TS. Nguyễn Minh Hòa: Tôi không tin nhà hát nghìn tỷ Thủ Thiêm sẽ là một công trình đặc sắc

Kim Yến - 11:15, 22/10/2018

TheLEADERNhà đô thị học Nguyễn Minh Hòa cho rằng, việc TP. HCM xây nhà hát giao hưởng là cần thiết, vấn đề quan trọng là thành phố có tạo nên được một công trình kiến trúc đặc sắc, một nhà hát đáng ngưỡng mộ hay không?

Quyết định xây dựng nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm của TP. HCM đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong nhiều ngày qua với nhiều quan điểm trái chiều. Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý phát triển đô thị, TS. Nguyễn Minh Hòa đã chia sẻ với TheLEADER những góc nhìn thẳng thắn về dự án này. 

Được biết ông là thành viên kỳ cựu ở trong Hội đồng qui hoạch kiến trúc TP. HCM, chắc ông có nhiều thông tin về số phận Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP. HCM?

Ông Nguyễn Minh Hòa: Đúng là tôi là một trong số ít có thâm niên lâu nhất trong hội đồng này, đã trải qua 5 đời giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc nên tôi khá rành về chuyện này. Thực ra nó không phải là câu chuyện phức tạp, nhưng lại là câu chuyện có nhiều kỳ về số phận chuân chuyên của nhà hát này. Ý tưởng về nhà hát hình thành vào năm 1998, khi đó nó có tên là Nhà hát giao hưởng. Cái khó nhất là chọn địa điểm, địa điểm thứ nhất được chọn vào năm 1999 là ở số 23 Lê Duẩn (quận 1) tức là khuôn viên của Công ty sổ số kiến thiết thành phố.

TS. Nguyễn Minh Hòa: Tôi không tin nhà hát nghìn tỷ Thủ Thiêm sẽ là một công trình đặc sắc
Nhà đô thị học Nguyễn Minh Hòa

Miếng đất khá đẹp, vuông vức, nằm ngay trục đường đẹp nhất thành phố, thiết kế kiến trúc công trình đã được thực hiện vào năm 2004 nhưng vì khu đất này nhỏ quá, nếu làm thì không chứa hết các chức năng cần thiết và chắc chắn sẽ kẹt xe, do vậy không thực hiện ở đây nữa sau nhiều lần cân nhắc. Sau đó các địa điểm khác được tính đến như Văn Thánh, quận 2, sau nữa là công viên 23-9.

Được biết ông là người kiên quyết phản đối đến cùng xây nhà hát ở địa điểm Công viên 23-9 này?

Ông Nguyễn Minh Hòa: Quả là như vậy, dự án xây dựng nhà hát giao hưởng ở công viên 23-9 này được lựa chọn vào năm 2009 dường như đã được quyết xong xuôi, chỉ còn đóng dấu đỏ vào giấy phép xây dựng nữa là xong. Một công ty thiết kế của Đức đã trình hai phương án kiến trúc rất đẹp cùng một bản thuyết minh chu đáo, đa số các thành viên hội đồng đều tán thành sau 3 lần chỉnh sửa để giải quyết các tình huống có thể xảy ra như làm thêm hầm chứa xe, chuyển hướng một vài làn đường giảm kẹt xe, nhưng tôi cho rằng công viên cây xanh ở giữa thành phố là một tài sản vô giá không nên lấy nó vào bất cứ chuyện gì, nhà hát giao hưởng ở đó chỉ phục vụ cho một số ít người có tiền, còn công viên thì bất kỳ ai cho dù là ăn mày, bán vé số cũng có quyền tận hưởng.

