Doanh nghiệp
Thách thức đón chờ tham vọng tỷ đô của Coteccons
Các công ty phân tích nhận định, vị thế sẵn có của Coteccons sẽ tiếp tục giúp doanh nghiệp thắng các gói thầu lớn, nhưng như vậy là không đủ để đạt tăng trưởng kết quả kinh doanh.
Đầu tháng 2/2021, ban lãnh đạo Công ty xây dựng Coteccons đã cùng nhau cam kết và ký xác nhận cùng nhau thực hiện mục tiêu kinh doanh của công ty là 1B@5 - 1 tỷ đô doanh thu và 5% lợi nhuận gộp.
Theo đó, dưới sự dẫn dắt của chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov – người vừa lên nắm quyền sau khi ông nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương từ nhiệm, Coteccons đặt ra 2 mục tiêu chiến lược đó là tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu của Coteccons trong ngành xây dựng và xây dựng Coteccons trở thành một công ty vĩ đại (from good to great).
“Coteccons có tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Tôi tin tưởng vào khả năng chuyên môn của các bạn, toàn thể cán bộ nhân viên công ty. Mục tiêu kinh doanh 1B@5 năm nay, chúng ta hoàn toàn có khả năng đạt được”, ông Bolat Duisenov chia sẻ.
Gần đây, Coteccons cũng công bố những bản hợp đồng mới quy mô lớn như dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Hyatt Regency Ho Tram, khu căn hộ chung cư Opal Skyline Bình Dương, dự án điện gió tại tỉnh Tiền Giang. Bên cạnh mảng thầu xây dựng dân dụng, Coteccons bắt đầu mở rộng định hướng đầu tư xây dựng ngành năng lượng tái tạo và điện gió.
Mục tiêu tham vọng được đề ra trong bối cảnh bức tranh chung ngành xây dựng rất ảm đạm. Xây dựng dân dụng không còn phát triển nóng như giai đoạn 2013-2018, trong khi đó giải ngân đầu tư công và FDI vẫn cần thêm thời gian để làm trụ đỡ cho nhu cầu của toàn ngành. Tăng trưởng ngành xây dựng vốn đang trong đà giảm, dưới tác động của Covid-19 lại càng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm động lực tăng trưởng.
Các tổng thầu xây dựng dân dụng đều phải chật vật duy trì doanh thu và càng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm nguồn công ăn việc làm trong dài hạn. Là tổng thầu xây dựng lớn nhất ngành, tình cảnh của Coteccons cũng không khá khẩm hơn.
Năm 2020, công ty ghi nhận 14.628 tỷ doanh thu, giảm khoảng 40% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 463,5 tỷ đồng, giảm 35% và cũng là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Hoạt động kinh doanh cốt lõi của Coteccons giai đoạn 2 năm trở lại đây liên tiếp gặp khó khăn do những diễn biến bất lợi cả trong và ngoài công ty. Do chính sách siết tín dụng cho ngành bất động sản và hoạt động thanh tra tại các thành phố lớn, dòng vốn giải ngân có dấu hiệu chậm lại, ảnh hưởng lên cơ hội tăng trưởng doanh thu cho các tổng thầu dân dụng như Coteccons.
Bản thân công ty những mâu thuẫn nội bộ kéo dài gần hai năm, kéo theo quyết định thay mới hoàn toàn bộ máy lãnh đạo. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ thay đổi chiến lược kinh doanh cũng như cách vận hành, và các cổ đông sẽ cần đặc biệt quan tâm tới chuyển biến này, vì Coteccons của hiện tại về bản chất có thể không còn là Coteccons như những gì người ta chứng kiến trong giai đoạn 2012-2017.
Kế hoạch 1 tỷ USD doanh thu trong năm 2021 của Coteccons khó thành hiện thực trong mắt các công ty phân tích. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, vị thế sẵn có của Coteccons sẽ tiếp tục giúp doanh nghiệp thắng các gói thầu lớn, nhưng như vậy là không đủ để đạt tăng trưởng kết quả kinh doanh. Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, khiến nhiều dự án bất động sản giãn tiến độ xây dựng.
Hoạt động ký mới tương đối ảm đạm, mặc dù Coteccons với vị thế là tổng thầu lớn nhất thị trường nội địa vẫn giành được các gói thầu lớn, tuy nhiên quy mô backlog gần như chắc chắn sẽ thu hẹp lại. So với giai đoạn cao điểm ngành xây dựng, khi Coteccons luôn duy trì backlog khoảng 27.000-30.000 tỷ để đảm bảo tăng trưởng doanh thu trong hơn 1 năm tiếp theo, tốc độ ký mới hiện tại cho thấy doanh thu trong ngắn và trung hạn của doanh nghiệp sẽ rất khó để duy trì.
Câu hỏi về tốc độ ký mới và năng lực duy trì doanh thu trong trung và dài hạn sẽ ngày càng quan trọng khi Coteccons hiện đang được điều hành bởi một bộ máy lãnh đạo mới, ít kinh nghiệm trong thị trường xây dựng Việt Nam hơn.
Chứng khoán FPT (FPTS) đánh giá, bất đồng nội bộ công ty đã khiến nhiều lãnh đạo chủ chốt ra đi, chỉ ra rủi ro quản trị và nhân sự chính đáng kể tại Coteccons. Do đó, triển vọng phục hồi của công ty mang rất nhiều bất định.
Tất nhiên, ban lãnh đạo mới hiện tại của Coteccons cũng có những điểm mạnh riêng. Đa phần các thành viên trong HĐQT hiện tại đều có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong các quỹ đầu tư và ngân hàng, qua đó giúp công ty ổn định về mặt tài chính.
Điều này có thể thấy ở việc Coteccons không vay nợ. Không có nợ vay ngắn và dài hạn có lẽ là lợi thế lớn nhất của một doanh nghiệp ngành xây lắp trong giai đoạn toàn ngành khó khăn.
Nhờ giảm thiểu chi phí tài chính, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi không bị ăn mòn. Ngoài ra, nắm giữ lượng tiền mặt lớn giúp doanh nghiệp có doanh thu tài chính từ lãi tiền gửi (khoảng gần 60 tỷ đồng trước thuế mỗi quý) để ổn định hóa lợi nhuận.
Cuối quý 4/2020, công ty có hơn 3.300 tỷ đồng tiền mặt, phần nào cho thấy sức khỏe tài chính và tính thanh khoản cao của doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, điểm sáng hiếm hoi không thể khỏa lấp hết những khó khăn của doanh nghiệp. Chưa bàn tới mục tiêu trở thành công ty vĩ đại, riêng mục tiêu đầu tiên là giữ vững vị thế nhà thầu số 1 của Coteccons cũng đang chịu áp lực dữ dội.
Ngay trong quý 4/2020, Công ty Xây dựng Ricons đã công bố lợi nhuận 154 tỷ đồng, qua đó lần đầu tiên vượt qua Coteccons. Từng là một phần của Coteccons, việc Ricons tách khỏi công ty mẹ sau khi nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương ra đi không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty. Ricons cũng thay đổi nhận diện thương hiệu, tự phát triển hệ sinh thái Ricons Group từng bước tạo áp lực lên Coteccons.
Tại ĐHĐCĐ bất thường hồi tháng 10/2020 cũng thông qua điều lệ mới, Ricons quy định chặt chẽ hơn về quyền đề cử ứng viên vào HĐQT và Ban kiểm soát Công ty. Liên quan đến kế hoạch niêm yết, đại diện Công ty cho biết đã gửi hồ sơ cho đơn vị tư vấn để hoàn tất các thủ tục và nộp hồ sơ lên HOSE.
