Thanh long, dưa hấu thành ‘gót chân Asin’ của xuất khẩu nông sản trong đại dịch Corona
Nhật Hạ
Thứ ba, 04/02/2020 - 11:49
Nông sản, đặc biệt thanh long và dưa hấu, sẽ là ngành chịu thiệt hại nặng nhất do sự bùng phát của dịch Corona và thậm chí mức ảnh hưởng kéo dài 6 – 8 tháng, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ nay đến hết rằm tháng Giêng âm lịch, tỉnh Long An có khoảng 21.600 tấn thanh long được thu hoạch. Đợt tiếp theo từ ngày 8 - 28/2 thu hoạch khoảng 54.000 tấn. Đầu tháng 3, tại Tiền Giang khoảng 10.000 tấn, Bình Thuận khoảng 100.000 tấn…
Còn dưa hấu, tỉnh Long An dự kiến thu hoạch đến rằm tháng Giêng 21.600 tấn và đến hết tháng 2 khoảng 54.000 tấn. Tỉnh Tiền Giang, Bình Thuận khoảng 110.000 tấn. Hầu hết các sản phẩm trái cây như thanh long, dưa hấu đều được xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến.
Với một lượng lớn trái cây chờ tiêu thụ từ các tỉnh đổ về nhằm phục vụ thị trường Trung Quốc trong và sau dịp cao điểm Tết Nguyên đán, các cửa khẩu đang diễn ra hiện tượng ách tắc, dư cung cục bộ do hạn chế giao dịch tại các cặp cửa khẩu, chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam và lịch nghỉ Tết Nguyên đán của Trung Quốc kéo dài đến 9/2 cùng các biện pháp đảm bảo công tác phòng chống dịch do virus Corona gây ra được triển khai từ cả hai phía.
Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai, đến ngày 2/2 có 307 xe hàng nông sản và 2.000 tấn mặt hàng tinh bột sắn đã tập kết tại khu vực cửa khẩu chờ xuất khẩu (Quảng Ninh: 2.000 tấn mặt hàng tinh bột sắn; Lạng Sơn: 167 xe hàng nông sản, thanh long là chính; Lào Cai: 140 xe hàng nông sản, chủ yếu là thanh long, 10 xe dưa hấu). Hiện một số chủ xe đã quay về tiêu thụ tại Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn…
Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị ‘Thúc đẩy đầu tư thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch virus corona" vào chiều ngày 3/2.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết dịch viêm phổi do virus corona tác động đến tất cả các ngành kinh tế, nhưng nông sản sẽ là ngành chịu thiệt hại nặng nhất và thậm chí mức ảnh hưởng kéo dài 6 – 8 tháng.
Bởi Trung Quốc là thị trường lớn của nông sản Việt Nam, chiếm 22 - 24% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam; trong đó, nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn như rau quả.
Ngoài ra, tất cả những nội dung thương thảo về thương mại nông sản vừa qua với Trung Quốc về các mặt hàng như sầu riêng, yến, khoai lang… đã gần đến hồi kết sẽ bị tạm dừng lại.
Đối với các sản phẩm từ chăn nuôi được xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm sữa Việt Nam mới được phép xuất khẩu chính ngạch từ tháng 10/2019, việc xuất khẩu sẽ gặp khó khăn khi thông thương nội địa và quốc tế của Trung Quốc bị đình trệ do tác động của dịch virus Corona.
Đối với xuất khẩu thủy sản, trong quý 1/2020, do Trung Quốc đã thông báo tạm dừng khiến cho việc xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn về thời điểm giao hàng. Nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9/2/2020 hoặc cho đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc.
Trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, “hiện 'gót chân Asin' của xuất khẩu nông sản chính là rau quả, mà lõi là thanh long, có thế tới đây là dưa hấu. Để ứng phó được cần sự đồng hành, quyết tâm của khu vực nhà nước, Chính phủ, doanh nghiệp, người dân. Các tỉnh, hiệp hội rà soát các ngành hàng. Như ở Long An, nông dân không kích thích ra hoa trái vụ thanh long. 150 cơ sở trên địa bàn với hơn 100 cơ sở có kho đông lạnh phải cân đối, tập trung dự trữ trong các kho lạnh, tăng chế biến và đưa ra các giải pháp để tiêu thụ ổn định chừng 30.000 tấn/tháng”.
Cùng với đó, các doanh nghiệp bán lẻ như Hapro, Big C… cần vào cuộc tích cực, khi mặt hàng thanh long dễ tổn thương, chưa đi qua biên giới được thì hết sức chú ý thị trường trong nước. Riêng nhóm dưa hấu, Bộ trưởng chỉ đạo bà con nông dân và các địa phương hạn chế xuống giống, chuyển qua các cây trồng khác như: đậu tương, ngô, rau…
Trước tình hình này, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và các cục chuyên ngành đã chủ động phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới đẩy mạnh công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách ngay từ đầu năm 2020, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường như tại thị trường Trung Đông, Hoa Kỳ, Brazil, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc.
Nếu bùng phát dịch kéo dài nhiều tháng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ phối hợp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các đơn vị ngành Công thương các địa phương đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; ưu tiên thị trường nội địa; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản.
Tập trung chỉ đạo phối hợp với các địa phương, nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 11 của Trung Quốc.
Trong đó, Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam với bình quân chiếm khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các sản phẩm nông thủy sản chủ lực xuất sang Trung Quốc gồm rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, thủy sản.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc năm 2019 đạt gần 8,5 tỷ USD. Trong đó rau quả hơn 2,4 tỷ USD.
Sự bùng phát của virus Corona ở Trung Quốc đã gây ra cú sốc lớn đối với ngành du lịch toàn cầu và dự kiến sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh khách sạn trong thời gian tới.
Dù không mong muốn, và dù đi kèm với rất nhiều những thiệt hại, cũng nên thấy rằng đại dịch này cũng là một thời cơ cực tốt để “mượn dịch” bẻ 2 trong số 3 bất cập lớn nhất của các doanh nghiệp và của nền kinh tế Việt Nam hiện tại là “ý thức người lao động” và “năng lực tổ chức điều hành”.
"Các doanh nghiệp công nghệ cần coi đây là thách thức, đồng thời là trách nhiệm của mình đối với xã hội, khẩn trương vào cuộc, đưa ra những giải pháp, ứng dụng công nghệ số sáng tạo vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Quản trị số sẽ không chỉ là một công cụ hỗ trợ, mà còn là "linh hồn" của nền kinh tế số Việt Nam, giúp đất nước chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh mới.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.