Thấy gì từ động thái giảm lãi suất của ngân hàng

Trần Anh - 13:56, 07/03/2023

TheLEADERCác phân tích của VDSC cho rằng thanh khoản dư thừa trong hệ thống đã giúp đảo chiều cuộc đua lãi suất ở các ngân hàng thương mại và xu hướng giảm lãi suất bắt đầu diễn ra trên diện rộng.

Thống kê mới đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thấy đến cuối tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất trên thị trường đã ổn định và có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,43%/năm (so với cuối năm 2022). Tổng cộng đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân. Việc các ngân hàng đồng thuận giúp mặt bằng lãi suất hạ nhiệt. 

Trong báo cáo về thị trường tiền tệ, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, tính từ đầu tháng 2 đến 24/02/2023, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng khoảng hơn 189 nghìn tỷ đồng trên thị trường mở. 

Đây là quy mô rút ròng lớn nhất theo tháng kể từ khi NHNN kích hoạt lại kênh bơm/hút vốn trên thị trường mở từ tháng 06/2022. Lượng tiền hút ròng qua thị trường mở trong tháng qua cũng cao hơn nhiều so với lượng bơm ròng khoảng 122 nghìn tỷ đồng trong tháng đầu năm.

Đáng chú ý, trong những tuần gần đây, NHNN đã sử dụng tín phiếu có kỳ hạn 91 ngày (tương đương 3 tháng) để hút thanh khoản dài hạn, với quy mô đến nay lên tới gần 74.000 tỷ đồng bên cạnh tín phiếu 7 ngày.

Việc phát hành thêm tín phiếu 91 ngày cho thấy định hướng "nhốt" tiền lâu hơn của cơ quan quản lý tiền tệ. Ngoài ra, lãi suất trúng thấu tín phiếu cũng tăng từ mức 5 – 5,6%/năm lên 6% cho thấy sự quyết liệt trong hoạt động hút thanh khoản của nhà điều hành.

VDSC cho rằng thanh khoản dư thừa trong hệ thống đã giúp đảo chiều cuộc đua lãi suất và xu hướng giảm lãi suất huy động diễn ra trên diện rộng.

Ngoài ra, diễn biến lãi suất trên thị trường vừa qua cũng gắn với nhu cầu tín dụng còn thấp. Trong hai tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội và TP.HCM ước tăng lần lượt 2,0% và 0,4% so với đầu năm, thấp hơn đáng kể so với mức tăng của cùng kỳ năm trước. 

Với quy mô tín dụng ở hai thành phố lớn này chiếm hơn 50% tổng quy mô tín dụng nền kinh tế, VDSC ước tính tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 02/2023 đạt khoảng 1,1%, thấp hơn mức tăng 2,7% của cùng kỳ năm 2022.

Báo cáo của VDSC đánh giá, thanh khoản hệ thống đang “thừa nhiều hơn thiếu”, một phần nguyên nhân đến từ cầu tín dụng thấp và áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp chưa mạnh trong những tháng đầu năm. 

Ngoài ra, việc điều hành cung tiền của NHNN vẫn có sự nhất quán giống giai đoạn tháng 6-9/2022, kiểm soát vùng biến động lãi suất trên thị trường liên ngân hàng để phù hợp với mục tiêu ổn định lãi suất và tỷ giá.

Công ty Chứng khoán VnDirect cũng dự báo xu hướng giảm của lãi suất huy động này có thể tiếp tục trong vài tháng tới do những yếu tố chính như: một lượng lớn tiền gửi đã quay lại hệ thống ngân hàng trong quý IV/2022; chỉ đạo của chính phủ/NHNN trong việc giảm lãi suất huy động/cho vay; chính phủ đẩy mạnh đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế; thay đổi về cách tính tỷ lệ LDR có lợi cho các ngân hàng quốc doanh.

Nhóm phân tích kỳ vọng lãi suất huy động sẽ đạt đỉnh trong quý I và sau đó giảm dần kể từ quý II khi FED ngừng tăng lãi suất điều hành. Theo đó áp lực lên tỷ giá VND có thể hạ nhiệt đáng kể trong nửa sau của năm 2023. NHNN tích cực hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua các kênh thị trường mở, mua dự trữ ngoại hối.

Đồng thời nhu cầu tín dụng chậm lại trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm.

Theo VNDirect, lãi suất huy động có thể giảm nhẹ trong năm nay. Các chuyên gia phân tích kỳ vọng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng sẽ giảm dần về mức 6,7% và 7,5% vào cuối năm 2023.

Tuy nhiên khó có thể giảm mạnh khi NHNN khả năng cao sẽ phải giữ nguyên lãi suất điều hành do áp lực tỷ giá và lạm phát vẫn hiện hữu, tăng trưởng tín dụng cả năm được định hướng ở mức cao 14% đòi hỏi các ngân hàng sẽ phải cân đối nguồn vốn.