TS. Nguyễn Đình Cung: Các bộ ngành đều nói cải cách sao doanh nghiệp phá sản vẫn nhiều?

An Chi - 09:33, 20/04/2019

TheLEADERViện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, nền kinh tế của Việt Nam rất khó cải cách do "thiếu thị trường, thừa Nhà nước".

TS. Nguyễn Đình Cung: Các bộ ngành đều nói cải cách sao doanh nghiệp phá sản vẫn nhiều?
TS. Nguyễn Đình Cung

Việc tăng trưởng GDP quý I đạt 6,79%, thấp hơn so với quý I/2018 và kịch bản ban đầu của Chính phủ đang đặt Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức trong các quý tiếp theo để đạt mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2019. 

Tại Hội thảo “Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Kiên trì cải cách trong bối cảnh thế giới bất định” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho rằng, tăng trưởng GDP trong quý I đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ của giai đoạn 2009 - 2017.

Kết quả phục hồi tăng trưởng trong những năm qua có một phần quan trọng từ những cải cách thể chế kinh tế nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng. 

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu của năm 2019, Việt Nam sẽ gặp không ít thách thức trong các quý còn lại khi mà nền kinh tế tiếp tục đà mở rộng nhưng tốc độ tăng trưởng tiềm năng thể hiện ở xu thế tăng trưởng GDP đang suy giảm.

Theo ông Dương, những thách thức chủ yếu để tăng trưởng kinh tế là về nền tảng kinh tế vi mô. Tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật còn phổ biến khiến những tư duy, chính sách mới chậm đi vào thực hiện. Ngay cả với CPTPP, các hướng dẫn và sửa đổi luật còn chậm thực hiện dù lãnh đạo cấp cao và doanh nghiệp kỳ vọng khá nhiều.

Bên cạnh đó, hiệu lực thực thi chính sách vẫn chậm được cải thiện. Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên nhắc lại những nhóm giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế xã hội phần nào cho thấy sự sát sao, song mặt khác cũng cho thấy các nhóm giải pháp chưa được nhận thức hoặc thực hiện đầy đủ.

Ông Dương đặc biệt nhấn mạnh đến việc kinh tế vĩ mô trong quý II đến quý IV/2019 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bên ngoài, bao gồm rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ gia tăng; căng thẳng thương mại ở khu vực khó hạ nhiệt; nhu cầu phê chuẩn sớm EVFTA có thể giảm bớt; hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật hơn ở các thị trường nước ngoài, kể cả thị trường CPTPP. 

Mặt khác, thị trường tài chính quốc tế có thể còn phản ứng nhanh và quá mức trước những diễn biến bất lợi, đặc biệt liên quan đến các vấn đề địa chính trị.

Để khắc phục những khó khăn, tiếp tục tăng trưởng kinh tế, ông Dương cho rằng, trước hết, Chính phủ cần tiếp tục nhấn mạnh ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh và sức chống chịu của nền kinh tế để làm nền cho cải cách, chưa thể vội vàng, sốt ruột với tăng trưởng. 

Thứ hai, Chính phủ cần nhanh chóng thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến CPTPP, chuẩn bị cho EVFTA, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển kinh tế trong nước.

Thứ ba, cần cải cách nền tảng kinh tế vĩ mô, ban hành kịp thời các hướng dẫn thi hành luật, tránh nợ đọng, cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp và tư duy mở hơn với các vấn đề mới như cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Nhận định về kết quả tăng trưởng kinh tế, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam đạt được trong thời gian vừa qua là hợp lý với bối cảnh hiện nay.

Mặc dù, tăng trưởng kinh tế ở mức khá và có cải thiện, song theo ông Cung: "Kết quả mà Việt Nam đạt được còn thấp xa so với nhu cầu thu hẹp khoảng cách với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta không thể thoả mãn với những việc đã làm được".

Lấy ví dụ cụ thể, vị chuyên gia này cho rằng, mấy chục năm trước Trung Quốc đã có nhiều năm liền duy trì tăng trưởng GDP cao, trên 10%/năm, GDP bình quân/người của họ hiện gấp bốn lần Việt Nam và hiện nay, họ vẫn đang tiếp tục tăng trưởng đi lên.

Trong khi đó, Việt Nam hiện tại có tăng trưởng cao nhưng lại chưa ổn định. Với tốc độ tăng trưởng GDP/người 5 - 5,5%/năm như hiện tại, Việt Nam gần như không thể thu hẹp khoảng cách và trình độ phát triển để bắt kịp với các nước trong khu vực và với các nước mà Việt Nam muốn đuổi kịp.

Nền kinh tế khó cải cách do "thiếu thị trường, thừa nhà nước"

Lý giải cho sự tăng trưởng chưa ổn định của kinh tế Việt Nam, ông Cung cho rằng, cơ cấu kinh tế có sự đóng góp của các ngành tăng trưởng. Trong khi đó, một thực tế tại Việt Nam là đóng góp của các ngành vào GDP về cơ bản vẫn giữ nguyên, không có sự dịch chuyển trong nội bộ nền kinh tế, không có dịch chuyển nguồn lực để có các ngành kinh tế hiệu quả hơn.

Nếu nhìn vào thành phần kinh tế của Việt Nam, sẽ chỉ thấy khu vực FDI đang tăng lên nhanh chóng khiến tỷ trọng khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước giảm chứ không có sự dịch chuyển nguồn lực của các thành phần kinh tế trong nước.

Nguyên nhân của thực trạng này theo ông Cung là do Việt Nam không có thị trường đúng nghĩa khiến nền kinh tế rất kém năng động. Từ đó dẫn đến không có sản phẩm mới, ngành nghề mới, chính sách mới để thúc đẩy tăng trưởng, trong khi đây mới chính là những yếu tố then chốt quyết định đến sự phát triển nội lực của nền kinh tế, giúp đất nước phát triển đi lên.

Khâu chuyển dịch nguồn lực phát triển tại Việt Nam vẫn chủ yếu theo mệnh lệnh hành chính. Những cái mới là sáng tạo đang rất khó phát triển tại Việt Nam. Cơ chế kinh tế quen kiểu "làm theo quy định, tiến theo quy trình" sẽ triệt tiêu mọi sáng tạo. 

"Đối với một nền kinh tế thiếu thị trường, thừa nhà nước sẽ cực kỳ khó trong cải cách bởi nhà nước rất nhiều nhóm đan xen, mỗi cải cách sẽ động chạm đến lợi ích của các nhóm, khiến áp lực cải cách, đổi mới rất lớn", ông Cung nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa được ông Cung đề cập đến là việc doanh nghiệp hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ phá sản tăng cao. Điều này được giải thích ở tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp tư nhân giảm. Bên cạnh đó, lãi suất vay ngân hàng gia tăng khiến doanh nghiệp không duy trì được, buộc phải ngừng hoạt động.

Vấn đề đặt ra là, tại sao Chính phủ yêu cầu cải cách, các bộ, ngành cũng nêu cải cách, cắt giảm giấy phép con, giảm điều kiện kinh doanh tại sao doanh nghiệp phá sản vẫn cao? 

Đây là sự bất hợp lý, mâu thuẫn chính sách và thực tiễn cần nghiên cứu, đánh giá để có góc nhìn chính xác hơn, qua đó tìm ra cách giải bài toán tăng trưởng, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.