Leader talk
TS. Vũ Thành Tự Anh: Triển vọng kinh tế Việt Nam 2019 không quá tươi sáng
Có 3 lý do khiến chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh bi quan về triển vọng kinh tế năm 2019: nền kinh tế thế giới sẽ suy giảm, tác động khó đoán của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến Việt Nam và tình hình kinh tế - xã hội nhiều điểm nghẽn của Việt Nam.
Khác với nhiều chuyên gia kinh tế tham gia hội thảo Vietnam Business Outlook 2019 do TheLEADER phối hợp tổ chức với Group Quản lý doanh nghiệp, TS. Vũ Thành Tự Anh, thành viên tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc Trường Fulbright lại cảm thấy triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2019 và những năm sau không quá tươi sáng, các doanh nhân nên cẩn trọng hơn trong các quyết định kinh doanh của mình.
Chia sẻ với gần 300 doanh nhân tham dự, ông Tự Anh đã đưa ra những góc nhìn thẳng thắn về sự "bình thường mới", suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, suy giảm về thương mại, đầu tư và vấn đề di chuyển các dòng vốn cùng những tác động của cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ đến Việt Nam và bức tranh ảm đạm của nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy giảm
TS. Vũ Thành Tự Anh nhìn nhận, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, nếu tính tỷ trọng giữa thương mại và GDP của Việt Nam xấp xỉ 200%, so với các nền kinh tế lớn thì Việt Nam đứng top đầu về độ mở của nền kinh tế. Vì vậy, bất kỳ một cái gì dù lớn dù nhỏ xảy ra trên thế giới đều tác động ngay lập tức và to lớn đến Việt Nam.
Sau khủng hoảng kinh tế năm 2009, nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế thế giới thời điểm hiện tại đã giảm sút, rất khó để phục hồi tăng trưởng so với 10 – 15 năm trước đây. Cách đây 15 năm, tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới trên 4% tuy nhiên những năm gần đây, tăng trưởng từ 3 - 3,5% đã có thể được coi là thành công.
Cũng theo ông Tự Anh, không chỉ thế giới mà cả châu Á cũng gặp phải chuyện đó. Nếu nhìn vào từng khu vực cụ thể, nếu như cách đây khoảng độ 10 năm, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có mức độ tăng trưởng gần 8,5% thì bây giờ chỉ còn 6,8%.
Trung Quốc trước đây tăng trưởng 10,2% giờ còn 7,3%; năm 2016 và vài năm trở lại đây chỉ còn 6,6% hoặc 6,5%, dự đoán cuối thập niên này chỉ còn 6,3% hoặc 6,2%. Tình hình tương tự cũng diễn ra với các nước như Indonesia, Singapore, Hàn Quốc, Việt Nam.
“Bình thường mới” này không phải là bình thường mới của riêng một nước nào đó, mà bình thường mới của tất cả các quốc gia, trong đó có châu Á và Việt Nam, ông Tự Anh nhấn mạnh.
Cách đây khoảng 20 năm, nền kinh tế Việt Nam có những lúc tăng trưởng 9,6 - 9,7%, cách đây 10 năm tăng trưởng được 8,5 - 8,6%, bây giờ rấy khó thấy được tăng trưởng trên 7%. Năm 2018, Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng rất cao nhưng cũng chỉ được 6,8 - 6,9%.
Bên cạnh đó, rủi ro tiềm ẩn của các nền kinh tế cũng rất lớn, như Trung Quốc – quốc gia có nền kinh tế có quan hệ chặt chẽ với Việt Nam. Hiện Trung Quốc có tỷ lệ nợ rất cao, nếu tính từ khởi điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến bây giờ, tỷ lệ nợ của Trung Quốc tăng gấp 4 lần so với trước đó và nhiều khoản nợ trong đó thuộc ngân hàng ngầm, tức là không thông qua ngân hàng chính thức nên không được điều tiết, nó như là những quả bom nổ chậm.
Vừa qua, Trung Quốc đã phá giá đồng Nhân dân tệ, tới thời điểm này đã giảm 9% so với thời điểm cách đây 4 tháng. Nếu Trung Quốc không quản lý được tỷ giá của mình 1 cách hiệu quả, các dòng vốn từ Trung Quốc sẽ bị thất thoát ra nước ngoài.
Đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc, một mặt: họ muốn phá giá đồng tiền để giảm bớt hệ lụy của chiến tranh thương mại, nhưng nếu phá giá nhiều quá, dòng vốn từ Trung Quốc sẽ chạy ra ngoài và nó làm cho nền kinh tế tài chính của Trung Quốc trở nên bất ổn.
Nếu nhìn vào góc độ thương mại, một trong những yếu tố có tính quyết định tới tăng trưởng GDP toàn cầu và quốc gia là thương mại: một trong những quy tắc của thập niên 90 và 00 là tốc độ tăng trưởng thương mại cao gấp đôi tăng trưởng GDP; nhưng từ 2008 đến 2014, thì 2 tốc độ này đã xấp xỉ nhau, còn trên thực tế vài năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng thương mại còn thấp hơn GDP.
Đây là cái điều khiến các nhà kinh tế học hết sức khó lý giải nhưng rõ ràng nó là 1 nhân tố quan trọng nằm đằng sau việc tốc độ tăng trưởng GDP thế giới giảm đi.
Một trong những nguyên nhân khiến GDP thế giới giảm đi nữa là sự gia tăng và ngày càng trở nên hùng mạnh của các chuỗi giá trị toàn cầu, khiến rất nhiều hoạt động lẽ ra phải thông qua xuất nhập khẩu nhưng giờ quay ngược lại châu Âu, Mỹ; làm hoạt động xuất nhập khẩu giảm đi. Trong 3 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng thương mại có dấu hiệu hồi phục.
Ngày 12/4 vừa qua, trong báo cáo của mình, IMF đưa ra nhận định “tăng trưởng thương mại sẽ rất mạnh trong 2018”. Chỉ sau đó hơn 5 tháng (27/9), trong báo cáo mới nhất của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã nhìn nhận “WTO đã làm giảm triển vọng của thương mại toàn cầu”.
Theo đó, ngay cả những tổ chức tài chính – kinh tế lớn như IMF và WTO vẫn không thể dự đoán hết được những diễn biến của nền kinh tế thế giới, do đó, các doanh nghiệp phải luôn sẵn sàng có đối sách phù hợp với mọi tình huống.
Nếu nhìn vào thương mại và sản xuất công nghiệp toàn cầu, lấy năm 2005 – 2015 làm chuẩn là 100 điểm thì sản xuất công nghiệp hiện nay không còn được như trước nữa. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tác động đến ngành sản xuất chứ không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thương mại, tài chính – cụ thể là tỷ giá và các dòng vốn.
Nếu nhìn vào thay đổi xuất nhập khẩu của các nền kinh tế đang phát triển trong 3 năm gần nhất, dự báo sắp tới mảng xuất nhập khẩu sẽ có sự giảm sâu.
Dự báo, trong 2018, tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu sẽ giảm xuống còn 11,5%, so với 13,3% năm 2017, thậm chí năm 2019 chỉ còn 4,8%. Tương tự, nhập khẩu từ 12,8% năm 2018 sẽ xuống còn 5,2% vào năm 2019. Châu Á nói chung cũng không nằm ngoài xu thế, dù tốc độ suy giảm không sâu như thế giới, cụ thể sẽ từ 12% xuống còn 6% đối với xuất khẩu và từ 16% xuống còn 6% với nhập khẩu.
"Cho nên, doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, chắc chắn phải nhìn đến những còn số này. Việt Nam có đặc điểm riêng, không nhất thiết phải copy lại hoàn toàn các nhân tố trên nhưng vì xu thế chung là giảm, nên “nước lên thuyền lên, nước xuống thì thuyền” theo một mức độ nào đó. Có thể, những người giỏi chèo khéo chống sẽ làm cho con thuyền mình nổi và đi nhanh, nhưng đây là bức tranh chung, thời tiết của toàn cầu, mọi người cần cẩn trọng", ông Tự Anh nói.
Về chính sách tiền tệ, các ngân hàng Trung ương trên thế giới đang tăng lãi suất, như FED của Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… FED dự kiến sẽ tăng lãi suất đến 4 lần trong năm nay (đã tăng 3 lần), điều đó có nghĩa là họ đang nhìn thấy nền kinh tế của mình đang tăng trưởng nóng phải đẩy lãi suất lên để kiềm chế lại.
Chúng liên quan gì đến các doanh nghiệp Việt Nam? Tất nhiên là có, nhất là các doanh nghiệp trong mảng xuất khẩu: khi FED và các ngân hàng trung ương khắp thế giới tăng lãi suất thì nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm, nhu cầu hàng hoá Việt Nam cũng sẽ giảm theo , do vậy các quý vị sẽ cảm thấy mình xuất khẩu khó khăn hơn trước.
Về dòng vốn, ngay sau khi ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ đã có một cú sốc nhẹ về dòng vốn nhưng sau đó đã dồi dào trở lại, gần dây, dòng vốn thuần đang chuyển sang âm; có lẽ các nhà đầu tư nhìn thấy hoặc lường trước rủi ro, họ rút lại hoạt động đầu tư của mình. Đầu tư năm nay của Việt Nam cũng đã cho thấy sự đi xuống.
Đầu tư năm 2018 trên toàn thế giới ước tính sẽ giảm khoảng 23% so với 2017, một tỷ lệ giảm vô cùng sâu, các dự án FDI mới hay M&A xuyên biên giới cũng giảm đi. Cụ thể, về quy mô, giá trị của các thương vụ M&A xuyên biên giới giảm khoảng 22%, FDI tổng cộng các dự án mới giảm khoảng 14%, dự án mở rộng giảm khoảng 23%.
Tình hình của Việt Nam cũng không mấy khác, dù chúng ta đang được xem là một điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư toàn cầu nhưng dòng vốn bị thu ngược trở lại cũng tác động ngay đến Việt Nam.
"Có rất nhiều rủi ro ở phía trước mà nếu chúng ta cứ giữ một tinh thần lạc quan và một thái độ sắp tới mở rộng sản xuất kinh doanh thì tôi khuyên các anh chị nghĩ lại 1 lần nữa vì bên ngoài đang có bão. Còn các anh chị cảm thấy vẫn đủ sức khoẻ - tự tin thì cứ giong buồm ra khơi, nhưng nếu cảm thấy gì đó hơi nao nao – bồn chồn thì nên xét lại kế hoạch chiến lược của mình một chút", Giám đốc trường Fulbright nhấn mạnh.
"Việt Nam được hưởng lợi gì từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung" là câu hỏi không đúng
Thứ nhất, cuộc chiến này dù có ông Trump hay không đều sẽ diễn ra vì nó có sự đồng thuận từ cả hai đảng là Dân Chủ và Cộng Hòa. Thứ hai, về bản chất, đây không phải là một cuộc chiến thương mại mà là cuộc chiến sắp xếp lại trật tự thế giới, giữ lại vị thế thống trị thế giới của nước Mỹ.
Năm 2014, ông Tập Cận Bình nói: Trung Quốc đã qua lúc "ẩn mình chờ thời", Trung Quốc bây giờ phải trở thành bông hoa giữa thiên hạ và Trung Quốc nên lấy lại những vinh dự và ánh hào quang đã đánh mất.
Thế nên, từ 2014, Trung Quốc đi theo một con đường hoàn toàn khác: tập quyền và quyết định có những thách thức đối với phương Tây. Thách thức ở đây thể hiện qua những lĩnh vực như liên quan tới thay đổi luật chơi toàn cầu cùng những vị trí thống trị của các tổ chức kinh tế thế giới như IMF hay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Trung Quốc hiện có quy ước SWAP – hoán đổi tiền tệ với khoảng 30 ngân hàng trung ương trên khắp thế giới, tổng số tiền 500 tỷ USD. Cách đây chưa lâu, khi Pakistan có vấn đề, IMF chưa kịp làm gì thì ngay lập tức Trung Quốc đã có 1 gói cứu trợ 900 triệu USD.
Trung Quốc cũng là người khởi xướng thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) vì muốn tạo ra một con đường trên bộ tránh được gọng kìm kiềm tỏa trên biển của Mỹ, là con đường tơ lụa hoàn toàn mới của thế kỷ 21.
Quốc gia này cũng đang cố gắng thiết lập các căn cứ quân sự ở nhiều nước khác, ngoài Djibouti (châu Phi) Trung Quốc còn đang dự định đặt thêm căn cứ tại Sri Lanka… Tương tự như thế, Trung Quốc có chương trình 2025 – muốn đẩy mạnh hoạt động công nghệ và sáng tạo của mình nhằm có thể trở thành những người lãnh đạo – dẫn đầu thế giới.
