Hai điểm khác biệt trong chỉ số PCI 2017

Thu Phương - 08:15, 28/03/2018

TheLEADERPhương pháp luận trong bảng chỉ số PCI 2017 có nhiều sự điều chỉnh mới so với các năm trước đó nhằm tìm ra những con số thiết thực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách thực chất thay vì chỉ chạy theo bề nổi.

Hai điểm khác biệt trong chỉ số PCI 2017
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam

Sau 13 năm kể từ lần đầu tiên công bố vào năm 2005, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vẫn luôn giữ được sức hút của mình mỗi lần ra mắt.

Điều tra PCI hàng năm đã cung cấp những thông tin độc lập, khách quan về môi trường kinh doanh cấp tỉnh, là cơ sở tham khảo quan trọng cho các cơ quan Nhà nước, qua đó tạo động lực liên tục để bộ máy chính quyền địa phương thay đổi, cải thiện chất lượng điều hành kinh tế theo hướng tốt hơn. 

Chỉ số PCI nhiều năm gần đây đã trở thành một căn cứ quan trọng trong quyết định đầu tư, kinh doanh của nhiều nhà đầu tư, các tổ chức xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.

TheLEADER đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) về những đổi mới làm nên sức hút của PCI năm 2017.

Báo cáo PCI năm 2017 vừa được VCCI công bố mới đây đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, ông có thể cho biết điều gì đã làm nên sức hút đặc biệt của PCI năm vừa qua, phương pháp nghiên cứu PCI năm 2017 có gì đổi mới hơn so với các năm trước?

Ông Phạm Ngọc Thạch: PCI năm 2017 so với các năm trước có rất nhiều điểm khác biệt, bắt nguồn từ phương pháp luận PCI có hai điểm mới cơ bản so với những năm trước. 

Điểm mới thứ nhất là nhóm nghiên cứu đã tiến hành hiệu chỉnh lại chỉ số PCI. Trên cơ sở rà soát hệ thống các chỉ tiêu đánh giá và kết quả tham vấn ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp, PC 2017 đã loại bỏ 6 chỉ tiêu không còn phù hợp hoặc đã hoàn thành “nhiệm vụ” đo lường cải cách trong giai đoạn trước. Ví dụ như tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký thành lập qua bộ phận một cửa trong đăng ký doanh nghiệp, đến nay toàn bộ các tỉnh, thành phố đều áp dụng phương thức này. 

Bên cạnh đó,PCI 2017 đã bổ sung thêm 24 chỉ tiêu mới để nắm bắt được những thách thức mới trong môi trường kinh doanh mà doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải. 

Điển hình như vấn đề thiếu quỹ đất sạch, giải phóng mặt bằng chậm trong tiếp cận đất đai, đánh giá về việc cung cấp thông tin, văn bản của các cơ quan nhà nước, minh bạch trong đấu thầu, tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh kiểm tra quá mức hay tỷ lệ doanh nghiệp cho biết nội dung thanh kiểm tra bị trùng lặp. 

Mặt khác, một số chỉ tiêu mới được bổ sung thêm nhằm đánh giá về hiệu quả của công tác đối thoại doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố, hay nhu cầu đảm bảo an ninh trật tự cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Ban điều hành PCI cũng sắp xếp lại các chỉ số thành phần để phản ánh được tốt hơn tinh thần của các cải cách lớn gần đây và điều chỉnh trọng số trong các chỉ số thành phần nhằm mục đích truyền tải tốt hơn những ưu tiên chính sách cho lãnh đạo chính quyền địa phương. 

Tổng cộng có 128 chỉ tiêu hợp thành 10 chỉ số thành phần trong chỉ số PCI 2017, so với con số 112 chỉ tiêu của giai đoạn 2013 - 2016. 

Điểm mới thứ hai là PCI năm 2017 đã thay đổi cách phân nhóm chất lượng điều hành của các tỉnh thành phố. Trong giai đoạn 2006 - 2016, chúng tôi xác định các nhóm chất lượng điều hành dựa trên các “điểm phân nhóm” của hai nhóm có khoảng cách điểm lớn nhất. Tuy nhiên cách phân nhóm này có nhược điểm là việc xác định các điểm phân nhóm ngày càng khó hơn do xu hướng hội tụ điểm số PCI theo thời gian. 

Chính vì vậy, từ năm 2017, PCI đã áp dụng cách phân nhóm chất lượng điều hành theo phương pháp thống kê về độ lệch chuẩn và khoảng cách điểm số từng tỉnh đến điểm số tỉnh trung vị PCI. Cách làm này giúp việc phân nhóm chất lượng điều hành giữa các tỉnh chính xác và có ý nghĩa hơn.

