Triển khai dự án tái chế "lon thành lon"

Phạm Sơn - 09:23, 18/06/2022

TheLEADERTrung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường hợp tác với doanh nghiệp triển khai dự án tái chế tuần hoàn khép kín "lon thành lon".

Triển khai dự án tái chế "lon thành lon"
Lon nhôm có tiềm năng tái chế vô hạn.

Dự án nhằm mục đích nâng cao tỷ lệ tái chế của vật liệu nhôm được sử dụng trong vỏ lon đựng đồ uống, bên cạnh việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người tiêu dùng đối với lon nhôm.

Theo đại diện Bộ Tài nguyên và môi trường, lon nhôm là “sản phẩm hoàn hảo cho kinh tế tuần hoàn” bởi tiềm năng tái chế vô hạn. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, lon nhôm có tỷ lệ thu gom và tái chế rất cao, có nơi đạt 99%.

Việc tái chế lon nhôm đóng góp tích cực cho mục tiêu được đề ra tại Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030, hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050 như cam kết tại COP26.

Cụ thể, theo Quỹ Ellen Macathur, tái chế lon nhôm giúp tiết kiệm 95% năng lượng so với việc sản xuất từ nhôm nguyên sinh.

Dự án đặt mục tiêu thu gom khoảng 50 triệu lon nhôm, tương đương với khoảng 620 tấn lon nhôm mỗi năm tại TP.HCM. Công tác thu gom do Công ty Cổ phần Lagom đảm nhận.

Lon nhôm sau khi thu gom sẽ được chuyển đến cơ sở của Tập đoàn Anglo Asia đến từ Thái Lan để xử lý khử sơn, băm nhỏ. Một doanh nghiệp Thái Lan khác là Công ty TNHH UACJ thực hiện sản xuất tấm lon nhôm tái sinh, rồi chuyển đến cho Công ty TNHH TBC-BALL Việt Nam sản xuất thành lon nhôm mới.

Với những lợi ích thiết thực từ việc tái chế lon nhôm, dự án kỳ vọng sẽ tạo ra được một hình mẫu trong việc triển khai hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn, lấy đó làm động lực và kinh nghiệm xây dựng kinh tế tuần hoàn cho các ngành và loại vật liệu khác. Theo Quỹ Ellen Macarthur, xi măng; nhựa; thép; nhôm và thực phẩm là các ngành mũi nhọn để triển khai kinh tế tuần hoàn.