Đối diện với một nước Trung Quốc đang lên và có nhiều tham vọng như thế, ông Trump buộc phải hành động: bây giờ hoặc không bao giờ, nếu để Trung Quốc vượt qua ngưỡng thì không thể kiềm chế được nữa!
Bây giờ chúng ta hãy nhìn lại một chút về các đối thủ trong các cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ khởi xướng: số một là Nhật Bản những năm 1990 và số hai là Trung Quốc hiện tại. Nước Mỹ thường đưa ra các biện pháp có tính ngăn chặn khi mà GDP của đối thủ xấp xỉ 60% GDP của nước Mỹ, nước Nhật đi tới ngưỡng đó vào những năm 1990 và Trung Quốc đi vào ngưỡng đó trong thời điểm gần đây.
Do đó, nếu chúng ta chỉ chú tâm vào chiến tranh thương mại, chúng ta đã bỏ lỡ một bức tranh lớn hơn rất nhiều và mới chỉ nhìn thấy bề nổi của tảng băng mà không thấy phần chìm rất lớn của nó.
Cuộc chiến này sẽ kéo dài, nó không kết thúc khi Trung Quốc – Tập Cận Bình và Mỹ - Donald Trump ngồi đàm phán và ký hiệp ước với nhau, nó là cuộc chiến của thế kỷ 21, sẽ định hình lịch sử của thế giới.
"Tôi quả thật không đủ lời để diễn tả được những tác động khủng khiếp của nó đến Việt Nam. Chúng ta phải giữ được tinh thần dũng cảm thì mới có thể vượt qua được cuộc chiến này nếu không sẽ là tai hoạ", ông Tự Anh cho biết.
Câu hỏi: Việt Nam được lợi gì từ cuộc chiến tranh thương mại này, không phải là một câu hỏi đúng. Việt Nam được lợi từ một vài ngành như giày dép và nông sản thật không đáng gì nếu so với những thứ lớn hơn rất nhiều mà chúng ta hoặc là sẽ được hoặc là sẽ mất, đây là thời điểm chúng ta phải lựa chọn!
Nếu áp thuế thêm 200 tỷ USD thì hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ cơ cấu sẽ như sau: khoảng 20% máy móc thiết bị cơ khí, 25% là máy móc thiết bị điện tử, khoản 17% đồ gỗ nội thất; nếu Việt Nam có lợi thì sẽ là những doanh nghiệp ở các lĩnh vực đó. Nếu xuất khẩu những hàng tương tự sang Mỹ, hàng của chúng ta sẽ rẻ hơn tương đối so với Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu tính toán kỹ lưỡng hơn, trong số những hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ nằm trong giỏ tương tự Mỹ trừng phạt Trung Quốc chỉ có 13 tỷ USD, không đáng kể so với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Lưu ý là trong danh sách này không có dệt may và da giày là 2 thứ Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ.
Chuyện Mỹ áp thuế 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, chúng ta cần phải chờ tới tháng 12, sau cuộc bầu cử giữa kỳ nên không cần nóng vội bàn luận ở thời điểm này. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã hết đạn do giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tầm 500 tỷ USD, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ khoảng 150 tỷ USD. Thế nên, nếu Donald Trump vẫn quyết định chơi đến cùng, Trung Quốc không còn "ăn miếng trả miếng" được nữa mà phải dùng các biện pháp khác như tiền tệ, hàng rào phi thuế quan…
Nếu Trung Quốc sử dụng các biện pháp có tính thị trường với cuộc chiến tranh này, về cơ bản là ‘gậy ông đập lưng ông’, ví dụ: nếu dùng biện pháp tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ thì như đã nói ở trên, điều đó có thể khiến các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi Trung Quốc. Nếu bán trái phiếu chính phủ Mỹ mà Trung Quốc đang nắm giữ (Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của nước Mỹ) - khi bán tháo một số lượng lớn như thế sẽ khiến giá thấp và tài sản của mình giảm ngay lập tức…
Cho dù Trung Quốc quay sang những biện pháp có tính phi thị trường như gửi đoàn thanh tra đến doanh nghiệp của Mỹ ở Trung Quốc như từng làm vậy với Nhật Bản, Hàn Quốc thì cũng chẳng có mấy tác dụng.
