Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 không đạt vì Covid-19

An Chi - 08:14, 21/10/2020

TheLEADERĐại dịch Covid-19 đã khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 và cả mục tiêu bình quân 5 năm 2016-2020 không đạt kế hoạch đề ra.

Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 không đạt vì Covid-19
Tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2016 - 2020 không đạt mục tiêu đề ra

Báo cáo tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, bên cạnh kết quả đạt được, kinh tế Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. 

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động, ảnh hưởng lớn, ngoài dự báo của đại dịch Covid-19. Điều này đã dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 không đạt mục tiêu đề ra. 

Dự kiến kinh tế 2020 tăng trưởng 2-3%, thấp hơn mục tiêu 6,8%. Kết quả này khiến GDP giai đoạn 5 năm 2016-2020 chỉ tăng bình quân khoảng 5,9% trong khi mục tiêu là 6,8%. Nhiều ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề, số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh. 

Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người cũng thấp hơn mục tiêu đề ra. Đến cuối năm 2020, ước chỉ tiêu này đạt khoảng 2.750 USD, thấp hơn mục tiêu 3.200-3.500 USD.

Trong số 9 chỉ tiêu kinh tế cho giai đoạn 5 năm 2016-2020, có 6 chỉ tiêu đạt kế hoạch, 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch và 1 chỉ tiêu đang tính toán.

Mặc dù vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kết quả năm 2020 cũng được Chính phủ đánh giá là thành công. Việt Nam đã có 4 năm liên tiếp 2016 - 2019 cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, năm sau tốt hơn năm trước. 

Năm 2020 chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, nhưng Chính phủ đã thành công trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. 

Kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. 

Thời gian còn lại của năm 2020, theo Thủ tướng, các cấp, các ngành cần tiếp tục quyết liệt hành động, tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng phù hợp, phát triển mạnh thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tiếp theo. 

Đồng thời, các cấp các ngành tuyệt đối không chủ quan, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch và kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân gặp khó khăn, nhất là tập trung hỗ trợ người dân miền Trung khắc phục nhanh hậu quả do bão lũ gây ra; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Về mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới, Thủ tướng trình Quốc hội 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021. Trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45 - 47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến có 15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 - 5.000 USD; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45%; năng suất lao động tăng bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 là 70%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm/năm; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%...

Đánh giá về định hướng cho giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng mục tiêu tăng trưởng thận trọng; hoàn thiện thể chế, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số. 

Đồng thời, tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững.