Doanh nghiệp
Đằng sau những bức tâm thư của tân chủ tịch Coteccons
Chỉ trong chưa đầy 2 tháng, Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov đã gửi liên tiếp hai bức tâm thư tới cán bộ công nhân viên Coteccons. Những bức thư được gửi đi trong bối cảnh nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khủng hoảng về nhân sự và quản trị.
Ngay ngày đầu tiên của tháng 12, tân chủ tịch Coteccons Bolat Duisenov đã có tâm thư gửi tới các cán bộ nhân viên đang làm việc trong công ty.
Trong thư, vị chủ tịch người Kazakhstan cho biết ông đã thăm và gặp gỡ trực tiếp gần 2.000 cán bộ nhân viên công ty, và “nhìn thấy ở mỗi người hình ảnh của những người lãnh đạo tương lai”.
“Nhiều cán bộ trẻ, nhiệt huyết đã được bổ nhiệm các vai trò chỉ huy phó, chỉ huy trưởng, trưởng phòng ban hoặc giám đốc dự án. Tôi tin rằng việc trao quyền cho anh chị em cơ hội được thử thách và chứng tỏ năng lực bản thân là điều rất quan trọng để xây dựng bộ máy quản lý tự chủ, năng động”, ông Bolat nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết thêm Coteccons có kế hoạch đầu tư một trung tâm đào tạo đúng nghĩa với cơ sở vật chất hiện đại và những chương trình học hiệu quả để nâng cao năng lực cán bộ, đặt nền móng cho thế hệ quản lý kế cận.
Đây là bức tâm thư thứ 2 mà ông Bolat gửi tới cán bộ nhân viên Coteccons, chỉ sau 2 tháng lên nắm quyền. Bức thư được gửi đi trong bối cảnh nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khủng hoảng về nhân sự và quản trị.
Sau sự ra đi của nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương, hàng loạt các nhân sự chủ chốt gắn bó lâu năm và được coi là "trụ cột" với công ty như ông Nguyễn Sỹ Công, Trần Quang Quân, Trần Quyết Thắng, Nguyễn Quốc Hiệp, Trần Văn Chính, Phan Huy Vĩnh… lần lượt rời bỏ công ty.
Gần đây nhất, ông Từ Đại Phúc, Phó tổng giám đốc và cũng là nhân sự tham gia Coteccons từ năm 2002, nối dài danh sách những công thần rời khỏi doanh nghiệp này.
Sau khi nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương từ nhiệm vào tháng 10, HĐQT của Cocteccons xáo trộn mạnh.
Trong khi việc đưa người Coteccons trở thành lãnh đạo vẫn ở thì tương lai, năm người trong HĐQT công ty hiện đều là người nước ngoài. Để trám vào những chỗ trống, Coteccons tiếp tục bổ sung hai phó tổng giám đốc và cố vấn ban điều hành. Ông Lý Xuân Hải, cựu CEO Ngân hàng Á Châu cũng trở thành người đại diện theo uỷ quyền cho Thành viên Hội đồng quản trị Talgat Turumbayev.
Ban giám đốc công ty cũng thay đổi liên tục. Ban điều hành ngoài ông Võ Thanh Liêm là nhân sự cũ của Coteccons thì có hai nhân sự mới vừa được bổ nhiệm, bao gồm người chuyển sang từ nhà thầu đối thủ là Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hoà Bình.
Ghi nhận trên website công ty, cấp quản lý những bộ phận nòng cốt liên quan đến thu chi như nhân sự, kế toán tài chính và MEP cũng đã được thay đổi mới.
Sự vắng bóng của “người Coteccons” trong ban lãnh đạo tạo cảm giác công ty dần chỉ còn là "cái vỏ Coteccons". Thương hiệu công ty hiện do một đội ngũ người nước ngoài, chuyên gia tài chính, thậm chí là nhân sự đến từ nhà thầu đối thủ tiếp quản.
Đây là điều ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam và cũng là thành viên HĐQT Coteccons nhắc đến trong đơn từ nhiệm của mình.
Theo ông Hiệp, cách hành xử không phù hợp của ban lãnh đạo Coteccons với ông Nguyễn Bá Dương chắc chắn sẽ khiến hàng loạt những nhân sự từng kề vai sát cánh xây dựng nên Cotecccons suốt 17 năm qua phải cân nhắc nên ở lại công ty hay không.
“Tôi từng xem việc gia nhập Coteccons là một cơ hội tốt cho mình cũng như hiệp hội khi được tiếp cận với một tập thể người xây dựng Việt Nam trẻ trung, chuyên nghiệp và nhiệt tình. Tuy nhiên, đây là thời điểm để tôi từ biệt Coteccons", ông nhấn mạnh.
Những rối ren nội bộ đang ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của Coteccons. Quý III, công ty này ghi nhận doanh thu giảm 55%, đạt 2.800 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giai đoạn này cũng chỉ đạt 88 tỷ đồng, chỉ bằng phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Luỹ kế doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế chín tháng lần lượt đạt 10.300 tỷ đồng và 370 tỷ đồng, giảm gần 37% và 23% so với cùng kỳ. Dịch bệnh khiến nhiều dự án bất động sản giãn tiến độ xây dựng, theo ban lãnh đạo Coteccons, là nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh ảm đạm.
Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng Covid-19 và quá trình tái cơ cấu nội bộ đang diễn ra sẽ tạo thêm áp lực cho giá trị hợp đồng ký mới trong năm 2020.
Sau khi công bố giá trị hợp đồng ký mới đạt 5.000 tỷ đồng, Coteccons đã không công bố con số này trong quý II và quý III/2020. Dịch Covid-19 và quá trình tái cơ cấu nội bộ đang diễn ra sẽ tạo thêm áp lực cho giá trị hợp đồng ký mới trong năm 2020, dẫn đến khả năng trì hoãn hoặc hủy các hợp đồng đã được tính trong lượng đơn hàng tồn đọng hiện tại.
Ngoài vấn đề doanh thu, biên lợi nhuận cũng là chỉ tiêu được lưu ý. VCSC cho rằng chi phí bán hàng, hành chính và quản lý tăng mạnh trong năm 2020 là bất thường.
Tuy nhiên, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý trên doanh thu đã tăng 3,7% trong ba tháng gần nhất. Mức tăng này chủ yếu đến từ mức tăng 11% trong chi phí nhân công, mà theo VCSC đó là do quá trình tái cơ cấu vừa qua của ban lãnh đạo.
Trong khi “chốn cũ” vẫn còn đang rối bời, cuối tháng 11, người ta thấy ông Nguyễn Bá Dương có mặt tại lễ khởi công dự án Masteri Waterfront tại Hà Nội. Nằm trong khu đô thị Vinhomes Ocean Park, Masteri Waterfront có tổng diện tích 37.525m2, tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, đây là dự án trọng điểm của Masterise Homes tại Hà Nội.
Đây có thể là cái tên hoàn hảo để ông Dương đánh dấu sự trở lại, khi bản thân ông là người có nhiều duyên nợ với dự án mang thương hiệu Masteri. Hơn 5 năm trước, ngoài vai trò thiết kế và nhà thầu, Coteccons cùng nhiều cá nhân trong đó có ông Dương đã quyết định đầu tư vào dự án khu căn hộ cao cấp Masteri Thảo Điền với số lượng lên tới khoảng 300 căn hộ. Động thái này sau đó đã gây tiếng vang trên thị trường, biến Masteri Thảo Điền trở thành một trong những dự án bất động sản thành công nhất tại TP. HCM.
Có chủ đầu tư từng coi Coteccons như một sự lựa chọn hàng đầu nhưng giờ đây cũng quay lưng lại với Coteccons để tiếp tục hợp tác với ông Nguyễn Bá Dương. Điển hình là Công ty CP Đầu tư bất động sản GP. Invest do ông Nguyễn Quốc Hiệp làm Chủ tịch HĐQT đã chọn Newteccons làm nhà thầu cho dự án căn hộ cao cấp The Nine tại Hà Nội, trong khi trước đó chọn Coteccons cho dự án Tràng An Complex. Tiền lệ này báo hiệu một tương lai bất định cho Coteccons trong thị trường thầu xây dựng ở Việt Nam.
Xung đột quản trị dẫn đến biến cố tại Coteccons
Làm thế nào để không đuối sức giữa áp lực công việc cuối năm?
Cuối năm luôn là thời gian người lao động tăng tốc chạy đua với công việc, không chỉ nhằm đáp ứng KPI đề ra mà còn hoàn thành mục tiêu riêng của bản thân. Để tăng hiệu suất làm việc vào thời gian này, họ cần những giải pháp bổ sung năng lượng, lấy lại sự tập trung ngay tức thì.
Ngắm đường đê Âu Cơ - Nghi Tàm thông xe sau khi mở rộng
Dự án mở rộng đường đê Âu Cơ - Nghi Tàm từ hai lên 4-6 làn xe được thông xe đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng thủ đô.
Cần duy trì tốc độ thay đổi cho mục tiêu nâng hạng thị trường
Việt Nam cần phải tiếp tục duy trì tốc độ thay đổi hiện tại nếu muốn đạt mục tiêu nâng hạng vào năm 2025, theo FTSE Russell.
BAF hút vốn "thần tốc" cho kế hoạch tham vọng mảng chăn nuôi
Để thực hiện các kế hoạch kinh doanh tham vọng, chỉ sau ba năm niêm yết, vốn điều lệ của BAF đã tăng gấp ba từ 780 tỷ đồng lên 2.390 tỷ đồng nhờ việc liên tục phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
VinUni đảm nhận vị trí UNESCO Chair đầu tiên tại Việt Nam
Trường đại học VinUni vừa được UNESCO bổ nhiệm vai trò UNESCO Chair dưới mô hình trung tâm nghiên cứu và đào tạo do UNESCO bảo trợ về lãnh đạo môi trường, di sản văn hóa và đa dạng sinh học.
Chính phủ ban hành quy hoạch tài nguyên vùng bờ
Quy hoạch tài nguyên vùng bờ tập trung bảo vệ, duy trì và phục hồi hệ sinh thái, sinh thái biển và các giá trị khác.
Căn hộ nghỉ dưỡng vịnh Bái Tử Long: Đầu tư sinh lời hấp dẫn
Các bất động sản tại những vùng vịnh kín luôn là mục tiêu tìm kiếm của giới đầu tư, vừa nghỉ dưỡng vừa kết hợp khai thác, được che chắn và bảo vệ an toàn trong tình trạng biến đổi khí hậu ngày một khó lường hiện nay.