ chương trình, trẻ em nên sớm được tiếp cận lập trình, mà bước đầu là học Tư duy máy tính, nhằm giúp các em xây dựng và rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề (problem solving). Tư duy máy tính là một phương pháp giải quyết vấn đề thông qua việc sử dụng thuần thục các kỹ năng bóc tách một vấn đề phức tạp thành những phần nhỏ hơn, nhìn nhận những quy luật, khái quát hoá vấn đề, trước khi tổng hợp lại các thông tin và đưa ra cách giải quyết vấn đề một cách tối ưu nhất. 

Khi áp dụng tư duy máy tính, mọi vấn đề trong cuộc sống, dù phức tạp đến như thế nào, đều có thể chia nhỏ ra thành những phần dễ xử lý hơn, sau đó vận dụng các bước tiếp theo để đi đến những cách giải quyết vấn đề tốt nhất. Chính vì vậy Tư duy máy tính được xem là chìa khoá vạn năng để giải quyết được nhiều vấn đề khác nhau trong bất cứ ngành nghề nào. 

Những em được học lập trình từ sớm sẽ có cơ hội trau dồi kỹ năng tư duy logic và hiệu quả giống như những nhà khoa học máy tính. Nhờ đó các em có thể nhìn nhận, phân tích vấn đề nhanh nhạy hơn, giải quyết vấn đề tối ưu hơn trong mọi thử thách ở môi trường học thuật cũng như cuộc sống.

Ngoài các kiến thức chuyên môn các học sinh được học như những chương trình ở các nước tiên tiến, STEAM for Vietnam còn dạy học sinh nhiều kỹ năng mềm như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng đánh giá công việc của người khác một cách khách quan và công tâm, vốn là những kỹ năng cực kỳ quan trọng để có thể làm việc trong môi trường toàn cầu sau này.

Trong năm tới, chương trình "Lập trình mùa Xuân (Spring Coding Bootcamp 2021)" sẽ cùng lúc khai giảng ba khóa học nhập môn về tư duy máy tính, khoa học máy tính và công nghệ robotics, số lượng học sinh dự kiến sẽ lên đến con số hàng chục ngàn. 

Các diễn giả lớn, trong đó có các nhà khoa học gia từ NASA, sẽ có dịp truyền cảm hứng cho các em, để từ đó các em sẽ đặt cho mình những mục tiêu cao xa hơn. Học sinh còn có cơ hội làm việc theo nhóm với dự án cuối khóa để các em nâng cao kỹ năng giao tiếp, biết cách xử lý bất đồng quan điểm khi làm việc, và học hỏi từ những bạn nhỏ Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới.