Địa phương chịu trách nhiệm cho việc chậm giải ngân vốn đầu tư công

Phạm Sơn - 08:54, 12/11/2021

TheLEADERTrả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ quan được giao dự án đầu tư công phải chịu trách nhiệm. Do đó, đối với những dự án đã trao cho địa phương, địa phương cần phải chịu trách nhiệm với việc chậm trễ.

Địa phương chịu trách nhiệm cho việc chậm giải ngân vốn đầu tư công
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VOV

Lo bội chi sẽ lỡ cơ hội phát triển

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra những khó khăn “chưa từng có trong tiền lệ”, việc thực hiện các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế là điều cần thiết để phục hồi đà tăng trưởng.

Về gói hỗ trợ, một số đại biểu Quốc hội có ý kiến về việc có thể làm tăng nợ công và bội chi ngân sách. Đối với việc này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc thực hiện hỗ trợ cứu nền kinh tế là điều cần thiết.

“Quan điểm của chúng tôi là nới bội chi, nới nợ công trong khoảng có thể kiểm soát”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Theo đó, gói tài khóa hỗ trợ nền kinh tế không chỉ giúp phục hồi đà tăng trưởng mà còn rất cần thiết để Việt Nam bắt kịp với tiến trình cách mạnh 4.0 của thế giới. Nếu lo ngại bội chi ngân sách, tăng nợ công, nền kinh tế sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển, từ đó rơi vào vòng luẩn quẩn khó có thể thoát ra.

Thực tế, trên thế giới, các quốc gia đang có những quyết sách nhanh và chưa từng có tiền lệ, thậm chí bất chấp kỷ luật tài chính. Theo Bộ trưởng, chính nhờ điều này, các quốc gia nói trên đã phục hồi kinh tế rất nhanh.

Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm chương trình tổng thể phục hồi kinh tế phải có quy mô đủ lớn, phải hỗ trợ cả cung và cầu cho nền kinh tế, thực hiện một cách linh hoạt cả chính sách tài khóa và tiền tệ, đảm bảo hỗ trợ cả dài hạn và ngắn hạn, hỗ trợ đúng trọng tâm và phù hợp với khả năng vay và trả.

Đây là những yếu tố cần thiết để gói hỗ trợ thực hiện đúng vai trò, giúp phục hồi nhanh và thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Thời gian thực hiện hỗ trợ là giai đoạn 2022 – 2023, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trung bình 2021 – 2025 vẫn đạt 6,5 – 7%.

Giải ngân đầu tư công chậm do ai?

Năm 2020, công tác giải ngân đầu tư công đạt tiến độ cao là trợ lực vô cùng quan trọng để duy trì mức tăng trưởng kinh tế, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đảm của kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, năm 2021, khi dịch bệnh tác động sâu sắc hơn rất nhiều so với năm ngoái, công tác giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay ODA lại rất chậm trễ. Vấn đề này được các đại biểu đưa ra, đề nghị Bộ trưởng Dũng lý giải nguyên nhân và đề ra giải pháp.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, nguyên nhân của việc giải ngân chậm vốn đầu tư công có một phần đến từ tác động tiêu cực của Covid-19, dẫn tới giãn cách xã hội dài, thiếu lao động và chi phí đầu vào tăng cao.

Tuy nhiên, còn nguyên nhân nữa nằm ở những vấn đề mang tính chất cố hữu như công tác chuẩn bị hồ sơ vẫn phải điều chỉnh nhiều lần, giải phóng mặt bằng vẫn còn vướng mắc cũng như hạn chế ở khâu đấu thầu, chuẩn bị vốn đối ứng.

Bộ trưởng nhận định, công tác đầu tư công đã được phân cấp nhiều cho địa phương. Như vậy, theo nguyên tắc dự án giao cho cơ quan nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm, việc các dự án đã trao cho địa phương mà chậm tiến độ thì địa phương phải chịu trách nhiệm.

Để khắc phục tình trạng chậm trễ này, đề án tách bồi thường, hỗ trợ tái định cư sắp tới sẽ được Bộ Kế hoạch và đầu tư trình Quốc hội xem xét. Trong đó, sẽ trình riêng phần giải phóng mặt bằng giao cho địa phương, địa phương có thể dùng cả ngân sách Trung ương để giải phóng mặt bằng.

Theo Bộ trưởng, điều này sẽ tạo ra sự linh hoạt, chủ động và phân tách rõ ràng trách nhiệm của Trung ương và của địa phương.