TS. Nguyễn Đình Cung: "Đừng quá lạc quan" về những khởi sắc của nền kinh tế

Phạm Sơn - 09:51, 09/12/2022

TheLEADERTheo TS. Nguyễn Đình Cung, những khó khăn hiện nay khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh thậm chí còn khó khăn hơn so với thời điểm 10 năm trước.

TS. Nguyễn Đình Cung: "Đừng quá lạc quan" về những khởi sắc của nền kinh tế
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM). Ảnh: Báo Đầu tư

Giai đoạn cuối năm, nền kinh tế phải đối diện với nhiều thách thức. Cụ thể, kinh tế thế giới có chiều hướng suy giảm, lạm phát tăng ở mức cao. Đồng USD lên giá kéo theo sự sụt giá của nhiều đồng tiền khác, bao gồm cả đồng Việt Nam.

Những yếu tố bên ngoài đó tạo ra tác động khiến doanh nghiệp phải đối mặt với thách thức kép là nhu cầu suy giảm, chi phí đầu vào lại tăng cao. “Trong tình cảnh đó, cách duy nhất là doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho biết.

Các động lực tăng trưởng của Việt Nam đều đang suy giảm, từ nhu cầu chi tiêu, xuất khẩu, đầu tư tư nhân cho tới đầu tư công. Đặc biệt, đầu tư công được kỳ vọng là cứu cánh nhưng quy mô và tốc độ giải ngân còn thấp hơn cả năm ngoái.

Trong bối cảnh đó, nguyên Viện trưởng CIEM cho biết, Chính phủ sẽ ưu tiên chống lạm phát, dẫn đến chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt. Đây cũng là yếu tố khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp lung lay. Các kênh huy động vốn đầu tư khác cũng rất khó khăn, dẫn đến nguy cơ xói mòn đi thành quả giải quyết nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống tín dụng suốt 10 năm qua.

Một số doanh nghiệp còn nhận xét, tình hình hiện tại còn thách thức, khó khăn hơn so với 10 năm về trước: nhu cầu trên thị trường quốc tế giảm mạnh hơn; chi phí đầu vào tăng cao hơn; tín dụng khó tiếp cận hơn. Thậm chí, sau chục năm thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, một số quy định còn khắt khe hơn và chi phí tuân thủ cao hơn trước.

Điển hình như việc thanh tra, kiểm tra diễn ra thường xuyên hơn so với thời điểm cách đây 10 năm. Nếu trước đây đưa ra chủ trương không thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần mỗi năm thì hiện tại, theo lời vị chuyên gia kinh tế là “cứ có vấn đề gì phát sinh là lại lập đoàn thanh tra”.

Bên cạnh đó, trong nền kinh tế hiện nay, một số hiện tượng “chưa từng có” cũng đang xảy ra, phải kể đến là việc công chức “không muốn làm, không dám làm, không dám quyết định”, hay là tâm lý “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử” như một Đại biểu Quốc hội nêu lên thời gian gần đây.

“Đừng quá lạc quan”

“Đừng quá lạc quan”, ông Cung nhấn mạnh về công tác điều hành chính sách tại tại hội thảo "Thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường" do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức.

Theo vị chuyên gia kinh tế, những khởi sắc của nền kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ là nhất thời. Những yếu tố ấy đã biến mất kể từ quý cuối năm và được dự báo là sẽ không xuất hiện trở lại trong năm tiếp theo.

Như vậy, sự lạc quan quá mức sẽ dẫn đến nhìn nhận sai thực tế và thiếu vắng những chính sách phù hợp, trong khi nền kinh tế đang rất cần những “luồng sinh khí mới”.

Nói về giải pháp cho giai đoạn tiếp theo, nguyên Viện trưởng CIEM nhấn mạnh “kiềng 3 chân” trong điều hành chính sách đã được quán triệt suốt nhiều năm qua, bao gồm ổn định vĩ mô; cải cách, tái cơ cấu thay đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Trong đó, ổn định vĩ mô vẫn là điều đặc biệt cần thiết, tuy nhiên chính sách để giữ ổn định vĩ mô cần linh hoạt, tránh một số biểu hiện cứng nhắc như giai đoạn vừa qua. “Yếu tố bất lợi là từ phía bên ngoài, không kiếm soát được, do đó phải linh hoạt thay vì tìm cách đè nén thị trường”, vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Về cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế, ông Cung cho rằng phải có những cải cách thể chế đủ mạnh, có tính nhất quán và đặc biệt là phải thuận theo thị trường.

Giai đoạn trước, trọng tâm của cải cách thể chế là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, đối với giai đoạn sắp tới, cải cách thể chế cần thay đổi trọng tâm sang phát triển các loại thị trường nhân tố sản xuất để những thị trường này nắm giữ vai trò huy động và phân bổ nguồn lực.

Trong công cuộc cải cách thể chế, nguyên Viện trưởng CIEM nhấn mạnh vai trò của truyền thông. Theo đó, truyền thông cần tránh “tô hồng” quá mức, cần tập trung hơn vào những khó khăn để tạo ra động lực đề ra giải pháp.