Phát triển bền vững
Thu gom, tái chế vỏ đồ uống: Góc nhìn của người trong cuộc
Theo các đơn vị thu gom và tái chế rác thải, thách thức lớn nhất vẫn nằm ở ý thức của người tiêu dùng.
Vào những năm 1950, tập đoàn bao bì Tetra Pak đã phát minh ra hộp giấy đựng đồ uống, tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp thực phẩm. Từ đó cho đến nay, nhiều sản phẩm đồ uống, đặc biệt là sữa đều được đóng trong những hộp giấy tiệt trùng.
Cấu tạo hộp giấy của Tetra Pak khá phức tạp, với 6 lớp, có các thành phần chủ yếu bao gồm 75% bột giấy, 25% nhôm và polyester nhưng lại có tiềm năng tái chế rất cao.
Các chuyên gia môi trường cho biết, hộp giấy đựng đồ uống có khả năng tái chế với tỷ lệ 100% thành các sản phẩm hữu ích với chất lượng tốt. Tuy nhiên, nếu không được thu gom và tái chế, các hộp giấy này lại trở thành mối hiểm họa cho môi trường khi chứa nhiều thành phần không thể phân hủy tự nhiên.
Hộp giấy đựng đồ uống được cung ứng và sử dụng rộng rãi bởi các thành viên của Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), bao gồm Tetra Pak, TH Truemilk, FrieslandCampina, Nesle… Hướng tới mục tiêu tái chế 100% bao bì, PRO Việt Nam đã phối hợp cùng một số doanh nghiệp, tổ chức chuyên môn nhằm xây dựng kế hoạch phân loại, thu gom và tái chế hộp giấy đựng đồ uống.
Tại Hội nghị Tổng kết một năm hoạt động của PRO Việt Nam, các nhà tái chế đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh về lĩnh vực tái chế bao bì nói riêng và tái chế hộp giấy đựng đồ uống nói chung tại Việt Nam.
Ông Hoàng Trung Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), Tổng giám đốc Công ty giấy Đồng Tiến cho biết, tái chế hộp giấy không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn tiết kiệm được nguồn tài nguyên và chi phí sản xuất.
Tái chế hộp giấy: dễ mà khó
Tuy có tiềm năng kinh tế và ý nghĩa thiết thực cho môi trường nhưng các doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn tỏ ra e dè khi gia nhập lĩnh vực sản xuất kinh doanh tái chế hộp giấy đựng đồ uống.
Lý giải về việc này, ông Sơn cho biết, thực tế lĩnh vực tái chế hộp giấy vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề khó khăn chưa thể tháo gỡ.
Theo ông Sơn, khó khăn đầu tiên và quan trọng nhất phải kể đến ý thức của người tiêu dùng – nơi rác thải bắt đầu phát sinh. Phó chủ tịch VPPA nhấn mạnh, không chỉ đảm bảo việc phân loại rác khi vứt bỏ, người tiêu dùng nên xử lý sơ bộ (gấp, rửa sơ, ép phẳng) bao bì giấy để việc thu gom và tái chế được tiến hành thuận lợi.
Bên cạnh đó, do bản chất là rác thải từ sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, công tác thu gom hộp giấy đựng đồ uống cũng tiêu tốn rất nhiều chi phí khi phải thu gom liên tục với số lượng nhỏ. Hộp giấy sau khi được thu thập về cũng rất cồng kềnh, gây cản trở quá trình vận chuyển.
Ở các trạm thu gom, xử lý, hiện tượng phân hủy của sữa, nước ngọt còn sót lại trong vỏ hộp gây ra mùi hôi khó chịu, khiến doanh nghiệp phải chi thêm tiền để giải quyết.
Ngoài ra, với bãi tập kết phế liệu, công ty thu gom rác thải không sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp vì nhiều lý do: khó khăn trong việc phân loại, đã có khách hàng đặt mua…
Gồng gánh nhiều chi phí nhưng lượng giấy hộp thu gom về không đủ để tạo ra lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp và đơn vị tái chế, đặc biệt là quy mô nhỏ đã phải từ bỏ cuộc chơi.
Trong tình hình đó, đại diện VPPA cũng cho biết, các chính sách của nhà nước về vấn đề thu gom, tái chế chưa thực sự đi vào thực tế, chưa có sự hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp tái chế, bên cạnh đó lại siết chặt những quy định bảo vệ môi trường.
Cơ hội cho tái chế hộp giấy đựng đồ uống
Đứng trước những thách thức đặt ra cho tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống, ông Sơn vẫn bày tỏ một thái độ hết sức lạc quan cho lĩnh vực này trong tương lai.
Theo Tổng giám đốc của đơn vị tái chế giấy Đồng Tiến, phát minh của Tetra Pak vẫn là sự lựa chọn tối ưu của ngành bao bì F&B, bởi những tiện ích khó có thể thay thế được. Điều này giúp lượng rác cung ứng cho hoạt động tái chế được đảm bảo tăng trưởng không ngừng.
Bên cạnh đó, vỏ hộp giấy đựng đồ uống là nguồn nguyên liệu có giá trị cao, nếu được xử lý đúng cách sẽ đem lại nguồn lợi nhuận rất lớn cho doanh nghiệp.
Ông Sơn đánh giá cao những nỗ lực của PRO Việt Nam và Tetra Pak Việt Nam trong việc cam kết thúc đẩy quá trình tái chế bao bì. Không chỉ đóng vai trò truyền thông thay đổi hành vi của người tiêu dùng, sự tham gia của nhà sản xuất còn góp phần đưa ra nhiều giải pháp về công nghệ và kỹ thuật để quá trình tái chế được diễn ra triệt để và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, các đơn vị tái chế cũng bày tỏ hy vọng rằng những cam kết, hành động của chính quyền các cấp cùng nhiều bộ, ban ngành liên quan sẽ đem lại những kết quả khả quan, nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động tái chế ở Việt Nam hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Tái chế bao bì: Vẹn toàn lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường
Đón làn sóng đầu tư mới giá trị gia tăng cao
Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ làn sóng đầu tư mới giá trị cao, đánh dấu sự phát triển trở thành một trung tâm sản xuất, logistics và kỹ thuật số của khu vực.
Mảng nông nghiệp tái tạo của Mekong Capital thăng hoa
Startup nông nghiệp tái tạo Husk dù mới về tay Mekong Capital chưa lâu, nhưng đã ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực và trở thành điểm sáng của năm 2024.
Doanh nghiệp TP. HCM lo ngại tiền thuê đất tăng cao
Nhiều doanh nghiệp sẽ phải trả thêm chi phí vì tiền thuê đất tăng theo bảng giá đất mới điều chỉnh của TP.HCM.
Chạy nước rút giải ngân hơn 300.000 tỷ đồng vốn đầu tư công
Thời gian giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 không còn nhiều, nhưng vẫn còn đến hơn 47% lượng vốn chưa được giải ngân.
Thương mại Việt Nam - Trung Quốc: Lịch sử, cơ hội và thách thức
Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam bắt đầu và liên tục từ 20 năm nay. Cơ hội đang nhiều hơn, song thách thức cũng lớn hơn.
Ai được lợi từ giá bất động sản tăng cao?
Giá bất động sản tăng cao, thiếu tính ổn định gây bất lợi cho cả người mua nhà lẫn chủ đầu tư, không ai được lợi.
Chuyện 'xóa mù' quản trị dữ liệu tại Dược phẩm Vĩnh Phúc
Hệ thống quản trị dữ liệu tại Dược phẩm Vĩnh Phúc có thể được xem là nguồn cảm hứng, hình mẫu cho hoạt động chuyển đổi số tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.