Tháo gỡ vướng mắc cho lao động nước ngoài nhập cảnh vào TP. HCM

An Hạ - 15:14, 28/11/2020

TheLEADERHội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố vừa được tổ chức nhằm giải đáp các vướng mắc, tháo gỡ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến các chính sách về lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp.

Những vướng mắc trong việc đưa lao động nước ngoài vào làm việc trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp là một trong những tâm điểm của hội nghị “Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP. HCM tổ chức mới đây.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội cho biết, TP. HCM đã xét 26 đợt với hơn 13.000 hồ sơ đề nghị cho nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp người nước ngoài nhập cảnh vào thành phố.

Việc mời chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam liên quan đến nhiều vấn đề như cam kết xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh, cam kết có bảo hiểm y tế quốc tế, cam kết trả chi phí cách ly...

Mặc dù văn bản hướng dẫn thủ tục cấp phép cho chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại thành phố đã được đăng tải công khai trên website của sở, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn làm sai. Một số doanh nghiệp đang sử dụng giấy ủy quyền cũ, thông tin không cụ thể và rõ ràng, không có nội dung ký ủy quyền giấy mời chuyên gia vào làm việc.

Theo quy định, giấy đề nghị mời chuyên gia vào làm việc yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp, cấp phó hoặc các chức danh lãnh đạo được ủy quyền ký. Trường hợp người không có trách nhiệm hoặc không được ủy quyền ký giấy, nếu các nhân sự đó nghỉ việc thì khó giải quyết nghĩa vụ phát sinh.

Doanh nghiệp cũng cần lưu ý chỉ gửi hồ sơ một lần cho mỗi đợt xét và liệt kê đầy đủ danh sách các chuyên gia để tiết kiệm thời gian và giúp cơ quan chức năng xử lý nhanh chóng, dễ dàng hơn.

Đặc biệt, nhiều trường hợp doanh nghiệp mời được chuyên gia nước ngoài vào làm việc nhưng không thỏa thuận công việc và cam kết rõ ràng, dẫn đến tình trạng chuyên gia chuyển qua làm việc cho công ty khác.

Theo đó, Sở Lao động, Thương binh và xã hội sẽ gửi tờ trình tới UBND thành phố cho phép hậu kiểm 13.000 hồ sơ của khoảng 3.600 doanh nghiệp, trong đó chỉ có 1.300 trường hợp có giấy phép.

Bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động cho biết, Sở Lao động, thương binh và xã hội sẽ là cơ quan thường trực trong việc tiếp nhận, xét duyệt ban đầu hồ sơ hỗ trợ nhập cảnh của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu mời chuyên gia vào làm việc cần có văn bản đề nghị kèm theo danh sách chuyên gia gửi sở. Sau khi được UBND thành phố chấp thuận hỗ trợ, doanh nghiệp liên hệ với Cục quản lý xuất nhập cảnh, Sở y tế để thực hiện nội dung liên quan đến cấp thị thực và phương án cách ly sau khi nhập cảnh.

Ông Lâm cũng cho biết thêm, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, do đó, các trường hợp người nước ngoài đã nhập cảnh vào thành phố, sau khi về nước muốn nhập cảnh trở lại phải xin visa nhập cảnh lần hai. Đối với thân nhân của chuyên gia được nhập cảnh, phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ, giấy tờ phải dịch qua tiếng Việt và hợp pháp hóa lãnh sự.

Trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài muốn trở về nước thì cần liên hệ cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước sở tại để được hỗ trợ.