Thành công ngành nhân sự: Người chọn nghề hay nghề chọn người?

Đặng Hoa - 08:46, 26/04/2019

TheLEADERNghề nhân sự không tạo ra doanh thu, lợi nhuận ngay lập tức nhưng là kết quả của quá trình tương tác lâu dài. Sự thành công của nghề sẽ được đánh giá bởi chính khách hàng bao gồm người được cung cấp dịch vụ nhân sự và cả ứng viên.

Thành công ngành nhân sự: Người chọn nghề hay nghề chọn người?
Chị Lê Hằng, Giám đốc Tuyển dụng iHR Solution

Năm 2017, VPBank thành lập mảng ngân hàng số, một xu hướng của thị trường lúc bấy giờ. Chị Lê Hằng là chuyên gia tuyển dụng của ngân hàng này lúc đó được cử phụ trách bộ phận tuyển dụng để hỗ trợ dự án, trong đó có việc thành lập ngân hàng số độc lập YOLO.

Chị Hằng chia sẻ, chị bắt đầu dự án này với rất nhiều khó khăn, chính xác là từ con số 0 khi nhân sự chỉ có vỏn vẹn bốn chuyên gia lần đầu tiên đến Việt Nam.

Do đây là một mảng mới của nhà băng này, và cũng là một lĩnh vực hoàn toàn mới ở Việt Nam nên chị Hằng không biết mình phải bắt đầu từ đâu, tìm ứng viên ở chỗ nào và chọn những người như thế nào cho phù hợp. Vì không có mô hình sẵn có trên thị trường nên chị cũng mơ hồ về những điều sẽ nói khi gặp ứng viên, mô tả công việc ra sao dù đã có hàng chục năm kinh nghiệm tuyển dụng.

Lúc này, chị quyết định dành thời gian tìm hiểu mô hình ngân hàng số trên thế giới, đọc hết tài liệu về xu hướng ngân hàng số, xem cơ cấu tổ chức, vận hành, quy trình của nó và sau đó đối chiếu với thị trường Việt Nam.

Vì ở Việt Nam không có sẵn mô hình này nên chị tìm đến các tổ chức tương tự về công nghệ tài chính (fintech) đã có sẵn trên thị trường. Lúc này, chị lần mò và bắt đầu tuyển dụng, hình thành nên cơ cấu nhân sự cho dự án mới.

“Tôi xác định khi tuyển dụng mới, phải đi theo từng giai đoạn một và sẽ phải điều chỉnh dần, nghĩa là yêu cầu tuyển dụng cần linh động, thay đổi hàng ngày”, chị Lê Hằng chia sẻ.

Chỉ sau 3-4 tháng, đội ngũ nhân viên cốt lõi chịu trách nhiệm về sản phẩm được hình thành. Chị Hằng cho biết, ông Shameek Bhargava được mời từ Ấn Độ sang Việt Nam làm Giám đốc YOLO lúc đó đã phải khẳng định rằng chưa bao giờ làm việc với đội ngũ nhân sự nào chuyên nghiệp, nhanh và hiệu quả như vậy.

Là Giám đốc tuyển dụng tại iHR Solution, nguyên là chuyên gia tuyển dụng tại nhiều ngân hàng và tổ chức nhân sự lớn như VPBank, Techcombank, Manpower, Le&Associates, chị Hằng nhận định, trong quá trình làm nghề nhân sự, thành công sẽ được ghi nhận từ khách hàng bao gồm những người nhận dịch vụ nhân sự và cả ứng viên.

Chị cho rằng cái duyên chỉ là khởi đầu, là cơ hội trong những yếu tố cần có để thành công bên cạnh tinh thần không ngừng học hỏi, dấn thân và tin tưởng vào mục tiêu phía trước. 

Chị Hằng nhấn mạnh thái độ và tâm thế với nghề bởi như chị Trần Thu Hồng, CEO-Tư vấn trưởng HSM đã nói “thái độ và tâm thế không phù hợp thì dạy kiểu gì cũng không được. Nghề nhân sự không tạo ra doanh thu lợi nhuận ngay mà nó là kết quả của quá trình tương tác lâu dài”.

