Tín hiệu bứt phá từ làn sóng điều chỉnh tăng vốn FDI

Phạm Sơn - 15:09, 16/02/2022

TheLEADERDòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho thấy những tín hiệu tích cực ngay từ những ngày đầu năm mới.

Tín hiệu bứt phá từ làn sóng điều chỉnh tăng vốn FDI
Nhiều dự án điều chỉnh tăng vốn quy mô lớn ngay trong tháng 1. Ảnh: TN.

Quý III/2021, trong bối cảnh nhiều khu vực kinh tế trọng điểm trên toàn quốc thực hiện giãn cách xã hội, nhiều quan điểm cho rằng nhà đầu tư nước ngoài đang “rút đi”.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, hiện tượng trên hoàn toàn không xảy ra, chỉ có nhiều nhà đầu tư mới gặp khó khăn trong việc tìm hiểu thị trường. Ngay sau khi các biện pháp phòng dịch được nới lỏng, nhiều dự án đầu tư mới hay điều chỉnh tăng vốn đã chứng minh sức hút của nền kinh tế.

Tính cả năm 2021, vốn FDI vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng hơn 9% so với năm 2020, chưa kể những số liệu tích cực về quy mô vốn trên mỗi dự án.

Đến năm 2022, sức hút ấy tiếp tục được duy trì. Tính đến hết tháng 1/2022, dòng vốn FDI vào Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn FDI thực hiện cũng tăng 6,8% cùng kỳ, đạt mức 1,61 tỷ USD.

Đây là tín hiệu hết sức tích cực, cho thấy mục tiêu thu hút 40 tỷ USD vốn FDI năm 2022 là hoàn toàn khả thi.

Chuyển biến về chất

Những dự án có quy mô vốn lớn, hàm lượng công nghệ cao là yếu tố tạo nên tính tích cực trong công tác thu hút vốn FDI tháng đầu năm 2022.

Trong đó phải kể dự án điều chỉnh tăng vốn có quy mô lớn nhất trong tháng 1 là dự án nhà máy chế tạo sản phẩm điện tử của tập đoàn Goertek đến từ Hồng Kông, Trung Quốc, tăng thêm 400 triệu USD, nâng quy mô dự án lên 500 triệu USD, chỉ sau 1 năm bắt đầu khởi công giai đoạn 1.

Đến khi hoàn thiện và đi vào hoạt động, nhà máy của Goertek dự kiến tạo ra khoảng 30 nghìn việc làm tại tỉnh Nghệ An, tạo động lực mạnh mẽ cho địa phương này chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng trưởng bứt phá.

Tại Bắc Ninh, dự án thương mại và dịch vụ đến từ nhà đầu tư “kỳ cựu” GE Việt Nam cũng điều chỉnh tăng thêm khoảng 217 triệu USD. Tại Phú Thọ, một nhà đầu tư Hàn Quốc khác là JNTC cũng điều chỉnh tăng thêm 163 triệu USD vốn đầu tư.

Những dự án tăng vốn đầu tư như một lời khẳng định mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng của nền kinh tế, đặc biệt khi Việt Nam chuyển sang thực hiện chiến lược “sống chung an toàn với virus Covid-19”. Dù phải trải qua khó khăn được nhận xét là “chưa từng có trong lịch sử”, doanh nghiệp nước ngoài vẫn lựa chọn đồng hành cùng nền kinh tế năng động bậc nhất thế giới, có nhiều lợi thế về thị trường, lao động cũng như có những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đáng ghi nhận.

Một lĩnh vực mới tạo ra triển vọng thu hút FDI tích cực là làn sóng kinh tế xanh, phát triển bền vững. Với cam kết trung hòa phát thải carbon đầy tham vọng tại COP26, Việt Nam đang được định hướng là điểm đến đầu tư thích hợp cho chiến lược bền vững hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nỗ lực từ địa phương

Phát biểu tại Lễ trao giải Rồng Vàng 2021, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh quan điểm, trong giai đoạn 2021 - 2025 các tỉnh, thành phố sẽ phải có trách nhiệm cao hơn đối với phát triển kinh tế địa phương, bao gồm công tác thu hút vốn FDI.

Quan điểm đó đang được các địa phương nỗ lực thực hiện. Đặc biệt, công tác thu hút vốn FDI được xem là yếu tố quan trọng để đón sóng phục hồi, vực dậy mạnh mẽ nền kinh tế sau năm 2021 đầy khó khăn, biến cố.

Đầu năm 2022, chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh Bạc Liêu được ban hành. Với thành công từ việc thu hút dự án khủng trị giá trên 4 tỷ USD nhiệt điện khí LNG năm 2020, Bạc Liêu tiếp tục đặt năng lượng làm 1 trong những lĩnh vực trọng tâm, cùng với nông nghiệp công nghệ cao; du lịch; thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao và kinh tế biển.

Bạc Liêu nhấn mạnh quan điểm thu hút các dự án có chọn lọc, có giá trị gia tăng cao, có nhiều hàm lượng khoa học công nghệ, chú trọng cả những dự án quy mô vừa và nhỏ nhưng phù hợp với tiềm năng của địa phương.

Là hình mẫu điển hình về thành công trong thu hút vốn FDI khu vực miền Bắc, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục duy trì “mục tiêu kép”, phòng chống dịch hiệu quả nhưng không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh.

Công tác xúc tiến đầu tư năm 2022 được chính quyền Bắc Ninh đề ra tập trung vào rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong tiến trình phục hồi, đẩy mạnh công tác hỗ trợ sau đầu tư thông qua cải cách hành chính.

Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng là giải pháp thu hút FDI của một số địa phương như Hải Phòng, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bình Dương... Dự kiến, trong giai đoạn 2021 – 2025, Hải Phòng xây mới 15 khu công nghiệp. Đến năm 2030, các địa phương Thanh Hóa, Bắc Giang và Bình Dương lần lượt xây mới 19, 23 và 25 khu công nghiệp.

Đồng Nai cũng đặt trọng tâm hoàn thiện các khu công nghiệp. Theo đại diện chính quyền tỉnh Đồng Nai, bên cạnh hạn chế do Covid-19 thì việc thiếu quỹ đất cũng đang là vướng mắc cần được tháo gỡ. Hoàn thiện các khu công nghiệp đang xây dựng dự kiến sẽ giúp dòng vốn FDI vào địa phương này “về đích sớm”.

Nỗ lực từ các địa phương sẽ tạo ra những sắc màu mới trong cuộc đua thu hút vốn FDI, đặc biệt khi xu thế, “khẩu vị” của nhà đầu tư cũng ngày càng trở nên đa dạng. Xu thế này đã được thể hiện rõ ngay từ năm 2021, khi những thành phố lớn, có ưu thế về cơ sở hạ tầng, giao thông nhưng không còn là lợi thế tuyệt đối.