Thu phí rác thải theo khối lượng liệu có khả thi?

Sơn Phạm - 10:25, 07/07/2020

TheLEADERHình thức thu phí rác thải theo khối lượng có thể là phương án tối ưu để giải quyết gốc rễ vấn đề của sự ô nhiễm là ý thức của người tiêu dùng.

Trong bài phát biểu Đề xuất khung pháp lý Trách nhiệm của nhà sản xuất trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào ngày 25/6, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra giải pháp thu phí rác thải dựa theo khối lượng nhằm hạn chế và phân loại rác thải ngay từ nguồn.

Thu phí rác thải theo khối lượng liệu có khả thi?
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Hội thảo "Khung Trách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất: Định hình ngành bao bì Việt Nam hướng tới Kinh tế tuần hoàn" do Bộ Tài Nguyên và Môi trường phối hợp với Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) tổ chức tại Hội An ngày 25/6/2020.

Phương án trên cũng đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu ra trước đó tại phiên họp Quốc hội vào sáng 11/6. Theo đó, quy định mới trong dự thảo luật sẽ không thu phí vệ sinh môi trường theo bình quân, mà thu theo khối lượng rác thải cụ thể.

Lý giải cho đề xuất này, ông Phan Tuấn Hùng nhấn mạnh nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hướng đến, xóa bỏ yếu tố bất bình đẳng khi thực tế có nhiều hộ gia đình xả thải rất nhiều rác nhưng chỉ phải đóng mức phí bằng với những hộ gia đình khác.

Phương án thực hiện đề xuất này được ông Hùng đưa ra như sau:

Chính quyền địa phương phát hành các loại túi đựng rác thải với kích thước tương ứng cho khối lượng rác tối đa mà túi đựng được, ví dụ như túi loại 1kg, 3kg… Người dân mua túi ở các cửa hàng, siêu thị hay điểm phát hành được chính quyền quy định.

Túi được quy định chỉ sử dụng để đựng những loại rác thải không thể tái chế, còn các rác thải có thể tái chế sẽ được thu gom riêng. Như vậy, chỉ có rác không thể tái chế mới phải chịu phí.

Giá tiền của túi sẽ bao gồm tiền thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, thay thế cho mức phí bảo vệ môi trường hiện nay. Ban đầu, giá túi sẽ được đặt ở mức thấp, sau đó nâng dần lên theo lộ trình tùy thuộc vào điều kiện của mỗi địa phương.

Để thực hiện triệt để, các đơn vị thu gom rác thải được yêu cầu không nhận thu gom những túi rác trái với quy định. Nếu hộ gia đình cố tình xả thải bừa bãi, không sử dụng túi sẽ bị xem xét xử phạt hành chính.

Lợi ích của quy định thu phí theo khối lượng rác

Vụ trưởng Phan Tuấn Hùng khẳng định, quy định thu phí theo khối lượng rác sẽ đảm bảo nguyên tắc cơ bản: “người gây ô nhiễm phải trả tiền” và “người xả thải nhiều phải trả phí cao”.

Để đề xuất trên được thực hiện một cách hiệu quả nhất, các chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị cần tiến hành song song với việc ban hành những quy định phân loại rác thải tại nguồn và hình thức đặt cọc – hoàn trả của nhà sản xuất.

Trong đó, hình thức đặt cọc – hoàn trả (người tiêu dùng “trả lại” rác thải có thể tái chế cho chính nhà sản xuất và nhận lại mức tiền đặt cọc tương ứng) sẽ thực hiện theo nhu cầu của mỗi doanh nghiệp, không phải quy định bắt buộc.

Các chuyên gia cho biết, quy định trên đã được ứng dụng ở nhiều nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản và đem lại hiệu quả hết sức khả quan.

Thu phí rác thải theo khối lượng liệu có khả thi? 1
Thu phí rác thải dựa trên các túi rác theo khối lượng tối đa từ lâu đã được áp dụng ở Hàn Quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng tình, một số chuyên gia cũng cho rằng hình thức thu phí rác thải theo khối lượng chưa hẳn đã phù hợp với Việt Nam, mà nên thu trực tiếp vào sản phẩm.

Trả lời ý kiến trên, ông Phan Tuấn Hùng cho biết, thu phí rác thải như đề xuất mới không chỉ giúp giảm áp lực ngân sách, đảm bảo tính công bằng mà còn góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân, bởi người dân sẽ có động lực làm giảm mức phí phải chịu thông qua việc tích cực phân loại rác thải.

Như vậy, đây cũng không phải là đề xuất chính sách nhằm “tận thu” như một số ý kiến trái chiều xuất hiện trong dư luận gần đây.

Rác thải được phân loại ngay tại nguồn sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện công cụ chính sách Mở rộng Trách nhiệm Nhà sản xuất (EPR), thúc đẩy hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế.

Ông Fausto Tazzi, Phó chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) cho biết, một trong những thách thức lớn nhất của PRO Việt Nam là thiếu nguồn lực để triển khai các hoạt động thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đối với ngành bao bì. Vì vậy, việc người dân có thể tích cực tham gia hơn vào quá trình thu gom, phân loại, tái sử dụng và tái chế sẽ là sự hỗ trợ hết sức quan trọng cho Liên minh.