TS. Nguyễn Phương Bắc: 'Doanh nghiệp minh bạch sẽ tận dụng tốt hơn những cải cách'

Thu Phương - 10:56, 09/04/2018

TheLEADERĐó là nhận định của TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh về tầm quan trọng của quản trị đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Phương Bắc: 'Doanh nghiệp minh bạch sẽ tận dụng tốt hơn những cải cách'
TS. Nguyễn Phương Bắc.

Trao đổi với TheLEADER, ông Bắc nhìn nhận, chất lượng quản trị doanh nghiệp tốt sẽ giúp doanh nghiệp có thể tận dụng được những hỗ trợ của Nhà nước trong việc cải tiện môi trường kinh doanh.

Năng lực quản trị tốt sẽ giúp doanh nghiệp đón đầu được những chính sách mới, nắm bắt được những cơ hội mới để phát triển, từ đó có thể “đi tắt đón đầu”, đi nhanh hơn trong việc phát triển, mở rộng quy mô và hiệu quả hoạt động.

Ngược lại, doanh nghiệp quản trị chưa tốt, không minh bạch sẽ ngại đổi mới và luôn sợ những cải cách của Chính phủ. 

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của quản trị trong sự phát triển của doanh nghiệp?

TS. Nguyễn Phương Bắc: Chính phủ hiện đang triển khai rất nhiều giải pháp nhằm cắt giảm giấy phép con, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp hướng tới nâng cấp năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thực tế trong nghiên cứu của PCI đã cho thấy nơi nào hoạt động đối thoại giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp tốt hơn thì nơi đó có chỉ số PCI được cải thiện hơn giữa năm nay với năm trước. 

Đối thoại chính là cách hữu hiệu để doanh nghiệp hiểu về chính quyền và cũng là cơ hội để các cơ quan quản lý nắm bắt được những khó khăn của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp quản trị minh bạch giống như một kháng thể để thích ứng với môi trường kinh doanh được cải thiện của Chính phủ, từ đó, doanh nghiệp mới có thể thực thi được những cải cách.

Ngược lại, doanh nghiệp quản trị chưa tốt sẽ ngại đối thoại, doanh nghiệp hoạt động không minh bạch sẽ luôn sợ những cải cách của Chính phủ.

Lấy ví dụ đơn giản như về chi phí không chính thức, chỉ khi doanh nghiệp có năng lực quản trị tốt, hoạt động công khai minh bạch mới có thể không chấp nhận trả những chi phí này. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp quản trị yếu luôn chấp nhận chi trả các chi phí không chính thức để sớm được việc.

Ông đánh giá như thế nào về năng lực quản trị của các doanh nghiệp tại Bắc Ninh hiện nay?

TS. Nguyễn Phương Bắc: Các doanh nghiệp tại Bắc Ninh chủ yếu đi lên từ làng nghề, kinh doanh hộ gia đình, do đó, hầu hết họ đều quản trị theo cách gia đình. 

Không thể phủ nhận rằng phương pháp quản trị này đã có những ưu việt nhất định trong giai đoạn trước đây, tuy nhiên, sự phát triển kinh tế xã hội hiện nay đang đặt ra yêu cầu bức thiết khiến các doanh nghiệp này phải đổi mới, cải thiện mô hình quản trị kinh doanh để tiếp tục phát triển lớn mạnh hơn nữa.

Một thực tế nữa tại Bắc Ninh là nhiều doanh nghiệp gia đình có tuổi rất cao nhưng dường như họ vẫn chưa thể chuyển giao cho các thế hệ con cháu với phương pháp quản trị doanh nghiệp mới. Bên cạnh đó, chưa nhiều doanh nghiệp thuê quản trị chuyên nghiệp mà chủ yếu là tự quản lý theo cách gia đình.

Các doanh nghiệp quản trị theo cách này có thể họ đang thấy phương pháp quản trị cũ vẫn hoạt động hiệu quả, doanh nghiệp vẫn phát triển ổn định và chắc chắn hơn trong mọi sự biến động của kinh tế xã hội. Chính vì vậy, họ vẫn tiếp tục duy trì, ngại thay đổi sang phương pháp quản trị mới. 

Tuy nhiên, rõ ràng là nếu cứ giữ phương thức hoạt động như vậy, các doanh nghiệp sẽ khó có thể có được bước đột phá trong phát triển để “lớn lên” và đi xa. Do đó, nếu muốn phát triển, doanh nghiệp tất yếu phải thay đổi.

Mặt khác, tại Bắc Ninh hiện đang có rất nhiều cách quản trị tốt của các doanh nghiệp FDI. Song điều đáng nói là những cách thức quản trị này vẫn chưa thể lan toả đến cộng đồng doanh nghiệp của địa phương. 

Điều đó cho thấy dường như đang có sự cách biệt khá lớn giữa hai khu vực, những ảnh hưởng lan toả của các doanh nghiệp FDI sang nền kinh tế cũng như liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI vẫn còn rất mờ nhạt.

Được biết, thực tế Bắc Ninh đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp FDI, song hiện có rất ít doanh nghiệp Việt tham gia được vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp này. Theo ông đâu là nguyên nhân?

TS. Nguyễn Phương Bắc: Bắc Ninh hiện đang có lợi thế rất lớn do thu hút rất nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, thực tế là số doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp này vẫn còn rất hạn chế.

Nguyên nhân của thực trạng này trước hết là do yếu tố về công nghệ: Các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI phải đáp ứng được tiêu chuẩn sản xuất, chất lượng sản phẩm vô cùng khắt khe của các doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, lại trở về vấn đề về quản trị doanh nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam không có năng lực quản trị tốt, không công khai minh bạch sẽ khó có thể đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI.

Tỉnh Bắc Ninh cũng như Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Bắc Ninh đã có những giải pháp gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, thưa ông?

TS. Nguyễn Phương Bắc: Nắm bắt được thực trạng phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, trong hai năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã tăng cường nhiều giải pháp kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp gia đình thông qua Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Bắc Ninh để nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp. 

Qua đó, thúc đẩy việc liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài.

Mặt khác, tỉnh cũng có các giải pháp hỗ trợ các hộ kinh doanh gia đình chuyển đổi sang doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển công nghệ, khởi nghiệp. Hiện tỉnh đã ban hành chính sách khởi nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.

Ông có kỳ vọng gì về sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Bắc Ninh trong thời gian tới?

TS. Nguyễn Phương Bắc: Bắc Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thể phát triển so với các địa phương khác như khả năng liên kết với các doanh nghiệp FDI, hiện tỉnh đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đây sẽ là cơ hội lớn trong phát triển của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là cơ hội mới về khởi nghiệp dựa trên nền tảng Bắc Ninh vốn là vùng đất khởi nghiệp nổi tiếng từ sau đổi mới. 

Với nền tảng này, trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, cùng với đó là những quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, chính quyền địa phương trong việc cắt giảm giấy phép con, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp Bắc Ninh được kỳ vọng sẽ phát triển lớn mạnh hơn trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!