Truyền thông hiệu quả thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Phạm Sơn - 07:45, 24/07/2022

TheLEADERHàng loạt nội dung về pháp lý và chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, hạn chế rác thải đã và đang được xây dựng, ban hành. Để những chính sách và khung pháp lý này đi vào đời sống, vai trò của truyền thông, báo chí là đặc biệt quan trọng.

Truyền thông hiệu quả thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Nhà báo Trần Bá Dung phát biểu tại tập huấn Nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương do Báo VTC News tổ chức

Theo một nghiên cứu về hành vi của người tiêu dùng nhựa tiến hành bởi Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam và Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp thực hiện, chỉ có khoảng 2,3% người được hỏi cho biết “có biết đến các chương trình, hoạt động của Nhà nước trong việc chống ô nhiễm rác thải nhựa”.

Con số này là quá ít ỏi so với tính chất của vấn nạn rác thải nhựa, vốn cần sự chung tay của toàn thể cộng đồng xã hội. Với việc người dân không biết hoặc không quan tâm đến các chương trình chống rác thải nhựa, sẽ không phải là điều ngạc nhiên nếu các chương trình, chiến dịch này không thể đem lại hiệu quả thực tiễn.

Đây là lý do rất cần có sự tham gia của truyền thông, báo chí trong việc truyền tải những thông điệp về bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa. Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), việc tham gia và nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi về rác thải nhựa đại dương là một trong những nội dung quan trọng để đưa mô hình kinh tế tuần hoàn áp dụng được vào thực tiễn.

Bên cạnh truyền tải thông điệp, chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng về hạn chế rác thải nhựa, theo Nhà báo Trần Bá Dung, Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, báo chí cũng có vai trò lớn trong việc truyền thông chính sách.

Phát biểu tại buổi tập huấn Nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương do Báo điện tử VTC News tổ chức, ông Dung cho biết, đối với hoạt động giảm rác thải nhựa đại dương, bảo vệ môi trường và hướng tới kinh tế tuần hoàn, báo chí thể hiện 2 vai trò trong truyền thông chính sách.

Thứ nhất là vai trò trong việc xây dựng và hoạch định chính sách về bảo vệ môi trường, bao gồm việc tham gia lấy ý kiến của người dân, chuyên gia, tổ chức đóng góp vào xây dựng dự thảo hoạch định chính sách, đồng thời phản ánh những vấn đề được dư luận quan tâm, tạo ra áp lực nhằm xây dựng chính sách.

Thực tế, vai trò này đã được giới báo chí thể hiện tốt trong thời gian vừa qua, thông qua việc đồng hành với Bộ Tài nguyên và môi trường, cộng đồng chuyên gia, doanh nghiệp và nhiều bên liên quan, đề xuất, đóng góp ý kiến xây dựng thành công Luật Bảo vệ môi trường 2020, nghị định hướng dẫn luật và Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Hiện tại, một số nội dung chính sách như thông tư hướng dẫn sử dụng nguồn tài chính thu được từ công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR); Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế tuần hoàn… đang trong giai đoạn xây dựng, tiếp tục nhận được sự chung tay góp sức của đội ngũ truyền thông báo chí.

Vai trò thứ hai thể hiện trong việc giám sát thực thi và đánh giá chính sách bảo vệ môi trường, bao gồm tuyên truyền, phổ biến chính sách về môi trường tới người dân; giám sát thực thi, phát hiện và lên án những bất cập, những hành vi lợi dụng chính sách nhằm trục lợi không chính đáng, từ đó nâng cao hiệu quả chính sách môi trường.

Bên cạnh đó, báo chí cũng cần đánh giá hiệu quả của chính sách thông qua dư luận công chúng, góc nhìn chuyên gia hoặc thông qua sự thăm dò, khảo sát của chính cơ quan báo chí. Theo ông Dung, đây là vai trò đặc biệt quan trọng, cần đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên tích cực phát huy trong thời gian tới.