Thành công ngành nhân sự: Người chọn nghề hay nghề chọn người?
Chị Lê Hằng chia sẻ tại talkshow "Thành công với nghề nhân sự" do HSM tổ chức

Xuất phát điểm là cử nhân kinh tế, chị Hằng không hề được đào tạo bài bản về ngành nhân sự. Tốt nghiệp và được nhận vào làm tại một ngân hàng nước ngoài đối với chị là một công việc đáng mơ ước và chị từng nghĩ sẽ không bao giờ rời bỏ lựa chọn này vì đó là mục tiêu từ khi còn học đại học.

Năm 2008, một đồng nghiệp chuyển nghề, vào làm tại tập đoàn tuyển dụng Manpower. Lúc này, thay vì trao đổi các vấn đề về chuyên môn tài chính - ngân hàng thì những câu chuyện giữa hai người lại xoay quanh vấn đề nhân sự, làm thế nào để tuyển người rồi tham vấn, giới thiệu ứng viên.

Sau hai năm, chị hiểu rõ về nghề nhân sự và quyết định chuyển nghề sau khi được một người bạn mở lời gợi ý mà không hề cân đo, đong đếm thiệt hơn. “Tôi đã bắt đầu với nghề như thế”, chị Hằng chia sẻ.

Chân ướt chân ráo bước vào nghề, chị phải đối diện với rất nhiều khó khăn từ việc không có kỹ năng, không có hệ thống đánh giá ứng viên. Chị không xác định được sẽ phải tìm kiếm dữ liệu ứng viên từ đâu mà chỉ biết tận dụng các mối quan hệ cá nhân sẵn có. Mạng xã hội ở Việt Nam lúc đó còn kém, linkedIn chưa được dùng nhiều.

Làm nhân sự muốn làm tốt, đặc biệt đối với các chuyên gia “săn đầu người (headhunter) thì phải có một phổ kiến thức trải rộng ở tất cả các ngành nghề và vị trí trong khi chị chỉ có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng.

Trạng thái cảm xúc lúc bấy giờ được mô tả bằng hai chữ “hoang mang” khi chị đứng trước hai lựa chọn là đầu hàng và quay về làm ở ngân hàng nơi sếp cũ đang dang tay đón chào, hay là tiếp tục với nghề nhân sự.

“Đồng nghiệp của tôi từ nhiều lĩnh vực nhanh chóng bỏ cuộc vì thử thách nằm ngoài vùng an toàn của họ. Nhưng tôi xác định thử thách là thú vị và sẽ mang lại đất diễn cho mình”, chị Hằng chia sẻ.

Vì không được đào tạo bài bản trước đó nên chị tham gia các khoá học, nhận sự chỉ dẫn của hệ thống đào tạo. Dù vậy, chị cho rằng phương pháp chỉ là lý thuyết, quan trọng nhất vẫn là thực hành để tạo kỹ năng. 

Chẳng hạn để có kỹ năng phỏng vấn thì phải ‘lôi ứng viên đến phỏng vấn thật nhiều’, muốn có mạng lưới quan hệ lớn thì phải lao ra ngoài tham gia các hội, nhóm; đồng thời kết hợp hình thành nên mạng lưới ứng viên.

Chị Hằng nhận định, để nắm bắt được các vị trí, ngành nghề trong xã hội, phải hiểu được công việc họ đang làm, công ty gì, hệ thống như thế nào, liên kết các phòng ban ra sao và đặt trong sự so sánh với các công ty khác trên thị trường.

“Muốn làm được điều đó phải không ngừng học hỏi. Sau quá trình 15 năm làm tuyển dụng từ headhunt sang nội bộ tại những tổ chức quy mô lên tới hàng chục ngàn người, từ vị trí trung, cao cấp hoặc thành lập bộ phận mới, tôi tự hào vì đã chứng minh được nguyên tắc sống là không bao giờ ngại những thử thách mới”, chuyên gia nhân sự đến từ iHR Solution chia sẻ.