Thiếu vốn vay, doanh nghiệp thủy sản phải hoạt động cầm chừng

Phương Anh - 08:54, 10/11/2022

TheLEADERVASEP kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp xem xét, có giải pháp nâng mức tín dụng cho ngành thủy sản nói chung, và xuất khẩu thủy sản nói riêng.

Trong công văn gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn mới đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết ngay khi bước vào quý IV/2022, các doanh nghiệp thủy sản phải đối mặt với một số thách thức có tác động lớn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh thủy sản từ quý cuối năm 2022 và năm 2023.

Đáng chú ý là vấn đề cắt, giảm hạn mức tín dụng cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM).

VASEP cho biết, từ giữa năm 2022 đến nay và đặc biệt trong thời điểm hiện tại, nhiều chi nhánh của các NHTM tại các địa phương đã cắt giảm mạnh tín dụng với các doanh nghiệp thủy sản, mặc dù hạn mức tín dụng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ giải ngân được 60 – 80%.

Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lớn có nhu cầu vốn nhiều không đủ tiền để thu mua nguyên liệu thủy sản, vật tư cho sản xuất.

Theo đó, doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng đến tăng trưởng và xuất khẩu của ngành. Thậm chí, có doanh nghiệp đang triển khai các dự án sản xuất thủy sản đã phải ngừng thi công.

Các doanh nghiệp vẫn nhận thức rằng trong hoàn cảnh hiện nay, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng là trên cân đối chung nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản trong năm 2022 có sự tăng trưởng mạnh một cách bất ngờ ở giai đoạn đầu năm, nên doanh nghiệp khó tự cân đối nguồn vốn tăng, nếu không có sự điều chỉnh tăng nguồn tín dụng từ ngân hàng, giúp các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, duy trì tốc độ tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu.

Theo đó, VASEP kiến nghị Chính Phủ, Bộ Nông nghiệp xem xét và có giải pháp nâng mức tín dụng cho ngành nói chung, và xuất khẩu thủy sản nói riêng.

“Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo với các NHTM, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thủy sản tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn vay bình thường trong giai đoạn mà xuất khẩu thủy sản đang trên đà phục hồi và tăng trưởng như hiện nay, và năm tới 2023”, VASEP đề xuất.

Hiệp hội này cũng kiến nghị Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ để bình ổn giá các loại vật tư đầu vào cho nuôi thủy sản, đặc biệt là giá thức ăn, con giống nuôi thủy sản, giá năng lượng cho khai thác. Cùng với đó, điều chỉnh tỷ giá đồng USD linh hoạt phù hợp, có lợi hơn đối với xuất khẩu, cũng như giảm chi phí logistic trong nước.

Ngoài vấn đề tiếp cận vốn, VASEP cho biết các doanh nghiệp còn phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, thách thức cho việc đảm bảo năng lực sản xuất, cung ứng hàng hóa cho thế giới.

Cụ thể, hiện nay, tại các tỉnh sản xuất thủy sản tập trung, tình trạng thiếu lao động làm việc trong các nhà máy cũng là một quan ngại với cộng đồng doanh nghiệp. Việc này gây sức ép lớn đến các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tiến độ, cam kết giao hàng, và khó khăn để gia tăng công suất.

Liên quan đến vấn đề này, VASEP khuyến nghị các doanh nghiệp cần được cho quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, gia tăng phúc lợi xã hội, quy hoạch khu công nghiệp – đô thị cần xem xét đến vấn đề nhà ở công nhân và hạ tầng xã hội gắn liền với khu công nghiệp.

Cùng với đó, xem xét có khung pháp lý cho doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài (nhập khẩu) trong những điều kiện cần thiết.

Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống giao thông nông thôn nhanh hơn, vừa phục vụ cho nông nghiệp, vừa giúp lao động nông thôn đến các nhà máy làm hàng ngày.

VASEP phân tích và cho biết thêm phần lớn doanh nghiệp nông – thủy sản còn ảnh hưởng cao của tính mùa vụ, và người nông dân cũng ảnh hưởng thời vụ, nên Bộ Luật Lao động cần xem xét cho phép lao động các ngành này làm bán thời gian nhiều hơn, để vừa giải quyết tốt lao động thời vụ của các doanh nghiệp, vừa giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho nông dân.