Tương lai của báo chí và trí tuệ nhân tạo

Việt Hưng - 09:50, 10/03/2024

TheLEADERNgày càng có nhiều hơn những câu chuyện về cách công nghệ đang tác động tới báo chí, cũng như những xu hướng công nghệ mới và tiềm năng của trí tuệ nhân tạo trong tương lai của ngành báo chí và truyền thông.

Trải qua hai thập kỉ, ngành báo chí đã chứng kiến sự biến đổi to lớn do ảnh hưởng của công nghệ và môi trường truyền thông mới. 

Các tòa soạn đang đối mặt với nhiều thách thức khi độc giả dần chuyển sang việc đọc tin trực tuyến và trên các thiết bị di động.

Để thích nghi và tiếp tục phát triển, nhiều cơ quan báo chí, truyền thông đã tìm hiểu và áp dụng các công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo, thực tế tăng cường và báo chí tự động, đồng thời tìm cách kết nối với độc giả một cách hiệu quả hơn.

Ông Lê Quốc Minh - Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tin rằng, ứng dụng công nghệ là con đường duy nhất giúp các cơ quan báo chí trong nước thích ứng và tiếp tục phát triển với bối cảnh mới. Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ trở thành một phần gần như bắt buộc của các tòa soạn. 

"Các tòa soạn ở Việt Nam sử dụng ít, nhưng theo thống kê mới nhất thì 75% tòa soạn trên thế giới đã sử dụng ít nhiều các công cụ trí tuệ nhân tạo", ông Minh nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, khi nói đến trí tuệ nhân tạo nhiều người mới nghĩ đến câu chuyện máy móc viết bài thay cho con người. Nhưng trí tuệ nhân tạo bao hàm nghĩa rộng lớn hơn rất nhiều.

Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng rất mạnh mẽ trong nhiều cơ quan báo chí ở rất nhiều cách thức từ rất lâu, và trong tương lai sẽ còn tiến hóa ở mức độ cao hơn nữa.

Có nhiều cách khác nhau để áp dụng AI trong hoạt động nghiệp vụ báo chí như: tóm tắt nội dung văn bản và tài liệu, trả lời theo yêu cầu và chủ đề của người dùng hoặc sáng tạo các nội dung, các tác phẩm theo góc nhìn mới, đặt tiêu đề cho các bài báo, dịch thuật đa ngôn ngữ.

Các ứng dụng này giúp nhà báo tiết kiệm thời gian và công sức lao động nghề nghiệp. AI có thể là trợ lý ảo đắc lực cho nhà báo trong tìm kiếm, xác định thông tin. Có thể sử dụng các phần mềm ứng dụng công nghệ AI để phát hiện đề tài, thu thập xử lý thông tin để theo dõi sự kiện, trích xuất thông tin và xác định xu hướng.

Tương lai của báo chí và trí tuệ nhân tạo
Ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - Ảnh: TTXVN

Trên thế giới, thời báo New York Times đã ứng dụng AI giúp cải thiện việc quản trị mục bình luận của độc giả, khi trước đó, 14 nhân viên thuộc đơn vị này phải duyệt tay khoảng 11.000 bình luận mỗi ngày.

Tờ The Washington Post còn phát triển một hệ thống trí tuệ nhân tạo khác để xác định xem những bình luận nào của độc giả có chứa nội dung không phù hợp để xóa chúng đi mà không cần sự can thiệp của con người.

Tờ USA Today đã ứng dụng AI để sản xuất các video ngắn, rút gọn các bản tin thành một đoạn nội dung cô đọng rồi gắn kết với các hình ảnh hoặc các đoạn video, thậm chí có thể tự động bổ sung phần đọc lời bình với giọng phát thanh viên được lập trình sẵn.

