Tiếp cận mới về vấn nạn rác thải: Người gây ô nhiễm phải trả tiền

Sơn Phạm - 18:46, 01/07/2020

TheLEADERTrách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất đem đến hướng tiếp cận mới nhằm giải quyết triệt để vấn đề rác thải, khi chia sẻ trách nhiệm giải quyết ô nhiễm cho toàn bộ các bên tham gia vào quá trình gây ô nhiễm.

Tại Hội thảo Khung Trách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất: Định hình ngành bao bì Việt Nam hướng tới Kinh tế tuần hoàn vừa được tổ chức tại Hội An, bà Nguyễn Hoàng Phượng – Chuyên gia Tư vấn chính sách và luật pháp của Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên – Môi trường đã đưa ra một vấn đề nhức nhối trong công tác xử lý chất thải tại Việt Nam.

Tiếp cận mới về vấn nạn rác thải: Người gây ô nhiễm phải trả tiền
Bà Nguyễn Hoàng Phượng – Chuyên gia Tư vấn chính sách và luật pháp chia sẻ các góc nhìn về EPR tại Hội thảo.

Theo đó, chi phí xử lý chất thải được lấy từ 2 nguồn, bao gồm phí vệ sinh môi trường của người dân và ngân sách nhà nước. Trong đó, phí của người dân gần như không đáng kể, đặc biệt tại các thành phố lớn, chỉ chiếm 3 - 5%.

Điều này tạo ra một gánh nặng rất lớn tới ngân sách nhà nước, khi công tác xử lý ô nhiễm được chia làm nhiều công đoạn, từ trợ cấp tới đầu tư công nghệ, hình thức kinh doanh và công tác quản lý.

Thiếu hụt về tài chính khiến công tác xử lý chất thải không hiệu quả, môi trường tiếp tục bị ô nhiễm, người gánh chịu hậu quả trực tiếp chính là người dân cũng như các doanh nghiệp.

Cụ thể, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, lượng rác thải rắn không được thu gom, xử lý ở Việt Nam vẫn còn đạt con số khá cao, từ 15% ở thành thị, cho tới khoảng 45 – 60% ở các khu vực nông thôn.

Trách nhiệm giải quyết ô nhiễm thuộc về ai?

Theo quan niệm cũ, trách nhiệm xử lý rác thải được cho rằng thuộc về những ai trực tiếp xả rác, tức là người tiêu dùng. Tuy nhiên, bà Phượng cho biết quan niệm này là hoàn toàn không hợp lý.

Theo bà Phượng, trách nhiệm cần phải được chia sẻ cho tất cả các bên đóng góp vào quá trình xả thải, bao gồm cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp cung ứng, sản xuất, phân phối bán lẻ…

Tiếp cận mới về vấn nạn rác thải: Người gây ô nhiễm phải trả tiền 1
Các công cụ quản lý, xử lý không theo kịp tốc độ gia tăng chất thải, gây ra nhiều hệ lụy đến môi trường.

Các chuyên gia đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đều đồng tình với quan điểm chính sách Mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất (The Extended Producer Responsibility – EPR) sẽ là phương án tối ưu để thực hiện chia sẻ trách nhiệm ô nhiễm cho từng mắt xích trong chuỗi cung ứng.

Giải thích về vai trò của EPR, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tiếp cận từ hướng nhà sản xuất sẽ là phương án tối ưu, vì nhà sản xuất đóng vai trò trung gian giữa nhà cung ứng, nhà phân phối, bán lẻ cho tới khách hàng.

Từ đó, nhà sản xuất đóng vai trò tối quan trọng trong việc truyền tải nội dung chính sách tới tất cả các bên liên quan.

Ông Hùng nhấn mạnh, nguyên tắc áp dụng chính sách EPR là “người gây ô nhiễm phải trả tiền” và “người gây ô nhiễm nhiều phải trả phí nhiều hơn”. Như vậy, để tránh thất thoát tiền bạc, các bên trong chuỗi cung ứng sẽ nỗ lực tăng cường thu gom, tái sử dụng, tái chế, qua đó giảm bớt đáng kể gánh nặng ô nhiễm cũng như bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Bên cạnh đó, nhà sản xuất cũng cần cung cấp đầy đủ thông tin liên quan tới hoạt động tái chế, tái sử dụng lên bao bì cũng như đẩy mạnh công tác truyền thông để thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng.

Về phía nhà sản xuất, ông Fausto Tazzi, Phó Chủ tịch PRO Việt Nam cho rằng, áp dụng EPR là phương án cần thiết và hiệu quả nhất đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, khi huy động được nguồn lực của toàn xã hội trong công tác xử lý chất thải rắn, đặc biệt khi các công cụ xử lý, quản lý ô nhiễm truyền thống không thể nào theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như gia tăng xả thải hàng năm.

Tiếp cận mới về vấn nạn rác thải: Người gây ô nhiễm phải trả tiền 2
Ông Fausto Tazzi, Phó Chủ tịch PRO Việt Nam.

Thực tế, khái niệm EPR đã tồn tại ở Việt Nam 15 năm, nhưng cho đến nay, việc hiểu đúng và áp dụng hiệu quả EPR vẫn còn là một thách thức không hề nhỏ với hầu hết doanh nghiệp.