Thách thức mới của ngành thuế

Quỳnh Chi - 08:48, 24/07/2022

TheLEADERCạnh tranh thuế để thu hút FDI và xu hướng cải cách thuế quốc tế là hai trong số những yếu tố quan trọng tác động đến xu hướng đổi mới thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong những năm qua, ngành thuế đã có những cải cách, hiện đại hoá công tác quản lý, từ việc từng bước hoàn thiện về mặt pháp lý cho đến hoàn thiện hạ tầng số.

Tiếp nối những kết quả đạt được từ chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, ngày 23/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 508/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Trong hội nghị Thuế Việt Nam 2022 do Câu lạc bộ CFO Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD), ông Vũ Xuân Bách, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đánh giá, đây là văn bản pháp lý quan trọng để thực hiện cải cách, góp phần xây dựng ngành thuế Việt Nam hiện đại, tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả, lấy người nộp thuế làm trung tâm.

Thách thức mới của ngành thuế
Ông Vũ Xuân Bách, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

Chiến lược này nhấn mạnh việc xây dựng hệ thống thuế hiện đại và hiệu quả, ứng dụng công nghệ số và phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều này hoàn toàn phù hợp và cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ, cuộc cách mạng 4.0 đã và đang thúc đẩy sự chuyển dịch của các ngành kinh tế mà nổi lên trong đó là lĩnh vực thương mại điện tử, đặt ra không ít thách thức cho ngành thuế.

“Cạnh tranh thuế để thu hút FDI và xu hướng cải cách thuế quốc tế là hai trong số những yếu tố quan trọng tác động đến xu hướng đổi mới thuế thu nhập doanh nghiệp”, ông Lê Khánh Lâm, Phó tổng giám đốc RSM Việt Nam cho biết.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, ông Nguyễn Hải Minh, Phó tổng giám đốc về dịch vụ Thuế của Mazars Việt Nam đồng tình cho rằng, việc kê khai thuế đã thuận lợi hơn nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai ở các địa phương.

“Doanh nghiệp châu Âu muốn cách diễn giải quy định pháp luật đơn giản hơn, tập trung vào bản chất, chắc chắn về mặt pháp lý. Những gì liên quan đến chuẩn mực và thông lệ quốc tế thì cần ưu tiên tập trung”, ông Minh nói.

Đầu tháng 10/2021, 136 nước thành viên trong Diễn đàn hợp tác chung của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã thông qua một số chính sách thuế mới với hai trụ cột, trong đó phân chia lại quyền đánh thuế, hướng tới việc chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong việc thu hút đầu tư giữa các quốc gia.

Theo ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam, giải pháp hai trụ cột (BEP 2.0) nhằm giải quyết những vấn đề thuế phát sinh trong thời đại của nền kinh tế kỹ thuật số.

Thách thức mới của ngành thuế 1
Các chuyên gia tham gia thảo luân trong Hội nghị Thuế Việt Nam 2022

Cụ thể, theo trụ cột thứ nhất, các quốc gia sẽ được quyền đánh thuế mới đối với một phần lợi nhuận được tạo ra trong phạm vi quyền hạn của mình đối với một công ty đa quốc gia có trụ sở ở nước ngoài nhưng có hoạt động kinh doanh tại quốc gia đó. Trụ cột này loại bỏ các loại thuế, hoặc thuế theo tính chất tương đương đối với dịch vụ kỹ thuật số.

Trụ cột thứ hai, một mức thuế công ty tối thiểu sẽ được các quốc gia áp dụng đối với lợi nhuận ở nước ngoài của các công ty lớn có trụ sở chính tại khu vực tài phán của họ.

Bà Hương Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam cho biết, việc áp dụng trụ cột thứ hai nhằm hạn chế kế hoạch của các công ty đa quốc gia trong việc giảm thiểu thuế thông qua chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế, hay hoạt động kinh doanh qua nền tảng số xuyên quốc gia mà không có hiện diện vật lý. Trụ cột này dự kiến có tác động lớn đối tới Việt Nam với nhiều thách thức và cơ hội, có tính lâu dài và tính cấp thiết cao.

Đánh giá tác động của trụ cột 2 đến các nhà đầu tư hiện tại của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Chủ tịch InvestPro nhận định, các ưu đãi thuế mà nhà đầu tư đang hưởng sẽ không còn phát huy tác dụng, ảnh hưởng quyết định đầu tư mở rộng hoặc duy trì đầu tư, giảm thu hút các công ty vệ tinh của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nếu Chính phủ nâng thuế suất lên mức thuế suất tối thiểu để giữ quyền đánh thuế thì có thể ảnh hưởng đến cam kết ưu đãi đối với nhà đầu tư.

Còn đối với nhà đầu tư tiềm năng, trụ cột 2 khiến chính sách ưu đãi thuế không còn là lợi thế cạnh tranh trong thu hút nhà đầu tư lớn; giảm động lực đầu tư của các nhà đầu tư lớn dẫn đến ảnh hưởng nguồn đầu tư chất lượng cao, qui mô lớn, giảm vị thế cạnh tranh đầu tư và thương mại.

Thách thức mới của ngành thuế 2
Những thay đổi trong chính sách thuế là điều mà cộng đồng giám đốc tài chính rất quan tâm

Đề xuất với Chính Phủ, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cân nhắc áp dụng thuế suất tối thiểu nội địa 15% để giữ quyền đánh thuế. Để không ảnh hưởng đến cam kết ưu đãi với các nhà đầu tư, nhà đầu tư hiện tại được lựa chọn: (i) áp dụng thuế suất tối thiểu 15% và không được hưởng các ưu đãi thuế đang có hoặc (ii) tiếp tục áp dụng các ưu đãi thuế đang có và nộp thuế bổ sung tại quốc gia mà công ty mẹ đặt trụ sở.

Để nhà đầu tư lựa chọn áp dụng lựa chọn thứ nhất, Chính phủ nên cân nhắc các giải pháp hỗ trợ ở các lĩnh vực ưu tiên cũng như các hỗ trợ cụ thể như tiền thuê đất, hạ tầng, hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ, đơn giản hoá thủ tục hành chính…

Do tính phức tạp của giải pháp hỗ trợ, các chuyên gia cho rằng cần sớm thành lập Tổ công tác do Chính phủ trực tiếp chỉ đạo để trực tiếp nghiên cứu và đề xuất giải pháp xây dựng chính sách thỏa mãn điều kiện và nguyên tắc của OECD, không vi phạm nguyên tắc của các hiệp định quốc tế khác mà Việt Nam tham gia, thu hút các nhà đầu tư mới, tạo niềm tin và giữ chân các nhà đầu tư hiện tại.