Tập trung tăng đàn lợn tại các cơ sở quản trị tốt để phục vụ Tết

Nhã Lam - 20:07, 06/11/2019

TheLEADERBộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chính thức yêu cầu các tỉnh, doanh nghiệp lớn, bà con chăn nuôi nơi nào có các mô hình quản trị đảm bảo an toàn, thì phải tập trung tăng đàn lợn nhằm tăng nguồn cung dịp Tết Nguyên đán.

Tập trung tăng đàn lợn tại các cơ sở quản trị tốt để phục vụ Tết
Tín hiệu vui là nhiều xã đã trải qua 30 ngày mà dịch không quay trở lại.

"Đến nay, Việt Nam vẫn giữ được 109.000 con lợn cụ kỵ, đây là hạt nhân để phát triển đàn lợn sau này."

Đây là một trong những thông tin được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Nguyễn Xuân Cường nêu ra tại phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 6/11. 

Bộ trưởng cho biết thêm, cách đây 3 tuần, đoàn công tác của Bộ đã đi Khoái Châu, Hưng Yên. Địa phương này có nhiều hộ chăn nuôi tới 3.000 - 4.000 con lợn, chuồng trại được giữ gìn vệ sinh rất sạch, bảo đảm an toàn sinh học nên không bị ảnh hưởng gì. 

Thậm chí, nhiều nông dân còn dùng cả tia cực tím để tiêu độc khử trùng, nên nhiều gia đình không những không thiệt hại mà còn làm giàu từ chăn nuôi lợn.

Theo Bộ trưởng, dịch tả lợn châu Phi là dịch bệnh lịch sử xảy ra đối với ngành chăn nuôi Việt Nam và chăn nuôi thế giới. Chưa bao giờ ngành chăn nuôi phải đối mặt với dịch bệnh gây tác hại lớn như thế.

Ông dẫn chứng, 100 năm nay, thế giới không sản xuất được vắc xin, vì trước biến đổi của khí hậu thì dịch bệnh này lây lan rất nhanh. Thậm chí có tài liệu còn công bố 30% đàn lợn của thế giới bị chết vì dịch tả lợn châu Phi, từ đó tạo ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có về nguồn cung cầu thịt lợn.

Đối với Việt Nam, kể từ khi biết tin Trung Quốc bùng phát dịch tả lợn châu Phi, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các cơ quan, các địa phương liên quan đã diễn tập ứng phó với dịch này. 

Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của loại dịch này nên chỉ trong thời gian ngắn dịch đã lây lan ra toàn quốc. Đến nay, chúng ta phải tiêu hủy 5,7 triệu con lợn, chiếm hơn 8% tổng đàn lợn của Việt Nam.

Bộ đã triển khai các giải pháp ứng phó, khống chế dịch bệnh và đến nay, dịch bệnh đang có xu hướng giảm. 

"Nếu tháng 6 là tháng đỉnh điểm, chúng ta phải tiêu hủy 1,2 triệu con lợn, thì đến nay chúng ta chỉ phải tiêu hủy 40.000 con. Tín hiệu vui là nhiều xã đã trải qua 30 ngày mà dịch không quay trở lại", ông Cường cho biết.

Có được thành tích trên là cả hệ thống chính trị vào cuộc, thậm chí Thủ tướng còn đến tận ổ dịch để chỉ đạo. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, Thủ tướng đã yêu cầu phải có ngay chính sách hỗ trợ theo giá thành của sản xuất và yêu cầu chuẩn bị sẵn để xây dựng kịch bản tái đàn khi dịch bệnh lắng xuống.

Tổ chức Thú y thế giới cũng đánh giá Việt Nam rất minh bạch thông tin về dịch tả lợn, không giấu giếm để đề ra giải pháp. Còn nhiều quốc gia khác thì giấu giếm, nên không thể biết được tình hình thực tế về dịch tả lợn châu Phi là như thế nào.

Không để khủng hoảng thiếu thực phẩm như Trung Quốc dịp Tết

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi trên toàn quốc thời gian qua, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) lo lắng về nguồn cung thịt lợn phục vụ dịp Tết nguyên đán sắp tới.

Ông Cường cho biết Bộ đã lên phương án bù lại số lượng lợn để không diễn ra tình trạng thiếu thực phẩm cuối năm, "đảm bảo để không thiếu thực phẩm, không để xảy ra khủng hoảng như Trung Quốc".

Đó là sau khi xảy ra dịch, đầu tháng 3, Bộ đã tổ chức hội nghị trển khai trên toàn quốc, tập trung tăng cường sản xuất các nhóm sản phẩm khác như gia cầm, đại gia súc, thuỷ sản; đảm bảo an toàn dịch bệnh, yêu cầu dứt khoát phải có sản xuất chuỗi và địa điểm tiêu thụ cụ thể.

Nhờ đó, trong 9 tháng gia cầm tăng 12% sản lượng với khoảng 1 triệu tấn với 13 tỷ quả trứng, thủy sản tăng 6,5%, gia súc tăng chậm hơn, ở mức 4%.

Đối với thói quen ăn thịt lợn của người Việt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận văn hoá và thói quen ăn thịt lợn của người dân, không thể bỗng chốc thay thế bằng thực phẩm khác. 

Do đó phải tăng cường tuyên truyền, đồng thời bộ đã chính thức yêu cầu các tỉnh, doanh nghiệp lớn, bà con chăn nuôi nơi nào có các mô hình quản trị đảm bảo an toàn, thì phải tập trung tăng đàn.

Về vấn đề giá thịt lợn cao, Bộ trưởng cho biết trước đây giá 40 - 45 nghìn đồng/kg nhưng nay tăng lên 60 - 65 nghìn đồng/kg. Ông mong người dân thông cảm vì giá thành sản xuất cao hơn và nhấn mạnh hướng tới tập trung làm sao để người tiêu dùng và người sản xuất cùng chấp nhận được, và đặc biệt chú ý cân đối để không tái đàn một cách vô nguyên tắc dẫn đến rủi ro sau này.