Trung Quốc sắp ‘mở cửa’ cho hàng loạt nông sản Việt

Nhật Hạ - 09:49, 15/12/2023

TheLEADERCác sản phẩm nông sản Việt có cơ hội lớn tại thị trường Trung Quốc thời gian tới gồm dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi, dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật…

Thương mại đang là một trong những điểm sáng trong quan hệ hai nước Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 176 tỷ USD vào năm 2022, gấp 4,3 lần so với thập kỷ trước, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.

Trung Quốc 20 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Đà tăng trưởng quy mô thương mại Việt – Trung được dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và mở rộng, đặc biệt là sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vừa qua.

Trong tuyên bố chung được đưa ra vào ngày 13/12, thương mại nằm trong những điểm nhấn của kế hoạch hợp tác thực chất sâu sắc hơn giữa hai nước trong thời gian tới.

Để mở rộng quy mô thương mại song phương theo hướng cân bằng, bền vững, các biện pháp thiết thực sẽ được áp dụng nhằm phát huy vai trò của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Khu thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc; Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE), Hội chợ triển lãm ASEAN - Trung Quốc (CAEXPO), Hội chợ hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (Canton Fair).

Đặc biệt, Trung Quốc sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường đối với nông sản của Việt Nam như dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi, dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, thịt trâu, thịt bò, thịt lợn, sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm.

Điều này sẽ mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt thời gian tới khi hiện chỉ có 14 mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, thạch đen, chanh dây, sầu riêng, khoai lang và yến sào.

Năm 2023 là năm đầu tiên sầu riêng tươi được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, đã mang về kim ngạch kỷ lục, khoảng 2,5 tỷ USD. Đây là một minh chứng cho câu chuyện ‘ăn nên làm ra’ của nông sản Việt sau khi vào thị trường tỷ dân này. Hiện thị phần của sầu riêng Việt đã chiếm đến 1/3 tại thị trường Trung Quốc, 2/3 còn lại thuộc về Thái Lan.

Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng về nông nghiệp nói chung và các loại nông sản nói riêng, trong đó có nhiều loại đặc sản rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Với vị trí địa lý rất thuận tiện cho giao thương buôn bán và là lợi thế cạnh tranh về kho vận so với các quốc gia khác.

Các mặt hàng nông sản tươi sống như rau, quả, thủy sản… vận chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc có thời gian ngắn nên khi đến tay người tiêu dùng vẫn giữ được chất lượng và độ tươi ngon tự nhiên.

Trung Quốc sắp ‘mở cửa’ với hàng loạt nông sản Việt
Dừa tươi là một trong những mặt hàng được thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Nâng cao chất lượng nông sản Việt để thâm nhập thị trường tỷ dân

Thị trường 1,4 tỷ dân của Trung Quốc mặc dù đầy sức hấp dẫn với mọi nhà xuất khẩu nhưng hiện không còn dễ tính và có sự cạnh tranh rất cao.

Gần đây, Trung Quốc đưa ra nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng cho hàng Việt. Có thời điểm, hàng xuất khẩu phải nằm chờ ở cửa khẩu do không đáp ứng được yêu cầu khi Trung Quốc sửa đổi Luật An toàn thực phẩm và các quy định về nhập khẩu hàng hóa, thủ tục nhập khẩu cũng được quy định chặt chẽ hơn về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác…

Đơn cử như tôm hùm bông Việt Nam gần đây đã bị ngưng xuất sang thị trường này từ tháng 10/2023 đến nay do vướng quy định mới. Tháng 5/2023, Trung Quốc đã sửa đổi Luật Bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt, sử dụng, kinh doanh, buôn bán đối với tôm hùm bông và các loài trong danh mục động vật hoang dã nguy cấp cần bảo vệ.

Được biết, đây là thị trường lớn nhất của tôm hùm Việt Nam. Tính đến hết tháng 8/2023, xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 76 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022.

Những thay đổi này cho thấy hàng chất lượng thấp đang dần không còn ‘cửa’ tại thị trường tỷ dân này khi các quy định về kiểm soát chất lượng được Chính phủ Trung Quốc thay đổi ngày càng nhiều. Do đó, các thương hiệu nông sản Việt cần phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, từ đó giữ vững và từng bước mở rộng thị phần xuất khẩu tại thị trường tỷ dân này.

"Hàng hóa của Việt Nam chỉ khi có thương hiệu, nhãn mác và có thể truy xuất nguồn gốc mới có thể thâm nhập sâu vào thị trường nội địa và các kênh phân phối hiện đại của Trung Quốc", Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết.

Cùng với việc thúc đẩy thương mại song phương, Trung Quốc và Việt Nam sẽ cùng áp dụng các biện pháp hiệu quả bảo đảm thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng giữa hai nước và trong khu vực, theo tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước vào ngày 13/12.

Nhằm giảm ùn tắc tại cửa khẩu và nâng cao hiệu suất thông quan, hai bên nhất trí thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa qua khu vực mốc 1088/2-1089 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài (khu vực mốc 1090-1091) thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc); phân luồng hợp lý hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới, bảo đảm các cửa khẩu biên giới trọng điểm vận hành thông suốt.

Đồng thời, tích cực phát huy vai trò của Nhóm công tác thuận lợi hóa thương mại Việt Nam - Trung Quốc, tiếp tục khai thác tiềm năng thương mại song phương; thúc đẩy thực hiện "Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc về tăng cường bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc", duy trì an toàn, ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng giữa hai nước.

Hai bên nhất trí phát huy vai trò của nhóm công tác hợp tác về thương mại điện tử, thúc đẩy doanh nghiệp hai nước triển khai hợp tác thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, trao đổi với báo chí gần đây, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cho biết lãnh đạo cấp cao của hai nước đều rất coi trọng và thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trong việc xây dựng các tuyến đường sắt nhằm nâng cao hiệu suất vận chuyển hàng hóa giữa hai bên.

Trung Quốc và Việt Nam đang đẩy nhanh đàm phán dự án hợp tác xây dựng tuyến đường sắt Hà Khẩu - Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và đã đi đến giai đoạn lập báo cáo khả thi cho dự án.

Trung Quốc sẵn sàng thông qua nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ Việt Nam nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt từ Bằng Tường, Quảng Tây đến Đồng Đăng, Lạng Sơn và Hà Nội. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam quy hoạch tuyến đường sắt Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, ông Hùng Ba cho biết.