Ngoài Ricons, Newteccons – nơi được xem là bến đỗ mới của ông Nguyễn Bá Dương cũng đang có những bước chuyển mình. Vị thế của ông Dương đã lôi kéo nhiều khách hàng đến với Newteccons. Điển hình là CTCP Đầu tư bất động sản GP. Invest do ông Nguyễn Quốc Hiệp làm Chủ tịch HĐQT đã chọn Newteccons làm nhà thầu cho dự án căn hộ cao cấp The Nine tại Hà Nội, trong khi trước đó chủ đầu tư này chọn Coteccons cho dự án Tràng An Complex.
Gần đây nhất, cuối tháng 11, người ta thấy ông Nguyễn Bá Dương có mặt tại lễ khởi công dự án Masteri Waterfront tại Hà Nội. Nằm trong khu đô thị Vinhomes Ocean Park, Masteri Waterfront có tổng diện tích 37.525m2, tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, đây là dự án trọng điểm của Masterise Homes tại Hà Nội.
Trong khi người cũ bứt phá, Coteccons vẫn còn phải loay hoay ổn định đội ngũ nhân sự. Chi phí vận hành doanh nghiệp đã tăng đột biến trong 2 quý cuối năm, nhiều khả năng là chi phí trả lương cho các nhân sự và lãnh đạo mới.
Điều thú vị là sau khi lên nắm quyền tại Coteccons, Kusto đã chuyển sang theo đuổi chính sách mà trước đó họ đã cực lực phản đối thời ông Nguyễn Bá Dương còn tại vị: đó là ESOP. Cuối tháng 11, Coteccons đã thông qua quyết định mua 4,9 triệu cổ phiếu quỹ nhằm chuẩn bị nguồn cổ phiếu cho đợt phát hành ESOP tiếp theo và gia tăng lợi ích cổ đông.
Chủ tịch Bolat Duisenov cũng không quên nhắn nhủ sẽ đưa Coteccons trở thành “nơi mà các cá nhân được phát huy toàn bộ khả năng, được khen thưởng xứng đáng và có cuộc sống hạnh phúc. Từ đó, toàn thể nhân viên công ty sẽ cùng nhau xây dựng niềm tin với khách hàng thông qua chất lượng sản phẩm và có trách nhiệm với cộng đồng xã hội trong mỗi công việc của mình”.
Đằng sau những bức tâm thư của tân chủ tịch Coteccons
Điểm mới của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi bổ sung quy định thuế tối thiểu toàn cầu, ưu đãi thuế mới, tạo tác động lớn đến doanh nghiệp.
Vingroup và PV Power hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh
Vingroup và PV Power ký thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên quy mô toàn quốc và thúc đẩy hệ thống điện mặt trời áp mái.
Sandoz khởi động chương trình cộng đồng phòng, chống đề kháng kháng sinh
Sáng ngày 22/11/2024, công ty Sandoz đã chính thức phát động chương trình cộng đồng về phòng, chống kháng kháng sinh (AMR) tại Việt Nam.
Chúng ta đã đi bao xa trên con đường phát triển bền vững
Có lẽ đã đến lúc thay đổi góc nhìn về triển vọng và thực tiễn của sự phát triển bền vững tại Việt Nam.
Giải mã sức hút của shophouse Nghi Sơn Central Park
Bên cạnh việc kiến tạo không gian sống văn minh, chủ đầu tư Taseco Land còn đặc biệt chú trọng tính thẩm mỹ tinh tế cho các shophouse tại Nghi Sơn Central Park.
PV Gas theo đuổi các dự án khí tại Bắc Bộ
PV Gas vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng về các dự án khí, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh sản phẩm khí tại khu vực Bắc Bộ.
Phố đi bộ nơi 'tọa độ kim cương' của Phổ Yên chính thức lộ diện
Phố đi bộ bên cạnh quảng trường Vạn Xuân sẽ sớm trở thành biểu tượng giao thương và điểm đến sôi động bậc nhất, giúp gia tăng giá trị bất động sản cho khu vực