Nguyên nhân nào đã khiến PCI năm 2017 có sự thay đổi lớn trong cách nghiên cứu như vậy, thưa ông?

Ông Phạm Ngọc Thạch: Việc hiệu chỉnh phương pháp luận PCI nhằm mục đích cập nhật được những vận động của nền kinh tế trong nước, từ đó có thể cung cấp những khuyến nghị khả thi cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam, thông qua những thước đo, chỉ tiêu cụ thể cần thiết để đánh giá tác động và hiệu quả chính sách.

Qua những lần hiệu chỉnh trước đây vào năm 2009 và 2013, nhiều vấn đề mà nghiên cứu PCI chỉ ra đã được chính quyền các địa phương chú ý giải quyết, gỡ bỏ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. 

Chẳng hạn, nếu như trước đây thời gian đăng ký doanh nghiệp mất đến hàng tháng với nhiều yêu cầu giấy tờ thủ tục, thì hiện nay doanh nghiệp chỉ mất vài ngày để nhận kết quả đăng ký doanh nghiệp. 

Trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam đã là một quốc gia có thu nhập trung bình với những thách thức về đô thị hóa và tăng trưởng nhanh, đòi hỏi các chỉ số của PCI phải được điều chỉnh và tính toán lại để có thể theo dõi đánh giá được những diễn biến trong việc giải quyết những thách thức này.

Một lý do nữa cho việc cần phải hiệu chỉnh lại chỉ số PCI là sự khác biệt và chênh lệnh về điểm số PCI giữa các tỉnh có xu hướng thu hẹp lại. 

Sau mỗi lần hiệu chỉnh phương pháp luận, chúng tôi đều thấy ngày càng có sự hội tụ về mặt điểm số PCI, khiến cho việc phân tách nhóm chất lượng điều hành trở nên khó khăn. Các tỉnh xếp hạng thấp có thể bắt kịp các tỉnh nhóm trên dễ hơn, trong khi các tỉnh xếp hạng cao thì ít có không gian cải thiện bứt phá. 

Chẳng hạn như, việc tiến hành những cải cách nhỏ thông qua việc rút ngắn thời gian thủ tục cũng như tăng cường công khai tài liệu, văn bản pháp luật và phí, lệ phí, thì dễ dàng thực hiện hơn so với thực hiện một chương trình để giảm và phòng chống tham nhũng hay nâng cao hiệu quả của tòa án. 

Do vậy mà kết quả PCI thường cho thấy các tỉnh trong nhóm xếp hạng thấp có xu hướng gia tăng điểm số PCI nhanh, trong khi các tỉnh trong nhóm xếp hạng cao lại “dậm chân tại chỗ” quanh mức 70 điểm.

Bên cạnh đó, việc hiệu chỉnh lại chỉ số PCI cũng nhằm thúc đẩy những cải cách của các tỉnh, thành phố theo hướng thực chất. Trong quá trình tiến hành nghiên cứu và công bố chỉ số PCI, chúng tôi có quan sát thấy khá nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện những cải cách chính sách và có được những cải thiện thực sự. 

Song, cũng có vấn đề là một vài địa phương lại chỉ tập trung vào cải thiện điểm số của các chỉ tiêu cụ thể, ví dụ như chỉ nâng cấp trang web của tỉnh, trong khi lại lơ là vấn đề cốt lõi mà chỉ tiêu này muốn đo lường như nâng cao tính minh bạch, tăng tính dự báo và giảm rủi ro cho môi trường kinh doanh. 

Chính vì vậy, trong không ít trường hợp, điều mà chúng tôi ghi nhận thấy là điểm số của chỉ tiêu tăng nhưng doanh nghiệp vẫn phàn ánh những khó khăn, bức xúc. Nói cách khác, một vài địa phương mới tiến hành những hoạt động mang tính “bề nổi” thay vì triển khai những cải cách mang tính thực chất, và điều này cần được khắc phục.

Đó là những lý do chính khiến nhóm nghiên cứu PCI quyết định hiệu chỉnh phương pháp luận PCI 2017. Những điều chỉnh này cũng phản ánh chung khuyến nghị từ nhiều chuyên gia, cũng như từ chính đại diện của 46 tỉnh, thành phố góp ý cho chúng tôi trong quá trình hoàn thiện phương pháp luận của năm 2017.

Cách làm mới đã mang lại những kết quả nghiên cứu thể hiện như thế nào trong PCI?

Ông Phạm Ngọc Thạch: Việc hiệu chỉnh năm 2017 đã giúp đảm bảo chỉ số PCI có thể cập nhật và phản ánh được những chuyển động của môi trường kinh doanh và nền kinh tế Việt Nam. 