Công viên có 9ha mà lấy mất 5ha cho nhà hát giao hưởng, một phần đất nữa dành cho các công trình kỹ thuật của nhà ga Metro trung tâm, như thế là xoá sổ công viên. Sau này nhiều hiệp hội, chuyên gia phản đối cho nên dự án nhà hát giao hưởng tại đây bị huỷ bỏ. Cuối cùng vào năm 2012 Hội đồng Quy hoạch kiến trúc thành phố thống nhất đề xuất với lãnh đạo thành phố là nên chuyển sang Thủ Thiêm, với miếng đất rộng lớn thì các kiến trúc sư, nhà thiết kế có thể tự do sáng tác, thể hiện được tất cả ý đồ của mình, nhà hát sẽ thực hiện được nhiều chức năng hơn. Vì chuyện này mà nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, quản lý văn hoá ghét tôi ra mặt.

Có ý kiến cho rằng không nên xây nhà hát giao hưởng vì số tiền 1.500 tỷ đồng quá lớn, trong bối cảnh nước ngập, kẹt xe, thiếu bệnh viện, trường học thì rất lãng phí mà số tiền đó dành để cho các công trình phúc lợi tốt hơn, hơn thế nữa dành số tiền đó đền bù thiệt hại cho bà con Thủ Thiêm?

Ông Nguyễn Minh Hòa: Trước hết phải hiểu việc xây nhà hát giao hưởng không phải là một việc làm ngẫu hứng hay “bất thường” của thành phố, nó nằm trong chiến lược phát triển và tính toán từ rất lâu của thành phố. Việc phân bổ ngân sách của một thành phố thành các gói khác nhau, gói nào dùng vào việc nấy, chuyện nào đi chuyện nấy, không phải là không dùng việc này thì chuyển qua dùng vào việc khác.

Con số 1.500 tỷ đồng tưởng là lớn nhưng không bõ bèn gì nếu dùng vào chống ngập hay đầu tư vào giao thông, vốn tài chính dành cho chống ngập và giao thông hàng tỷ USD phải vay của nước ngoài, còn việc khắc phục sự cố Thủ Thiêm chắc chắn là sẽ có từ nguồn khác, sau khi làm rõ vụ việc thì việc đền bù thiệt hại đương nhiên phải làm.

Không phải làm nhà hát giao hưởng thì quỵt tiền bồi thường cho bà con. Số tiền 1.500 tỷ đồng có được từ bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn, số tiền này được thành phố cam kết và Trung ương đồng ý dùng cho nhà hát giao hưởng, không dùng vào việc khác.

Nếu theo thông lệ trước nay, thì TP. HCM không được sử dụng số tiền này mà phải nộp cho Trung ương, sau đó điều tiết lại, mà điều tiết lại thì chắc chắn sẽ không rơi vào nhà hát giao hưởng, may mà nhờ có Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép TP. HCM được tự quyết định các dự án nhóm A, với điều kiện là vốn của thành phố.

Nhưng nên nhớ đây là nghị quyết thí điểm, đến cuối 2020 là kết thúc để Quốc hội xem xét là có nên kéo dài thời hạn thí điểm nữa không, có thể nghị quyết này sẽ bị ngưng lại sau khi tổng kết thì những dự án nhóm A kiểu này chắc chắn không được triển khai, khi đó dự án nhà hát giao hưởng có thể không bao giờ xuất hiện được nữa.

Cũng nên nhắc lại 1.500 tỷ đồng không phải là lớn ở TP. HCM, mỗi ngày TP. HCM thu cho ngân sách được 1.200 tỷ đồng, việc xây dựng nhà hát giao hưởng chỉ bằng hoặc nhiều hơn 1 ngày thu ngân sách của TP.HCM mà thôi. Công bằng mà nói, thành phố này nếu được tự chủ về ngân sách thì chuyện nhà hát giao hưởng là chuyện nhỏ, thậm chí Metro Bến Thành - Suối Tiên chắc đã chạy thử kỹ thuật rồi chứ không dở dang mấy bệ đỡ như bây giờ.

