Thủ tướng chốt đầu tư công cho toàn tuyến Vành đai 3 TP.HCM

Nhật Hạ - 12:16, 25/01/2022

TheLEADERDự án Vành đai 3 và 4 TP.HCM sẽ được áp dụng cơ chế đặc thù tương tự như các đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông vừa được Quốc hội thông qua.

Tuyến đường Vành đai 3 và Vành đai 4 tại TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời tạo ra không gian phát triển mới.

Trong đó, Vành đai 3 TP.HCM là đường vành đai liên vùng, điểm đầu của các tuyến cao tốc hướng tâm: TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành...

Vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ mới, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo nghiên cứu phương án triển khai đầu tư.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đường Vành đai 3 có tổng chiều dài hơn 91km với tổng mức đầu tư khoảng hơn 83.290 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 47.000 tỷ đồng.

Ở giai đoạn 1, dự án dự kiến làm khoảng 76,36km (chưa đầu tư đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn dài 15,3km trên địa bàn tỉnh Bình Dương) với 4 làn xe cao tốc, 2 làn đường song hành hai bên và giải phóng một lần theo quy hoạch (8 làn xe, 2 đường song hành vỉa hè...).

Theo tính toán, đầu tư đường Vành đai 3 TP.HCM khoảng 910 tỷ đồng/km (bao gồm giải tỏa mặt bằng cho giai đoạn hoàn thiện, xây dựng đường cao tốc, đường song hành...), trong đó chi phí xây dựng khoảng 294 tỷ đồng/km.

Thủ tướng chốt đầu tư công cho toàn tuyến Vành đai 3 TP.HCM
Dự án đầu tư khép kín đường vành đai 3 TP.HCM. Ảnh: Đức Tuân

Còn đường vành đai 4 TP.HCM có chiều dài gần 200km, quy mô 8 làn xe, điểm đầu giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), điểm cuối tại cảng Hiệp Phước (TP.HCM), đi qua 12 huyện của 5 tỉnh, thành phố. Quy hoạch đặt ra tiến trình đầu tư đường vành đai 4 TP.HCM trước năm 2030. Đến nay, Bình Dương đã đầu tư được khoảng 21km bằng ngân sách địa phương.

Với tổng mức đầu tư lớn, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư rất cao, cùng với việc dự án đi qua các đô thị, nên việc đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP gặp nhiều khó khăn và khó khả thi, nhất là đường Vành đai 3.

Trên cơ sở báo cáo của UBND TP.HCM và ý kiến của các bộ, ngành và các địa phương, Thủ tướng thống nhất nhất đầu tư công đối với đường Vành đai 3 để đẩy nhanh tiến độ, trong đó sử dụng kết hợp vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Còn Vành đai 4 sẽ tiếp tục nghiên cứu đánh giá đề xuất tính khả thi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Thủ tướng giao UBND TP.HCM là cơ quan chuẩn bị đầu tư dự án vành đai 3 (cơ quan tổ chức lập, trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) tổ chức hội thảo, xin ý kiến các cơ quan liên quan, các đối tượng tác động… báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

TP.HCM khẩn trương chỉ đạo sớm hoàn thiện dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vào đầu tháng 2/2022, sao cho bảo đảm tiến độ, chất lượng trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2022.

Để sớm thống nhất phương án đầu tư các dự án, UBND TP.HCM được giao thành lập tổ công tác nghiên cứu, chuẩn bị phương án đầu tư tuyến đường vành đai 3, 4.

Tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết bảo đảm tiến độ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5. Rà soát kỹ lưỡng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư bảo đảm tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả, khả thi, tuân thủ quy định pháp luật, tránh lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.

Rà soát kỹ các loại đơn giá và phân tích, giải trình rõ lý do tại sao suất đầu tư 1km đường của dự án cao, rà soát kỹ lưỡng hướng tuyến, quy mô đầu tư (trong đó nghiên cứu giảm số lượng nút giao cho phù hợp với tính chất cao tốc đô thị) để không lãng phí và hiệu quả.

Nghiên cứu, đề xuất tỉ lệ vốn hợp lý, khả thi, hiệu quả giữa trung ương, địa phương và các cơ chế, chính sách cần thiết, khả thi để triển khai dự án nhanh nhất có thể. Phấn đấu báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/2.

Thủ tướng giao Phó thủ tướng Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo tổ công tác và công tác triển khai các dự án đường vành đai 3, 4 TP.HCM bảo đảm tính khả thi, tiến độ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả.

Rà soát thật kỹ để tiết giảm chi phí đầu tư

Do đó, tại cuộc họp ngày 24/1, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu UBND TP.HCM khẩn trương hoàn thiện hồ sơ xây dựng đường vành đai 3, 4 TP.HCM, trình Chính phủ thẩm định vào ngày 5/2; báo cáo xin chủ trương Bộ Chính trị đầu tháng 3; trình Quốc hội ngày 20/3.

“UBND TP.HCM và các đơn vị liên quan cần làm việc ngày đêm, xuyên Tết để đảm bảo chất lượng, tiến độ hồ sơ”, Phó thủ tướng chỉ đạo.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nguồn lực, Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát kỹ với tinh thần "coi đầu tư bằng tiền của chính mình bỏ ra", "tiết giảm nhiều hơn nữa chi phí đầu tư".

Các hạng mục cần rà soát gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, phạm vi đầu tư; diện tích, đơn giá giải phóng mặt bằng; quy mô một số hạng mục công trình.

Thủ tướng chốt đầu tư công cho toàn tuyến Vành đai 3 TP.HCM 1
Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp 24/1. Ảnh: Đức Tuân

"Kinh nghiệm là phải tính toán sát, bởi khi đã đưa vào dự toán sẽ khó huy động nguồn lực và cũng không giải ngân được", ông Thành cho biết và nhấn mạnh tránh lãng phí, làm ẩu. Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị tư vấn không áp dụng cứng nhắc các tiêu chuẩn, quy chuẩn mà không phù hợp với thực tiễn.

Về cơ chế đặc thù, Phó Thủ tướng nhất trí theo hướng áp dụng cơ chế tương tự như các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Quốc hội thông qua.

Tại cuộc họp, UBND TP.HCM cho biết, ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, thành phố đã khẩn trương rà soát, cung cấp khái toán chi phí giải phóng mặt bằng của dự án trên địa bàn quản lý theo quy mô quy hoạch (mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe).

TP.HCM phối hợp với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã rà soát các nội dung gồm quy mô đầu tư, khái toán chi phí giải phóng mặt bằng trên địa bàn các địa phương, khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn địa phương tham gia thực hiện dự án, đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ...

Thành phố cũng lập Tổ công tác dự án đầu tư xây dựng các đường vành đai 3, vành đai 4; lập Hội đồng thẩm định nội bộ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường vành đai 3

Các tỉnh, thành cam kết cân đối, bố trí nguồn vốn địa phương đầu tư đường vành đai 3, chiều dài dự kiến hơn 91km.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM nêu quyết tâm đến 28/1 sẽ hoàn thiện hồ sơ, gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư về dự án đường vành đai 3.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM dự tính thời gian chuẩn bị đầu tư tuyến đường này thực hiện từ nay đến năm 2023. Giai đoạn 2023 - 2024, các địa phương sẽ xong giải phóng mặt bằng và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.