Thủ tục hành chính công ‘đi lùi’ dù nỗ lực cải cách?

Hoài An - 16:52, 28/04/2020

TheLEADERỞ góc độ người dân, thủ tục hành chính công hầu như không có sự cải thiện và còn nhiều hạn chế, theo báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2019.

Theo báo cáo PAPI 2019: Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân, thủ tục hành chính công là lĩnh vực gần như không thay đổi nhiều năm qua và thậm chí giảm nhẹ trong năm 2019.

“Kết quả ở chỉ số này đáng ngạc nhiên bởi đơn giản hóa thủ tục hành chính trong chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước là điểm nhấn trong nhiều nỗ lực cải cách ở Việt Nam từ năm 1995 tới nay”, báo cáo chia sẻ.

Chỉ có tỉnh Tiền Giang có mức cải thiện đáng kể trong hạng mục này vào năm ngoái với mức tăng trưởng 5,67% điểm, hai tỉnh Khánh Hòa và Quảng Ninh có mức điểm sụt giảm đáng kể. Trong giai đoạn 2011 – 2019, Quảng Ngãi có mức cải thiện lớn nhất. TP.HCM và Hà Nội nằm trong nhóm trung bình và thậm chí, TP.HCM còn sụt giảm về chỉ số này trong khoảng 10 năm qua.

Thủ tục hành chính công ‘đi lùi’ dù nỗ lực cải cách?

Các thành phần của chỉ số thủ tục hành chính công – chỉ số lĩnh vực nội dung đo lường mức độ hài lòng của người dân khi xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xin chứng thực, xác nhận của chính quyền địa phương, xin giấy phép xây dựng và làm thủ tục hành chính ở “bộ phận một cửa” cấp xã/phường – hầu như không có sự cải thiện.

Trong 15 năm qua, Chính phủ đã đưa vào thực hiện nhiều biện pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính trong khu vực công cùng với thực hiện đại trà mô hình “bộ phận một cửa”, nơi công dân và doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục hành chính tại một địa điểm.

Nhóm thứ nhất gồm các doanh nghiệp, đối tượng chính của các thủ tục hành chính như đăng ký kinh doanh, nộp thuế và thuê đất nhằm giảm chi phí kinh doanh. Nhóm thứ hai là người dân, với mục tiêu cải thiện khả năng đáp ứng yêu cầu của người dân và giảm thiểu sách nhiễu, vòi vĩnh.

Kết quả từ PAPI 2019 cho thấy mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận “một cửa”) và việc đơn giản hóa thủ tục hành chính khá hiệu quả dẫn tới mức độ hài lòng của doanh nghiệp lớn hơn, song vẫn còn nhiều hạn chế từ góc nhìn của người dân sử dụng dịch vụ. Theo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phía doanh nghiệp đánh giá các thủ tục hành chính có sự cải thiện đáng kể thời gian qua.

Phân tích sâu kết quả PAPI cho thấy dịch vụ hành chính công phục vụ người dân chưa cải thiện nhiều một phần là do việc triển khai chính quyền điện tử nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho người dân chưa đồng đều.

Khảo sát chỉ ra tỷ lệ người dân tìm hiểu thủ tục chứng thực, xác nhận qua cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương tăng chưa đầy 1% và tỷ lệ công dân tìm hiểu thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất qua cổng thông tin điện tử đã giảm đi 3% trong năm 2019 dù số người dùng Internet tại Việt Nam gia tăng.

Vì vậy, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh thực hiện dịch vụ hành chính công trực tuyến phục vụ người dân nhằm đảm bảo người dân có thể tiếp cận cổng tông tin điện tử thuận tiện, nhanh chóng như khối doanh nghiệp.

Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công được cải thiện nhiều nhất

Trong năm 2019, cải thiện lớn nhất được ghi nhận ở lĩnh vực kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (có tác động lớn nhất đến mức độ hài lòng của người dân) và nâng cao công khai, minh bạch trong ra quyết định. Kết quả này phù hợp với những nỗ lực cải cách thu hút sự quan tâm lớn của công luận với mũi nhọn là chiến dịch phòng chống tham nhũng liên quan tới một số lãnh đạo chủ chốt.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là trọng tâm nỗ lực của Đảng và Chính phủ với nhiều vụ điều tra đại án trong những năm qua. Báo cáo PAPI 2019 cho thấy tác động rõ nét của chiến dịch phòng chống tham nhũng lên cảm nhận của người dân về tham nhũng lớn và tham nhũng vặt.

Lĩnh vực này cải thiện mạnh mẽ nhất trong năm 2019 ở cấp quốc gia và cấp xã phường – với tỷ lệ người dân cho biết tham nhũng giảm ở hai cấp này tăng 5% so với năm 2018. Trong khi nhiệt huyết chống tham nhũng tác động đến cảm nhận, trải nghiệm thực tế của người dân về hiện trạng vòi vĩnh nhận hối lộ ở bệnh viện tuyến huyện và xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cải thiện đáng kể.

Tuy điểm của chỉ số kiểm soát tham nhũng đã cải thiện, cần lưu ý vẫn còn tỷ lệ đáng kể (từ 20 đến 45%) người dân cảm nhận tham nhũng còn phổ biến trong một số dịch vụ công. Điều này cho thấy cần tăng cường nỗ lực kiểm soát tham nhũng trong những năm tới.