Trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục 'bùng nổ'

Minh Khôi - 12:00, 26/03/2022

TheLEADERMức tăng trưởng nhanh hơn trong cả phân khúc trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp đã thúc đẩy thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam đạt tới 91,5 tỷ USD vào cuối tháng 12/2021, theo dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Con số này tăng tới gần 10% so với giai đoạn quý III/2021, đồng thời ghi nhận mức tăng trưởng năm nhanh hơn, đạt tới 25,5%.

Cụ thể, dữ liệu cho thấy trong giai đoạn quý cuối năm ngoái, trái phiếu chính phủ tại Việt Nam tăng 5,3% so với quý trước đó, đạt hơn 65 tỉ USD.

Trong khi đó, khu vực trái phiếu doanh nghiệp tăng tới gần 23% nhờ lượng phát hành tăng vọt, đưa tổng giá trị đang lưu hành lên hơn 26 tỷ USD.

Trong ba tháng cuối năm 2021, phát hành trái phiếu khu vực doanh nghiệp của Việt Nam tăng tới gần 31% so với ba tháng trước đó, đạt hơn 123.000 tỷ đồng do ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển sang thị trường trái phiếu để huy động vốn.

a
Một số đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp đáng chú ý ba tháng cuối năm 2021.

Một trong số các đợt phát hành đáng chú ý là 4.600 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi có kỳ hạn 8 năm với lãi suất 11%/năm cho năm đầu tiên của Công ty Thái Sơn – Long An.

Số tiền trên sẽ được đầu tư vào dự án khu thương mại, biệt thự và chung cư cao cấp tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An với quy mô 267ha – hay T&T Millennia City Long An.

Ngoài ra, thương vụ lớn khác trong những tháng cuối năm ngoái là 4.300 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ của Công ty Osaka Garden với kỳ hạn hai năm. Mục đích phát hành để đặt cọc nhằm hướng tới nhận chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An tại TP. Thủ Đức do Công ty Đầu tư và phát triển Sài Gòn (SDI Corp) làm chủ đầu tư.

Tăng trưởng của Việt Nam nằm trong bức tranh tích cực chung của khu vực Đông Á mới nổi trong những tháng cuối năm ngoái. Tổng lượng trái phiếu phát hành bằng đồng nội tệ của khu vực này đã tăng hơn 7%, lên tới mức cao nhất từ trước đến nay là 9.000 tỷ USD vào cuối 2021.

Lãi suất trái phiếu khu vực nhìn chung đã tăng lên trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu và lãi suất gia tăng ở các thị trường tiên tiến.

Cùng với đó, phí bảo hiểm rủi ro đã tăng lên trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư ảm đạm hơn khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ có động thái thắt chặt tiền tệ và quan hệ giữa Nga và Ukraine gia tăng.

Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Albert Park đánh giá các điều kiện tài chính ở Đông Á mới nổi vẫn rất mạnh, được hỗ trợ bởi thanh khoản dồi dào. Hầu hết ngân hàng trung ương trong khu vực đã duy trì lập trường tiền tệ thích ứng, ngay cả khi các nền kinh tế tiên tiến thắt chặt chính sách.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát tiếp tục có thể khiến nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới thắt chặt hơn, từ đó có thể làm giảm thanh khoản và làm suy yếu các điều kiện tài chính.

Tổng lượng trái phiếu bền vững trong khu vực ASEAN cùng với Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tăng lên tới hơn 430 tỷ USD vào cuối năm ngoái, so với con số chỉ khoảng 274 tỷ USD một năm trước đó.

Trái phiếu xanh tiếp tục chi phối thị trường trái phiếu bền vững của khu vực, chiếm 68,2% trong tổng số, trong bối cảnh sự quan tâm tới trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững cũng đang gia tăng.