Tiểu thương lên sàn thương mại điện tử để tránh bão Covid-19

15:25, 17/11/2020

TheLEADERKhông gánh nổi áp lực chi phí mặt bằng, nhân viên, nhiều tiểu thương đã quyết định chuyển đổi hoạt động kinh doanh sang các nền tảng thương mại điện tử.

Tiểu thương lên sàn thương mại điện tử để tránh bão Covid-19
Khách hàng luôn chủ động truy cập vào các ứng dụng thương mại điện tử khi có nhu cầu. Ảnh: VnExpress.

Sở hữu một chuỗi cửa hàng bán lẻ cũng như bán hàng hiệu quả thông qua mạng xã hội Facebook, đến năm 2018, anh Vũ Minh Trà, nhà sáng lập và chủ sở hữu thương hiệu Babyhop và Shoptida đã ngừng hẳn hoạt động kinh doanh thông thường để chuyển qua khai thác khách hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Trò chuyện với cộng đồng khởi nghiệp tại tọa đàm Marketing trong thời đại số: Từ chiến lược tới công cụ, anh Trà cho biết, chính quyết định được xem như là vô cùng liều lĩnh từ 2 năm trước đã giúp doanh nghiệp của anh đứng vững trước làn sóng Covid-19 và đạt được mức tăng trưởng dương.

Theo đó, trong khi giới tiểu thương vẫn đang phải đau đầu vì hoạt động kinh doanh trì trệ, lại phải gánh thêm chi phí mặt bằng, tiền lương nhân viên thì anh Trà chỉ cần duy trì bộ máy nhân sự 12 người và một kho hàng rộng 500m2.

Toàn bộ chi phí quảng cáo, tiếp thị cũng hầu như bằng không bởi khách hàng luôn chủ động truy cập vào các ứng dụng thương mại điện tử khi có nhu cầu.

Một điểm đặc biệt được cả người bán và người mua ưu tiên lựa chọn giao dịch trên các sàn thương mại điện tử là tính tiện lợi vì các quy trình đều đã được tinh gọn. Khách hàng chỉ cần điền đủ thông tin vào mẫu đặt hàng, các khâu còn lại, từ việc lên đơn, vận chuyển, chuyển tiền… đều được thực hiện tự động.

‘Nếu sản phẩm đủ tốt, kéo khách hàng đi đâu cũng được’

Thực phẩm và đồ uống (F&B) là một trong những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19, đặc biệt khi các lệnh giãn cách xã hội, cấm tụ tập nơi đông người hay bắt các hàng quán phải đóng cửa được thực thi.

Nói về giai đoạn vượt bão Covid-19, anh Hoàng Tùng, giám đốc nhà hàng Pizza Home cho biết, có 2 xu hướng chính trong ngành F&B hiện nay là xây dựng trải nghiệm và tạo ra tính tiện lợi cho khách hàng.

Từ 2 xu hướng trên, anh Tùng thực hiện kế hoạch kinh doanh mùa dịch thông qua việc tối ưu hóa sản phẩm, sau đó tối ưu kênh bán hàng.

“Tối ưu hóa sản phẩm là điều đầu tiên mà doanh nghiệp có thể chủ động và cần phải làm được, bởi vì nếu sản phẩm đủ tốt, chúng ta có thể kéo khách hàng đi đâu cũng được”, anh Tùng nhận định.

Đây chính là lý do đội ngũ nhân sự của Pizza Home đã tiến hành nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm độc đáo, bắt kịp xu hướng như bánh pizza thanh long ruột đỏ, bánh mì kẹp hình corona (burger corona).

Đặc biệt, sản phẩm burger corona đã tạo ra tiếng vang lớn khi được các trang báo, đài truyền hình nổi tiếng toàn cầu như Reuters, AP, CNN, BBC quan tâm và đưa tin.

Tiểu thương lên sàn thương mại điện tử để tránh bão Covid-19
Anh Hoàng Tùng cùng sản phẩm bánh mì kẹp corona. Ảnh: Pizza Home.

Đối với kênh bán hàng, anh Tùng quyết định sử dụng các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến, lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ tới hơn 30% mỗi năm và không chịu ảnh hưởng bởi sự đình trệ của nền kinh tế.

Theo đó, không chỉ tinh gọn chi phí và dễ sử dụng, các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến sở hữu tỷ lệ chuyển đổi rất cao, lên tới 20%, tức là 10 lượt truy cập thì có 2 người có nhu cầu đặt mua thực sự. Tỷ lệ chuyển đổi này cao hơn rất nhiều so với việc bán hàng qua trang web hay mạng xã hội.

Ông Tuấn Hà, Phó chủ tịch Cộng đồng tiếp thị và truyền thông Việt Nam (VMCC) nhận định, các sàn thương mại điện tử đã và đang tiếp tục trở thành xu thế được cả người bán và người mua hàng ưa chuộng.

“Nếu như trước đây, nói tiếp thị số là nghĩ ngay đến chạy quảng cáo trên các mạng xã hội thì ngày nay các tiểu thương đang tập trung vào khai thác những công cụ miễn phí và dễ sử dụng”, ông Hà cho biết.

Theo đó, việc mở gian hàng tại các sàn thương mại điện tử hầu như là miễn phí, dễ dàng sử dụng, không mất quá nhiều công sức và chi phí để quản lý hoạt động bán hàng. Như vậy, đây có thể được xem như là công cụ chuyển đổi số hiệu quả và phù hợp nhất cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, vốn không có nhiều nguồn lực về nhân lực, tri thức và tài chính.