Theo ông, TP. HCM có thực sự cần một nhà hát giao hưởng không? Tại sao không phải là nhà hát cải lương để phát triển bộ môn nghệ thuật được đa số người dân TP. HCM và phía Nam yêu thích?

Ông Nguyễn Minh Hòa: Tôi khẳng định là thành phố cần một nhà hát giao hưởng, một vài người nói giao hưởng là thứ xa lạ với dân Nam Bộ, nói như thế là không chính xác. Đúng là loại hình nhà hát giao hưởng có xuất xứ từ châu Âu, nó xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam là ở Sài Gòn chứ không phải Hà Nội. Năm 1859, người Pháp chiếm miền Nam, năm 1862 bắt đầu xây dựng Sài Gòn thành một thành phố kiểu Châu Âu, năm 1864 đã cho xây dựng “nhà hát Tây” bằng gỗ trên nền đất của KS. Caravelle ngày nay, năm 1898 xây nhà hát hiện đại ở ngay vị trí như thấy bây giờ và gọi là nhà hát giao hưởng (Opera House).

Như vậy, người dân Sài Gòn đã tiếp xúc với loại hình giao hưởng, nhạc không lời, balle rất sớm. Nhà hát lớn Hà Nội do người Pháp xây dựng năm 1911, tức là sau nhà hát Sài Gòn chừng 10 năm. Như thế có thể nói, nhà hát giao hưởng và các loại hình biểu diễn trong nó mang mầu sắc hiện đại phương Tây đã là một phần trong lịch sử thành phố và là một dòng chảy trong dòng sông văn hoá của đời sống tinh thần, đời sống âm nhạc của người dân thành phố này, thiết nghĩ chúng ta cần giữ gìn và phát huy.

Nếu nói giao hưởng, thính phòng là đỉnh cao của nghệ thuật âm nhạc thì sẽ có người phản đối là hạ thấp âm nhạc bản địa, có thể chúng ta buồn lòng nhưng có một thực tế nên nhìn nhận. TP. HCM là một trung tâm kinh tế sôi động, nhưng về văn hoá nghệ thuật, âm nhạc chỉ ớ mức bình dân, phổ thông. Khi chúng ta đến Hà Nội, bạn bè hỏi là đi thăm đâu, lăng Bác, Bờ Hồ, Chợ đêm, làng cổ Đường Lâm, Bát Tràng,… khi bạn bè đến Sài Gòn chúng ta hỏi đi nhậu ở đâu?

Lẽ nào đỉnh cao của Sài Gòn là borero, tấu hài, karaoke,… Mỗi một dòng nhạc, một loại hình có giá trị riêng nhưng rõ ràng trên thế giới thì nhạc giao hưởng là đỉnh cao của loại âm nhạc bác học, lẽ nào TP. HCM quay lưng lại với nó, trong khi nó đã có ở thành phố này hơn 200 năm như một truyền thống.

Đồng thời, cho đến nay TP. HCM có một lực lượng đào tạo, biểu diễn nhạc giao hưởng hùng hậu, có đẳng cấp quốc tế nhưng không có cơ ngơi riêng của mình, mỗi lần biểu diễn phải đi thuê, mượn. TP. HCM không lẽ sau hơn 40 năm thống nhất rồi mà không có được nhà hát giao hưởng là vô lý, trong khi Nhà hát thành phố hiện nay quá nhỏ, với 700 chỗ ngồi chỉ phù hợp với các cuộc biểu diễn qui mô nhỏ, nhà hát Hoà Bình là nhà hát đại chúng không phù hợp với loại âm nhạc hàn lâm cần có một không gian thiết kế chuyên nghiệp, đẳng cấp.

Ở một phía khác, nhà hát giao hưởng chính là cầu nối với quốc tế trong văn hoá nghệ thuật, là một kênh hội nhập quốc tế mạnh mẽ giúp thành phố chúng ta hội nhập sâu hơn vào các chiều kích của thế giới rộng lớn.