Về mặt công nghệ, Trung Quốc chưa đạt đến trình độ có thể đối diện trực tiếp với Mỹ. Một số nhà máy công nghệ cao Trung Quốc, sau khi Mỹ nâng thuế một số nguyên liệu đầu vào, đã đóng cửa ngay lập tức vì đơn giản không có nguồn nguyên liệu thay thế.
Sự sẵn sàng của Trung Quốc cho cuộc chiến tranh này vẫn còn rất hạn chế! Việt Nam không bị Donald Trump đưa vào tầm ngắm là nước thao túng tiền tệ để trừng phạt thương mại Việt Nam, ít nhất, chúng ta cũng có thêm 1 một ít thời gian để chuẩn bị.
Tương lai không quá tươi sáng của nền kinh tế Việt Nam
Tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện nay không đủ để chi thường xuyên và trả nợ, tình trạng này đã xảy ra 6 năm qua, do đó, chúng ta luôn phải phát hành nợ mới để có thể duy trì được sự thâm hụt này.
Hành động "chữa cháy" này mang lại một loạt hệ quả: Làm cho tổng nợ tăng lên, lãi suất trên thị trường chịu sức ép lớn và thâm hụt ngân sách tăng lên. Tình trạng này đang gây ra một sức ép vô cùng to lớn lên nền kinh tế Việt Nam.
Nếu không có được không gian tài khoá, nền kinh tế Việt Nam trong vài năm tới sẽ tiếp tục gặp khó khăn và nếu chúng ta cứ cố gắng đẩy mạnh tăng trưởng vượt qua mức tiềm năng, sẽ tạo ra sự đứt gãy như đã từng chứng kiến trong năm 2007 – 2008. Hậu quả của sự cạn kiệt không gian tài khoá rất nghiêm trọng: tăng thâm hụt ngân sách và nợ công, sức ép tăng thuế.
Năm nay là năm Bộ Tài chính có rất nhiều ‘sáng kiến’ tăng thuế: đầu năm là tăng VAT, sau đó là thuế xăng dầu, sau đó một loạt các loại thuế… Việc thuế chồng thuế và phí chồng phí đang làm cho người dân hết sức bức xúc!
Các địa phương tự chủ ngân sách phải tăng tỷ lệ điều tiết về Trung ương, tiêu biểu như TP. HCM, tỷ lệ điều tiết hơn 10 năm trước khoảng 33%, sau đó xuống 29%, 26%, 23% và gần đây xuống còn 18%. Tức là, TP. HCM đóng thuế về Trung ương là 82%, chỉ còn giữ lại 18%. Vì Trung ương thiếu tiền nên phải lấy từ các thành phố lớn và địa phương càng thành công thì càng chịu thiệt.
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam đang dựa nhiều vào tín dụng và khu vực FDI. Mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam luôn phải dựa vào những ông lớn FDI như Samsung mới đạt được, không có các tập đoàn này thì tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ chững lại. Thực trạng này của nền kinh tế Việt Nam đã diễn ra trong nhiều năm nay chứ không phải bây giờ mới có.
Các nút thắt của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nguyên, đó là chính sách, cơ sở hạ tầng và bây giờ thêm một nút thắt cực lớn nữa là về khoa học công nghệ và tư duy công nghệ. Điều này thể hiện một cách "buồn cười" qua cuộc chiến giữa Grab và Vinasun.
Khi “con trâu” đi kiện “máy cày” - vì sao anh khiến tôi thất nghiệp là hết sức vô lý vì đấy là tiến hoá bình thường của nhân loại! Logic bình thường: “con trâu” sẽ không bao giờ đi kiện “máy cày” và “máy cày” nó cũng không thèm để ý đến “con trâu”. Nhưng, khổ nổi câu chuyện “con trâu” đi kiện “máy cày” đang diễn ra ở Việt Nam cuối cùng là “máy cày” thua!
Đây là một tư duy cực kỳ nguy hiểm, với tư duy như vậy, công nghệ không thể nào phát triển, tương tự như thế với rất nhiều đạo luật gần đây mà tôi quan sát, cũng không trợ lực cho việc phát triển công nghệ.
