Thận trọng về chủ quyền dữ liệu khi M&A doanh nghiệp công nghệ

Tuệ Minh - 08:38, 19/01/2022

TheLEADERViệc các nhà đầu tư nước ngoài tăng mức độ quan tâm với các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam là một tín hiệu đáng mừng nhưng các chuyên gia phân tích cho rằng, chủ quyền dữ liệu là vấn đề quan trọng nên khi M&A cần rất thận trọng.

Thận trọng về chủ quyền dữ liệu khi M&A doanh nghiệp công nghệ
Chủ quyền dữ liệu là vấn đề quan trọng đối với các doanh nghiệp công nghệ

Bất chấp khó khăn của đại dịch, thị trường M&A vẫn có sự tăng trưởng mạnh. Nếu như trước đây bất động sản chiếm chủ yếu trong hoạt động M&A, thì hiện nay công nghệ, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính đã nổi lên dẫn dắt thị trường này.

Đặc biệt, do đại dịch Covid, hoạt động chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trên thế giới có sự tăng tốc kéo theo các hoạt động M&A trong lĩnh vực công nghệ số cũng gia tăng, nổi bật ở các doanh nghiệp sở hữu công nghệ cao, có cơ sở dữ liệu khách hàng lớn, các startup có nền tảng công nghệ mới tiềm năng.

Hứa hẹn bùng nổ

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và truyền thông), cho biết ở Việt Nam giai đoạn trước năm 2015, hoạt động M&A chủ yếu tập trung trong lĩnh vực dịch vụ kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015 - 2018 đã xuất hiện một số thương vụ M&A trong lĩnh vực công nghệ số có giá trị chuyển nhượng lớn. Đặc biệt giai đoạn 2019 - 2021 đã xuất hiện hàng loạt các thương vụ lớn như VNPay nhận đầu tư 300 triệu USD từ Softbank Vision Fund và Quỹ GIC hoặc FPT mua lại nền tảng quản trị doanh nghiệp Base…

Đến nay, các thương vụ M&A trong lĩnh vực công nghệ ngày càng nhiều hơn với giá trị lớn hơn. Từ những thương vụ 10-20 triệu USD đã xuất hiện nhiều hơn các thương vụ lên đến hàng trăm triệu USD đầu tư vào các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ.

Theo đó, lĩnh vực công nghệ ngày càng nhận được nhiều sự chú ý từ các nhà đầu tư với với số thương vụ tăng gần gấp đôi, từ con số 22 năm 2020 lên 42 vào năm 2021 và tổng giá trị giao dịch tăng gấp hơn 3 lần lên gần 1 tỷ USD. Các giao dịch đáng chú ý như Tiki (vòng gọi vốn 258 triệu USD), Sky Mavis (vòng gọi vốn 152 triệu USD)…

Nối tiếp đà tăng trưởng cũ, các chuyên gia nhấn mạnh, thời gian tới M&A lĩnh vực công nghệ số là mảng đầu tư rất hứa hẹn bởi sẽ mang đến cơ hội và nguồn lực cho các doanh nghiệp công nghệ số. Dự báo Việt Nam sẽ có sự chuyển dịch làn sóng M&A ở hầu hết các lĩnh vực từ sản xuất hàng hóa đến công nghệ trên nền tảng Internet.

Tiki là một trong những cái tên ấn tượng liên quan đến hoạt động M&A
Tiki là một trong những cái tên ấn tượng liên quan đến hoạt động M&A

Theo ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, trong năm 2022, thị trường M&A nói chung có thể tăng ở mức 100%, gấp đôi so với năm 2021. Riêng trong lĩnh vực công nghệ, tỷ lệ này được dự báo có thể sẽ cao hơn nữa vào khoảng 150%. Đây là một xu hướng và Việt Nam có cơ sở để trở thành một Startup Hub trong tương lai.

Lý giải về sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, đại diện KPMG Việt Nam cho rằng do chính sách của Việt Nam đưa ra trong việc hỗ trợ, tạo dựng phong trào startup đã có tác dụng lan tỏa tới cộng đồng đầu tư quốc tế. Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực công nghệ tại Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Hồ Phi Ân, CEO Công ty CP EI Industrial cho rằng, các tín hiệu tích cực từ hoạt động M&A lĩnh vực công nghệ là rất đáng mừng, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn dồi dào từ các quỹ đầu tư nước ngoài lớn. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên đấu trường quốc tế.

Đặt an toàn dữ liệu lên hàng đầu

Thực tế, đi cùng với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và sự chủ động gia nhập thị trường quốc tế của Việt Nam, hoạt động M&A là trong những phương pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp trên sân chơi toàn cầu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp công nghệ.

Thế nhưng "chúng ta ươm mầm doanh nghiệp khởi nghiệp thì mong muốn là bán được, quan trọng là bán cho ai và bán rồi có mang lại hậu quả gì không?", ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin truyền thông) đặt vấn đề.

Bởi lẽ, theo ông Đường, dữ liệu không sẵn có mà dữ liệu sinh ra từ các ứng dụng, càng sử dụng ứng dụng nhiều càng có nhiều dữ liệu. Chủ quyền dữ liệu là vấn đề rất quan trọng. Vì vậy, khi bán cũng cần đặt vấn đề ai mua, mua để làm gì? Ai là người mua vì lợi nhuận và thúc đẩy phát triển, ai mua với ý đồ xấu?...

Bên cạnh đó, ông Đường cũng hé lộ, hiện nay có tình trạng, nhiều nhà đầu tư thay vì đầu tư một giấy phép thì để doanh nghiệp Việt mua giấy phép xong rồi họ mua lại doanh nghiệp đó, không cần qua khâu xin giấy phép.

Do vậy, ông Đường cho rằng rất cần lưu ý để việc nước ngoài mua bán, sáp nhập, thôn tính các lĩnh vực ảnh hưởng chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Hiện nay, Bộ Thông tin truyền thông đang xây dựng Luật Công nghiệp, công nghệ. Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin cho hay, dự kiến luật này sẽ trình Quốc hội năm 2025, trong đó có các quy định dữ liệu về năng lực đất đai, bí mật kinh doanh...

Trong bối cảnh, Việt Nam vẫn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, làm thế nào để các doanh nghiệp này tiếp cận được với nguồn vốn khổng lồ từ nhà đầu tư trong nước và quốc tế là bài toán không dễ giải.

"Cần quy định để người Việt Nam kinh doanh và kiếm lời trên tài sản số, thay vì những tài sản này nằm trong tay các ông lớn quốc tế", ông Tuyên nói.