Có ý kiến cho rằng loại nhà hát này chỉ có một số ít người được hưởng, đầu tư như thế rất lãng phí?

Ông Nguyễn Minh Hòa: Ý định lúc ban đầu nhà hát này chủ yếu phục vụ cho loại hình giao hưởng và nhạc thính phòng cho nên gọi là nhà hát giao hưởng và thiết kế khi đó cũng chỉ tính đến các phòng cho nhạc cụ đã được mua sắm từ 10 năm trước với giá khoảng 47 tỷ đồng (khoảng 2 triệu USD).

Về sau nhiều chuyên gia thấy nếu chỉ là nhà hát giao hưởng thì có thể không sáng đèn hàng đêm, mà phải là nhá hát kiểu tạp kỹ, trong đó giao hưởng, thính phòng chỉ là một phần, nên đổi lại là nhà hát giao hưởng, nhạc, và vũ kịch, có nghĩa là nơi đây có thể biểu diễn các loại hình âm nhạc, dân ca, dân vũ truyền thống, tất nhiên là cả cải lương, chèo, tuồng, hát bội, múa rối, xiếc, kịch nói của Việt Nam, của Đông Nam Á và thế giới.

Hơn thế nữa khi sang Thủ Thiêm không gian nghệ thuật của nhà hát sẽ được mở rộng ra thêm nhiều chức năng khác nữa, trở thành một trung tâm nghệ thuật đa chức năng gồm nhiều phòng hòa nhạc, sân khấu, rạp chiếu phim, phòng trưng bày mỹ thuật, thư viện, trung tâm hội nghị, hội thảo, triển lãm, biểu diễn thời trang ngoài trời, công viên cây xanh, cùng nhiều tiện nghi giải trí, văn hóa khác… người dân đến đây không chỉ có xem biểu diễn mà còn có không gian thư giãn, nghỉ ngơi, dạo chơi, giao lưu. Nhà hát sẽ là bệ phóng cho các loại hình văn hoá nghệ thuật đa dạng, phong phú của truyền thống và hiện đại, của Việt Nam và trên thế giới.

Như thế cùng với các loại hình văn hoá, nghệ thuật, âm nhạc khác của Việt Nam và trên thế giới, dòng nhạc hàn lâm (giao hưởng, thính phòng) góp phần nâng cao trí tuệ âm nhạc của người dân TP. HCM. Các bạn trẻ sẽ được biết ngôn ngữ âm nhạc của Bethoven, Traicopxki, Moza, Bach, …

Ông phản đối việc xây nhà hát giao hưởng ở công viên 23-9 nhưng lại ủng hộ cho việc xây dựng ở Thủ Thiêm, vì sao vậy?

Ông Nguyễn Minh Hòa: Bán đảo Thủ Thiêm được qui hoạch 1996 với mục đích biến nó trở thành một khu đô thị mới như “Phố Đông” (Thượng Hải), đây là trung tâm kinh tế tài chính, dịch vụ hiện đại nhất bậc nhất Đông Nam Á. Trong phân khu chức năng, ở phần lõi có một số công trình phục vụ người dân như quảng trường, trung tâm triển lãm, bảo tàng, nhà hát thành phố, rạp xiếc, đài quan sát cao nhất thành phố, công viên, các âu thuyền, đường đi bộ,… nhưng qua 20 năm những công trình kỳ vọng đó không thấy đâu mà chỉ có đất trống, cỏ lác và khu dân cư của một số đại gia.

Chúng ta kêu gọi nhà đầu tư bỏ tiền vào đây nhưng bản thân chúng ta không có động tĩnh, không xây một công trình nào, không chịu bỏ ra đồng nào thì ai người ta đến, cho nên việc xây nhà hát, nhà triển lãm, công viên, quảng trường, cầu đi bộ chính là những công trình “mồi” để gây cảm hứng cho các nhà đầu tư khác đổ bộ vào. Khi có đông người đến, nhà đầu tư sẽ nhận thấy khả năng sinh lời, nhất là những nhà đầu tư dịch vụ, chả ai dại ném tiền vào chỗ không người.