Còn hãng thông tấn BBC đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để tổng hợp và trích xuất thông tin từ các nguồn tin tức trên Internet. Hệ thống này sẽ khai thác từ nhiều nguồn tin trên toàn cầu, sau đó tổng hợp và gắn thẻ cho các bài viết. Khi các phóng viên muốn tìm kiếm thông tin sẽ nhanh chóng có được bài viết mình cần.

Tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo được Bộ Thông tin và Truyền thông tuyên truyền và kêu gọi các cơ quan báo chí hưởng ứng, ứng dụng vào hoạt động quản trị tòa soạn, cũng như sản xuất các hình thức tin bài.

Theo Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, trí tuệ nhân tạo và con người có sự bù trừ cho nhau. Trong đó, trí tuệ nhân tạo giải phóng con người khỏi những việc mệt mỏi, không hợp với họ.

"Cái gì phức tạp, cái gì nhiều số, nhiều quy định thì để cho máy làm và chắc chắn máy làm tốt hơn. Còn cái gì không có dữ liệu, ít thông tin thì để cho người làm. Quản lý Nhà nước hiện nay dùng công nghệ, phân tích dữ liệu là quan trọng", Bộ trưởng khẳng định.

Tương lai của báo chí và trí tuệ nhân tạo 1
Hội thảo chuyên đề "Tương lai của Báo chí và Trí tuệ nhân tạo" - Ảnh: Global PR Hub

Nhằm làm rõ mối quan hệ giữa ngành báo chí và công nghệ trí tuệ nhân tạo, tới đây, Công ty Global PR Hub sẽ phối hợp cùng Hội Nhà báo Việt Nam, Hãng tin tức Reuters và MGID tổ chức hội thảo chuyên đề "Tương lai của Báo chí và Trí tuệ nhân tạo" vào ngày 13/3/2024 tại Hà Nội.

Hội thảo sẽ là diễn đàn để thảo luận về những cơ hội, thách thức và sự chuyển dịch cần thiết của ngành truyền thông Việt Nam, mang đến những thông tin đắt giá giúp các doanh nghiệp có những chiến lược truyền thông hiệu quả hơn.

Các chuyên gia hàng đầu sẽ chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình, đồng thời đề xuất các giải pháp sáng tạo để ngành báo chí có thể tiến xa hơn trong thời đại số hóa.

Những câu chuyện về cách công nghệ đang tác động tới báo chí sẽ được mở ra, đi sâu vào những xu hướng công nghệ mới và tiềm năng của trí tuệ nhân tạo trong tương lai của ngành báo chí và truyền thông.

Bên cạnh đó sẽ là các giải pháp tăng trải nghiệm độc giả qua thực tế tăng cường và báo chí tự động, tối ưu hóa quy trình sản xuất tin tức bằng trí tuệ nhân tạo,.. trong khi không làm mất đi tính "con người" và sự đa dạng của nội dung.

"Chúng ta không thể phủ nhận vai trò quan trọng của công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng trong thế giới thông tin hiện đại. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng đòi hỏi sự cẩn trọng và hiểu biết sâu sắc về các vấn đề nhân văn và đạo đức", ông Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ.

Hiện tại, một số cơ quan báo chí tại Việt Nam đã ứng dụng AI khá sớm. Như báo điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào năm 2016 để sản xuất các video ngắn, tích hợp hệ thống để theo dõi hành vi người dùng và tự động gửi bản tin tới độc giả.

Vào năm 2021, Báo Lao Động đã ra mắt một bản tin truyền hình sử dụng biên tập viên ảo. Biên tập viên ảo trong bản tin của Báo Lao Động được tạo tự động trên máy tính, mô phỏng 100% khẩu hình, biểu cảm khuôn mặt, ngôn ngữ hình thể và phong cách dẫn chương trình của người thật.

Đầu năm 2022, Báo Nhân Dân bắt đầu sử dụng trí tuệ nhân tạo, không chỉ để đo lường độc giả theo thời gian thực, mà còn tự động đề xuất nội dung tương thích cho độc giả mang tính cá nhân hóa.