Về động lực cho tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới, quan trọng nhất vẫn là cải cách về thể chế. Về cải cách thể chế, nếu nói chung chung thì dễ nhưng cụ thể cải cách cái gì ở thể chế thì rất khó.
Quay trở lại vấn đề đầu tiên, muốn phát triển thì phải làm sao thay đổi được tư duy của chúng ta, để những tư duy cũ không trói buộc, không khiến cho chúng ta đi vào những lối mòn làm Việt Nam rơi vào tình trạng ‘kẹt trong bẫy thu nhập trung bình” – điều mà nhiều báo đài hay nhắc đến.
Thêm một nhiệm vụ nữa, Nhà nước phải phát triển kinh tế tư nhân. Cách đây 15 năm, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam chiếm khoảng 9% GDP và đến thời điểm này, khu vực này cũng vẫn chỉ chiếm gần 9% GDP; mọi chuyện chẳng có gì thay đổi cả mặc dù doanh nghiệp tăng lên rất nhiều với gần 600.000 doanh nghiệp trên khắp Việt Nam.
Rõ ràng, chúng ta phải nhìn lại những biện pháp giúp phát triển doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam, rằng đó đã hiệu quả chưa hay thậm chí trên nhiều khía cạnh khác nó còn đi thụt lùi và bị phân biệt đối xử.
Đối với các hiệp định thương mại, ký kết thì tốt nhưng hiệp định thương mại chỉ là cơ hội, còn chuyện chớp được cơ hội hay không là tùy thuộc vào chúng ta. Chúng ta ký với ASEAN xong thì thâm hụt thương mại toàn diện với ASEAN, chúng ta cứ ký với ai/khu vực nào xong thì lại thâm hụt thương mại với nước và khu vực đấy!
Nguyên do là bởi năng lực của chúng ta không được chuẩn bị một cách đầy đủ, giống kiểu “bị trói chân tay rồi thả xuống bể bắt bơi thì sao mà bơi được". Không ai phản đối hội nhập nhưng hội nhập làm sao chúng ta phải duy trì được năng lực cạnh tranh đồng thời giữ vững năng lực và chớp cơ hội, đây là bài toán khó hơn rất nhiều so với bài toán đi ký kết. Ký kết các hiệp định không khó, thực hiện nó có hiệu quả mới khó!
Cuối cùng là vấn đề đô thị, nếu như cách đây 10 năm, tổng 5 thành phố trực thuộc Trung ương đóng góp 35 - 36% GDP của cả nước thì sau 10 năm con số đó cũng không có nhiều thay đổi. Tại sao lại như thế? Tại vì tốc độ tăng trưởng các địa phương đầu tàu đó không vượt hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.
Chúng ta cần tập trung nguồn lực cho những đô thị này để tạo ra động lực kéo cả nền kinh tế phát triển, vì cạnh tranh ở thế kỷ 21, về cơ bản là cạnh tranh giữa các đô thị lớn.
Cách mạng công nghệ mới sẽ diễn ra ở đô thị, bởi vì ở đây có cơ sở hạ tầng, dòng tài chính, nhân lực chất lượng. Thế nhưng, cơ sở hạ tầng đô thị của chúng ta ở thời điểm này quá tệ: ngập nước, ô nhiễm, quá tải…. với rất nhiều vấn đề mà lại không được đầu tư giải quyết một cách thích đáng, cần có những giải pháp về chính sách.
Đừng để 'Samsung hắt hơi, nền kinh tế Việt Nam... ốm'
Diễn giả quốc tế: VinFuture thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ toàn cầu
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách mua căn hộ Newtown Diamond
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Mù Cang Chải sẽ có thêm khu nghỉ dưỡng thương hiệu quốc tế
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB trong Top 10 có báo cáo thường niên tốt nhất ngành tài chính
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Hà Nội thống nhất xây 3 cầu mới qua sông Hồng
Hà Nội đã họp bàn triển khai đầu tư xây dựng một số cầu lớn qua sông Hồng bằng nguồn vốn công.
Kiến tạo nền quản trị hiện đại: Nền móng vững chắc cho khát vọng vươn mình
Xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, linh hoạt chính là nền móng để hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam.
Bamboo Capital thắng lớn tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.