Một nhà hát thiết kế hiện đại, độc đáo sẽ trở thành điểm nhấn kiến trúc, công trình mang biểu tượng văn hoá thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Điều đó không chỉ tạo nên hình ảnh ấn tượng cho thành phố mà thực sự mang lại lợi ích kinh tế khi khách du lịch tăng lên bởi sự hấp dẫn của Thủ Thiêm, trong đó có nhà hát giao hưởng giống như Nhà hát Esplanade (Sầu Riêng) của Singapore hay Nhà hát Opera (Con Sò) của Sydney, Úc.

Nhà hát Con Sò (xây trên diện tích 1,8 ha, trên 5.700 chỗ ngồi) là điểm du lịch nổi tiếng của Úc, mỗi năm có từ 8 -10 triệu người đến thăm và hơn 350.000 người mua vé tour tham quan nhà hát, mang lại nguồn lợi lớn cho thành phố này.

Cần nói thêm rằng, so với nhà hát con Sò và nhà Sầu Riêng thì suất đầu tư cho nhà hát giao hưởng của TP. HCM không phải là lớn chừng 70 triệu USD, qui mô trung bình với 1.700 chỗ cho hai khán phòng lớn (1.200 chỗ) và nhỏ (500 chỗ). Nhà hát Con Sò xây trong 14 năm, tốn 927 triệu đô la Úc (tính theo thời giá năm 2016).

Nhà hát Esplanade ở Singapore xây trong sáu năm, tốn 600 triệu đô la Singapore (theo thời giá năm 2002). Nếu chúng ta tiếc tiền không xây thì quả là không nên một chút nào.

Theo ông tại sao dư luận lại ồn ào quá mức xung quanh chuyện xây nhà hát giao hưởng?

Ông Nguyễn Minh Hòa: Theo tôi, việc công bố dự án này vào thời điểm này có cái bất lợi về tâm lý xã hội là nó đặt tại Thủ Thiêm mà những lùm xùm, tiêu cực của Thủ Thiêm lại đang là điểm nóng, chưa giải quyết dứt điểm. Cho nên bà con bất bình là phải thôi, sự bất bình này không hẳn vì nhà hát giao hưởng mà nó cho thấy niềm tin của bà con vào chính quyền xuống khá thấp, khi niềm tin xuống thấp thì chính quyền làm cái gì cũng dễ nhận được phản ứng khác nhau, có nhiều người phản ứng thái quá, trong khi chưa hiểu hết sự tình.

Với tư cách là nhà đô thị học, ông có còn điều gì trăn trở với nhà hát giao hưởng này không?

Ông Nguyễn Minh Hòa: Điều mà tôi lăn tăn nhất về công trình này không phải là làm hay không mà tôi sợ rằng nó không có gì đặc sắc cả, mất tiền mà làm ra công trình làng nhàng thì thật uổng, phụ lòng mong đợi của dân. Thành phố này hầu như không có công trình nào đặc sắc được thế giới ngưỡng mộ, có cái nổ quá, tuyên ngôn là tuyệt tác nhất thế giới nhưng khi khánh thành thì trông thật mỏng mảnh khẳng khiu.

Vấn đề là làm sao mời được các kiến trúc sư giỏi nhất thế giới đến đây thiết kế một nhà hát có một không hai trên thế giới mới “đáng đồng tiền bát gạo”, mới ghi dấu ấn vào lịch sử kiến trúc thành phố, mới thu hút khách nước ngoài kháo nhau rằng phải đến xem một lần trước khi chết. Nhưng tôi không tin là nó sẽ là một công trình đặc sắc, kinh nghiệm mách bảo tôi điều đó.

Xin cám ơn ông!