Kết quả điều tra PCI 2017 có thể phản ánh đầy đủ hơn những thách thức mà các doanh nghiệp đang gặp phải, cũng như cung cấp những chỉ tiêu giám sát hiệu quả hơn cho việc thực hiện tại các địa phương những chỉ đạo cải cách của Chính phủ, ví dụ đối với loạt Nghị quyết 19 và cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, những định hướng lớn của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam.

Bên cạnh đó, những hiệu chỉnh mang tính kỹ thuật, như thay đổi cách phân nhóm chất lượng điều hành, cũng khắc phục được xu hướng hội tụ điểm số như chúng tôi đã đề cập ở trên qua kết quả đã công bố.

Ông có nhận xét như thế nào về sự hưởng ứng tham gia khảo sát của cộng đồng các doanh nghiệp trong bảng xếp hạng PCI 2017?

Ông Phạm Ngọc Thạch: Điều tra PCI 2017 có sự phản hồi từ 12.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.200 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.800 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 21 tỉnh, thành phố tại Việt Nam. 

Một xu hướng khá tích cực là số lượng doanh nghiệp tham gia trả lời PCI có xu hướng gia tăng qua các năm. Tính từ năm 2005 trở lại đây, đã có khoảng 120.000 doanh nghiệp từng tham gia điều tra PCI. Tính trung bình, trong 5 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, có một doanh nghiệp từng tham gia trả lời điều tra PCI. 

Điều này cho thấy sự ủng hộ rộng rãi của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp đối với Điều tra PCI. Sự ủng hộ quý giá này có được là bởi PCI đã bền bỉ phản ánh “tiếng nói’ của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tới chính quyền các cấp, từ đó có những tháo gỡ kịp thời, hiệu quả cho các doanh nghiệp.

Qua những kết quả khảo sát đó, ông đánh giá như thế nào về góc nhìn của các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI về môi trường kinh doanh của Việt Nam?

Ông Phạm Ngọc Thạch: Điều tra PCI 2017 ghi nhận sự cải thiện chất lượng điều hành rất ấn tượng của chính quyền các địa phương trên cả nước. So với những năm trước, các chính quyền giải quyết kịp thời hơn các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Chi phí không chính thức có xu hướng được cải thiện tích cực, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn và chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính đang có nhiều chuyển biến tích cực.

Điều tra PCI năm 2017 cũng ghi nhận tâm lý lạc quan gia tăng của các doanh nghiệp vể triển vọng kinh doanh. 52% doanh nghiệp dân doanh sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới, mức cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh có kế hoạch giảm quy mô hoặc đóng cửa là rất thấp, chỉ ở mức 8%. 

Cảm nhân tích cực về triển vọng phát triển còn rõ rệt hơn ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), có tới 60% doanh nghiệp FDI cho biết có kế hoạch tăng quy mô kinh doanh tại Việt Nam, mức cao nhất kể từ năm 2011.

Các doanh nghiệp kỳ vọng chính quyền các cấp tiếp tục duy trì đà cải cách môi trường kinh doanh của năm 2017 trong những năm tiếp tiếp theo, nhất là trong một số lĩnh vực như thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy.

Đồng thời nâng cao chất lượng lao động, nhất là nhân lực trình độ cao, tăng cường công khai minh bạch thông tin, cũng như tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai, mở rộng mặt bằng sản xuất cũng là những mong muốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Trong năm 2018 này, VCCI đã có kế hoạch như thế nào cho việc nghiên cứu PCI? Liệu sẽ có những đổi mới gì so với năm 2017?

Ông Phạm Ngọc Thạch: Phương pháp luận PCI 2018, tương tự như những lần hiệu chỉnh lại trước đây (từ 2005 đến 2008), (2009 - 2012) và (2013 - 2016), sẽ được áp dụng thống nhất trong giai đoạn bốn năm. Các chỉ tiêu, công thức xây dựng chỉ số thành phần, trọng số gán từng chỉ số thành phần và các điểm phân nhóm xếp hạng sẽ vẫn giữ nguyên. Điều này có nghĩa là, từ năm 2017 đến năm 2020, phương pháp luận này sẽ được duy trì ổn định.

Chủ đề nghiên cứu PCI 2018 hiện chưa xác định cụ thể, do chúng tôi đang trong quá trình tham vấn chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp. Song điều chắc chắn là Báo cáo PCI 2018 sẽ có lựa chọn chủ đề liên quan tới những vấn đề chính sách nổi bật, có tác động quan trọng tới sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. 

Xin cảm ơn ông!

Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh.

Đây là dự án hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Chỉ số này được công bố thí điểm lần đầu tiên vào năm 2005 cho 42 tỉnh, thành. Từ năm 2006 đến nay, tất cả các tỉnh thành Việt Nam đều được đưa vào xếp hạng