Tiến độ xây dựng gói phục hồi kinh tế

Nhật Hạ - 07:47, 03/12/2021

TheLEADERBên cạnh chính sách về tài khoá, tiền tệ là cốt lõi, chương trình phục hồi kinh tế còn huy động nguồn lực từ các quỹ ngoài ngân sách, quỹ của doanh nghiệp và sự tham gia của khu vực tư nhân.

Tiến độ xây dựng gói phục hồi kinh tế
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương tại họp báo Chính phủ tối ngày 2/11. Ảnh: Nhật Bắc

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và đầu tư thực hiện, chủ trì. Theo kế hoạch, chương trình này sẽ được trình lên Quốc hội vào phiên họp bổ sung cuối năm nay, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho biết tại họp báo Chính phủ tối ngày 2/11.

Về nội dung cơ bản, chương trình phục hồi gồm 5 nhóm giải pháp chủ yếu gồm y tế; an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ gia đình; kích thích đầu tư công; cải cách hành chính.

Ông Phương nhận định: 5 nhóm giải pháp này đã đủ mạnh và cơ bản bao quát hết các lĩnh vực cần hỗ trợ cũng như cấu trúc của nền kinh tế, hướng tới phục hồi nhanh và phát triển sau khi kiểm soát được đại dịch.

Liên quan đến yêu cầu "thời gian đủ dài" và "quy mô đủ lớn", Bộ Kế hoạch và đầu tư đã báo cáo Chính phủ thời gian áp dụng chương trình phục hồi kinh tế trong 2 năm, tập trung vào năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, tuỳ hình hình diễn biến dịch bệnh có thể kéo dài thêm, nhất là với các dự án đầu tư công quy mô lớn như dự án đường cao tốc phía Đông Bắc - Nam.

Theo ông Phương, trong 3 nội dung mà Thủ tướng Chính phủ nói về Chương trình phục hồi, "giải pháp đủ mạnh, thời gian đủ dài, quy mô đủ lớn" có liên quan chặt chẽ với nhau. Nếu như giải pháp đủ mạnh sẽ tốn kém chi phí, nếu kinh phí giới hạn thì thời gian sẽ phải kéo dài thêm, đây là mối quan hệ chặt chẽ giữa các yếu tố này.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết chưa "chốt" quy mô gói phục hồi kinh tế vì còn chờ các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tuy nhiên, công cụ để thực hiện các giải pháp của chương trình phục hồi chủ yếu tập trung vào công cụ tài khóa và tiền tệ, kết hợp với các công cụ khác như huy động các quỹ ngoài ngân sách, quỹ của doanh nghiệp, sự tham gia của khu vực tư nhân.

Cùng ngày, tại buổi họp báo của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Quốc hội sẽ tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021- phục hồi và phát triển bền vững vào ngày 5/12 để lắng nghe ý kiến chuyên gia về gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Thanh, gói chính sách tài khóa, tiền tệ là một trong năm nội dung dự kiến được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường cuối năm nay.

Về lo ngại gói phục hồi kinh tế sẽ ảnh hưởng đến nợ công, bội chi, ông Thanh nhận định, “trong bối cảnh đặc biệt thì cần có chính sách đặc biệt”. Do đó, trong 2 năm tới, dư địa chính sách vẫn còn thì tăng bội chi và nợ công là cần thiết.

Tiến độ xây dựng gói phục hồi kinh tế
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Trang tin Quốc hội.

Ông Thanh cho hay, diễn đàn lần này cũng sẽ thảo luận nhằm xác định quy mô gói phục hồi, trong đó, tài khóa bao nhiêu, tiền tệ bao nhiêu. Kinh nghiệm quốc tế thì tài khóa 65%, tiền tệ 35%, còn gói của Việt Nam trong hai năm 2020 - 2021 khoảng 4% GDP, trong đó 2,9% tài khóa và 1,1% là tiền tệ, gần giống với quốc tế. Còn độ dài, có thể tập trung hai năm tới, trong đó năm 2022 phục hồi và 2023 là kích thích tăng trưởng.

Ông Thanh cho rằng vấn đề là sử dụng hiệu quả nguồn chính sách tài khóa, tiền tệ phục vụ cho tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững. Do đó, việc quản lý, giám sát phải công khai, minh bạch, tránh phân tán, có trọng tâm trọng điểm, chống lợi ích nhóm

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn nhận định, gói hỗ trợ phải đủ quy mô mới có tác dụng. Hiện nay, nợ công của Việt Nam còn dư địa nhiều khi ở mức 43,7% GDP, trong khi trần là 55%, mặc dù không quá tận dụng để tránh hệ lụy về lạm phát, song sẽ được thảo luận kỹ lưỡng.

Ông cũng cho rằng gói hỗ trợ sẽ tập trung vào nâng cao năng lực y tế, gồm y tế dự phòng, y tế cơ sở cùng các vấn đề xã hội. Theo đó, rà soát lại các trọng tâm với mục tiêu ngắn hạn là hỗ trợ doanh nghiệp với công cụ tài chính, thuế, phí; tiếp cận nguồn vốn, tín dụng; gắn với tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi số, tiếp cận lao động, thông tin; hỗ trợ người lao động.

Về dài hạn, cần khơi thông các động lực và trụ cột tăng trưởng, đảm bảo vốn, công nghệ cao, công nghệ thông minh gắn với kinh tế số…

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn, diễn đàn sắp tới sẽ đánh giá toàn diện thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và 2021; các chính sách đã thực hiện để ứng phó Covid-19 và kết quả; làm rõ bối cảnh quốc tế, dự báo diễn biến của dịch với biến thể, biến chủng mới; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế do tác động của dịch; xu hướng sản xuất, kinh doanh thay đổi do tác động của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam mở rộng về nội dung, quy mô, không chỉ về các vấn đề kinh tế, mà còn đề cập sâu sắc về các vấn đề xã hội, môi trường.

Về nội dung chương trình, diễn đàn được chia thành 2 phiên. Phiên toàn thể buổi sáng, tọa đàm cấp cao với chủ đề “một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”.

Phiên buổi chiều gồm hai chuyên đề, chuyên đề 1 về “phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”, chuyên đề 2 về “bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.